Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 – 2018)

Sự kết tinh vĩ đại nhất, chói lọi nhất

08:16 - Thứ Năm, 23/08/2018 Lượt xem: 9294 In bài viết
ĐBP - Tròn 73 năm trước, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Ðộc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giá trị thiêng liêng và vĩ đại nhất mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại cho dân tộc ta, đó là độc lập và tự do. Mặc dù, để bảo vệ toàn vẹn những giá trị này, chúng ta còn phải trải qua cuộc trường chinh 30 năm nữa mới đi đến chiến thắng cuối cùng, đó là Ðại thắng mùa xuân 1975.

 

Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9) được tổ chức tại Quảng trường Ba Ðình (TP. Hà Nội). Ảnh Tư liệu

Trước đấy, ngày 25/8/1945, từ chiến khu Tân Trào (Tuyên Quang), Bác Hồ bí mật về Hà Nội trực tiếp lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám. Tại phiên họp của Thường vụ Trung ương Ðảng ngày 27/8, Bác nêu 2 vấn đề quan trọng phải làm ngay, một là soạn bản “Tuyên ngôn Ðộc lập”, hai là công bố danh sách Chính phủ Cách mạng lâm thời. Ngày 28/8, tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang (Hà Nội), Bác Hồ bắt đầu soạn “Tuyên ngôn độc lập” trên chiếc máy chữ cũ kỹ. Khởi nghĩa giành chính quyền tại 2 tỉnh Ðồng Nai Thượng và Hà Tĩnh. Về căn bản, xét trên bình diện chính trị, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi trong phạm vi toàn quốc, sau hơn 10 ngày diễn ra liên tục và sôi nổi. Khoảng 20 vạn quân Trung Hoa theo 2 đường thủy, bộ tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Ngày 29/8, Ðoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tới Huế; đoàn gồm 3 người, do Bộ trưởng Bộ Thông tin - Tuyên truyền Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận làm Ủy viên. Bảo Ðại tiếp đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời tại điện Kiến Trung, tháp tùng Bảo Ðại có Ðổng lý văn phòng Phạm Khắc Hoè. Tại cuộc sơ kiến ấy, Bảo Ðại chấp nhận những điều kiện và nghi thức lễ thoái vị, do Chính phủ lâm thời Việt Nam yêu cầu.

Chiều hôm sau, lúc 16 giờ ngày 30/8/1945, lễ thoái vị của Bảo Ðại được cử hành trước lầu Ngọ Môn, bên bờ sông Hương. Trong bộ triều phục Hoàng đế, Bảo Ðại run run đọc Chiếu tự nguyện thoái vị. Ông Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ lâm thời, nhận thanh kiếm nạm ngọc và chiếc quốc ấn nặng hơn 7kg vàng từ tay Bảo Ðại. Sau 21 loạt thần công, lá cờ “Quẻ Ly” bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên cột cờ đại nội, trong sự reo hò sung sướng của hơn 5 vạn nhân dân Thừa Thiên - Huế. Chiếc huy hiệu “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” trên ngực Bảo Ðại, được coi là dấu chấm hết cho 114 năm Vương triều nhà Nguyễn, kết thúc vĩnh viễn chế độ phong kiến Việt Nam. Cùng ngày, ở Bắc Kỳ, Ðài vô tuyến điện Bạch Mai (một trong hai trung tâm vô tuyến lớn nhất Ðông Dương) được trao trả cho Chính quyền cách mạng; trước đó, đài vô tuyến này do quân Nhật chiếm giữ.

Ngày 31/8/1945, Bác Hồ đã soạn xong “Tuyên ngôn Ðộc lập”, bản thảo đánh máy chữ, tự Bác sửa chữa bằng bút mực; có đoạn: “Bản Tuyên ngôn Ðộc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam” (Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch). Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Ðình - Hà Nội, bản “Tuyên ngôn Ðộc lập” đã được Hồ Chủ tịch trịnh trọng tuyên đọc trước hơn 50 vạn quốc dân đồng bào. Kể từ đây, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời, vĩnh viễn chấm dứt mấy nghìn năm chế độ phong kiến và gần 100 năm chế độ thực dân ở nước ta; đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình. Cách mạng Tháng Tám là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng giải phóng dân tộc, thể hiện tính đúng đắn và nghệ thuật tổ chức, khẳng định tư tưởng, đường lối cách mạng của Ðảng Cộng sản Việt Nam mà Hồ Chủ tịch là người đại diện xuất sắc nhất. Từ thân phận nô lệ lầm than, lần đầu tiên giai cấp công nông giành được chính quyền trên phạm vi cả nước, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Việt Nam và cũng là Nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông Nam châu Á.

... Thấm thoát hơn 7 thập niên đã qua (1945 - 2018), thời gian càng lùi xa bao nhiêu chúng ta càng có thêm điều kiện để nhận thức rõ ràng hơn và đầy đủ hơn, về khả năng sáng tạo cũng như sức mạnh của cách mạng Việt Nam mà cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám là sự kết tinh vĩ đại nhất, chói lọi nhất. Những ngày này, cả nước tưng bừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong hoàn cảnh hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Ðảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Từ xuất phát điểm nghèo nàn và lạc hậu, chúng ta đã giành được rất nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh, chính trị - ngoại giao... Hơn bao giờ hết, tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9) mãi mãi là niềm tự hào là kim chỉ nam cho hành động cách mạng của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam nói chung.

Văn Khôi
Bình luận
Back To Top