Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh

08:17 - Thứ Năm, 23/08/2018 Lượt xem: 8512 In bài viết
ĐBP - Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Ðảng, toàn dân ta bản Di chúc lịch sử kết tinh những tinh hoa về tình cảm, tâm hồn, ý chí và quyết tâm của Người đối với đất nước và dân tộc; đặc biệt là hệ thống tư tưởng của Người. Di chúc đó còn là văn kiện mang tính chất cương lĩnh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh.

Từ trước đến nay, nhất là trong thời kỳ đổi mới và thực hiện Di chúc của Bác, Ðảng ta cũng đã luôn quan tâm đến công tác xây dựng Ðảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Ðảng ta, chế độ ta. Xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh theo Di chúc của Bác là phải tăng cường củng cố, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Ðảng; không có sự đoàn kết, thống nhất thì Ðảng sẽ không đủ năng lực, trí tuệ lãnh đạo nhân dân. Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Ðảng đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người khẳng định: “Ðoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Ðảng và của cả dân tộc ta”. Do đó, Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Hiện nay, bên cạnh sự chống phá ngày càng gia tăng của các thế lực thù địch trên nhiều lĩnh vực đối với cách mạng nước ta, mưu toan xóa bỏ nền tảng tư tưởng, phủ nhận sự lãnh đạo của Ðảng, bôi nhọ lãnh tụ... là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lợi dụng chức quyền làm giàu bất chính của một số cán bộ có chức, có quyền, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; còn nể nang, né tránh trong đấu tranh phê bình, góp ý với đồng chí; chưa hết lòng hết sức vì công việc, vì dân, chưa làm tròn bổn phận, chức trách, nhiệm vụ được giao... đã làm suy yếu sự đoàn kết, thống nhất không chỉ trong từng cơ quan, đơn vị tổ chức Ðảng, mà còn làm giảm chất lượng hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Ðảng.

Ðể cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; chống suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên... phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp về giáo dục, quản lý, kiểm tra, xử lý kỷ luật, kể cả xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ vi phạm... Nhưng biện pháp căn cơ bao trùm là lãnh đạo các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền phải thật trong sạch, lời nói phải đi đôi với việc làm; bảo đảm sự thống nhất giữa chủ trương, chính sách, nghị quyết của Ðảng với việc tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành và của cán bộ, đảng viên...

Nhân kỷ niệm 47 năm thực hiện Di chúc của Bác và tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sẽ không thừa khi nhắc lại phương châm và cũng là quy luật: “Tu thân, tề gia, trị quốc” của người xưa để cùng suy ngẫm. Nếu chúng ta để uy tín của Ðảng, lòng tin ở chế độ bị giảm sút, sự âu lo trong nhân dân, cả trong những đảng viên chân chính ngày càng tăng chỉ vì ngày càng có thêm cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, không hết lòng xả thân vì sự nghiệp cách mạng; mẫu mực về đạo đức, lối sống..., thì chúng ta có tội với Ðảng, với Bác Hồ và nhân dân.

Ðọc và suy ngẫm về những điều Bác nêu trong bản Di chúc để lại, chúng ta thấy rằng: Cho dù năm tháng sẽ qua đi nhưng bản Di chúc bất hủ của Người sẽ còn sống mãi, là kim chỉ nam cho toàn Ðảng, toàn dân ta vững bước tiến lên trên con đường xây dựng nước Việt Nam theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trương Thanh Nhã
Bình luận
Back To Top