Tư tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc và quyền con người trong Tuyên ngôn Ðộc lập

08:14 - Thứ Năm, 30/08/2018 Lượt xem: 13401 In bài viết
ĐBP - Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, trước gần một triệu đồng bào nhân dân Thủ đô Hà Nội đại diện cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước, tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nhà nước Công nông đầu tiên ở Ðông Nam châu Á). Bản Tuyên ngôn Ðộc lập năm 1945 khẳng định những căn cứ pháp lý về quyền con người, quyền dân tộc của Việt Nam để từ đó khẳng định độc lập, tự do, chủ quyền quốc gia, quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc.

Ðấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân là mục tiêu phấn đấu, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời được thể hiện rõ trong mọi thời điểm và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Ra đi tìm đường cứu nước, Người đến nước Pháp để đòi những quyền tự do mà chúng ta phải được hưởng.

 

Ðông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Ðình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Ðộc lập ngày 2/9/1945.  Ảnh tư liệu

Tháng 8/1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Người khẳng định quyết tâm: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập dân tộc”. Với Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy giành chính quyền, kết quả của quá trình đấu tranh đó được thể hiện rõ nét qua bản Tuyên ngôn Ðộc lập năm 1945.

Người long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do độc lập ấy”. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam sáng lập và lãnh đạo luôn luôn trung thành với mục tiêu cao cả: Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng của Người về mục đích đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân và an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc, 6 chữ bình dị mà thiêng liêng luôn xuất hiện cùng quốc hiệu Việt Nam trong 73 năm qua, định hướng phấn đấu của dân tộc và mỗi người dân Việt Nam cho hôm nay và mai sau. Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tướng thiên tài quân sự của Việt Nam đã viết “Tư tưởng Hồ Chí Minh là “linh hồn”, “ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam”, “lương tâm của thời đại”. Ðúng vậy, đối với lịch sử Việt Nam, tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh mà trong đó tư tưởng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc chiếm địa vị ưu tiên, “là linh hồn”, là “ngọn cờ lãnh đạo”, là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đấu tranh cách mạng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta”.

Bản Tuyên ngôn Ðộc lập đã thể hiện sâu sắc về quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Mở đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn ngay điều khẳng định đó trong Tuyên ngôn Ðộc lập của nước Mỹ năm 1776 rằng : “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và trong “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của cách mạng Pháp năm 1791 cũng viết “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, những quyền chính đáng ấy cũng hoàn toàn chính đáng đối với mọi người dân Việt Nam sống trên đất nước Việt Nam. Người nhấn mạnh, đã là quyền chính đáng thì không ai có quyền cướp đoạt nó đi, cũng như không dễ dàng cam chịu để kẻ khác cướp mất. Cho nên, mọi người dân Việt Nam sẵn sàng kề vai sát cánh hy sinh chiến đấu đến cùng để giành lại và bảo vệ những quyền chính đáng ấy. Ðây là một chân lý mãi mãi sáng ngời đối với mọi quốc gia dân tộc, cũng như đối với dân tộc ta.

Với Người, quyền độc lập dân tộc là thiêng liêng, nhưng phải hướng tới quyền tự do, sung sướng, hạnh phúc cho nhân dân, cho mỗi con người. Quyền dân tộc là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; là con đường tự chủ phát triển đất nước giàu mạnh “sánh vai với các cường quốc năm châu”, tiến lên chủ nghĩa xã hội; là quyền được sống trong hòa bình, dân chủ, tự do, thân thiện và làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Ðối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền sống không chỉ là được tồn tại, mà còn là quyền làm người. Quyền con người không chỉ là có cái ăn, cái mặc, đi lại tự do... mà còn là những giá trị cao hơn như: quyền được sống trong danh dự, con người được đối xử công bằng, có đời sống hạnh phúc. Ở Hồ Chí Minh, quyền dân tộc và quyền con người là thống nhất trong cả nhận thức và hành động, trong quan điểm, đường lối, chính sách và pháp luật mà Người mong muốn thực hiện.

“Sợi chỉ đỏ” chủ đạo xuyên suốt hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và quan niệm của Hồ Chí Minh về con người nói riêng đó là sự đấu tranh thực hiện quyền con người và giải phóng con người. Con người được sống với tất cả các quyền cơ bản của quyền con người: quyền sống, quyền được tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được tự do sáng tạo và phát triển hết khả năng của mình. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào rằng: Tuyên ngôn Ðộc lập - áng hùng văn lập quốc vĩ đại đã được cả dân tộc Việt Nam viết nên bằng xương máu, bằng nghị lực, quyết tâm giành lại và bảo vệ, giữ gìn cho bằng được quyền được sống, quyền tồn tại trong độc lập, tự do, bình đẳng và dân chủ, trong hòa bình hạnh phúc của cả cộng đồng dân tộc và của mỗi người dân nước Việt Nam.

Tuyên ngôn Ðộc lập chính là sự kết tinh, thể hiện và phản ánh truyền thống hào hùng, giá trị tinh thần bền vững, bản lĩnh và phẩm giá cao đẹp của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Văn Thanh
Bình luận
Back To Top