Vững bước trên con đường đã chọn

08:43 - Thứ Sáu, 31/08/2018 Lượt xem: 10911 In bài viết
ĐBP - Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH) là con đường duy nhất đúng mà Ðảng, Bác Hồ và dân tộc Việt Nam đã lựa chọn, là bài học lớn xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Thực tiễn cách mạng nước ta hơn 88 năm qua cho chúng ta nhận thức sâu sắc hơn bài học độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Ðó là sự lựa chọn của lịch sử, của nhân dân ta đi theo Ðảng, Bác Hồ; làm nên những thắng lợi vĩ đại, đưa dân tộc lên tầm cao mới của thời đại.

 

Thành phố Ðiện Biên Phủ ngày một đổi thay. Ảnh: Văn Thành Chương

Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, nhân dân ta đã liên tiếp đứng lên đấu tranh chống lại kẻ xâm lược. Từ năm 1858 đến năm 1930, đã có hàng trăm cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu nước dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, các nhân sĩ, trí thức… theo nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Ðó là các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nông dân Nam bộ dưới sự lãnh đạo của Trương Công Ðịnh, Nguyễn Trung Trực; phong trào Cần Vương; các phong trào Ðông Du, Ðông Kinh nghĩa thục, Duy Tân; cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám... Dù tràn đầy lòng yêu nước, không cam chịu làm nô lệ, nhưng các cuộc khởi nghĩa đều bị đàn áp tàn bạo và thất bại. Cách mạng nước ta chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Trong bối cảnh đó, tháng 6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Từ thực tiễn bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã tìm thấy con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Ðó là con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp; độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; Người khẳng định: “Chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Trung thành với mục tiêu và con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn, Ðảng ta chủ động vận dụng trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể với những nhiệm vụ và phương pháp cụ thể. Cương lĩnh Chính trị tháng 10/1930 của Ðảng khẳng định “Tiến hành cách mạng dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến lên CNXH, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991) kết luận: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Ðó là bài học xuyên suốt cách mạng nước ta”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa khẳng định: “Ði lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Với quan điểm nhất quán và đúng đắn đó đã đưa cách mạng nước ta giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại:

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau Ngày thành lập Ðảng, từ cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939 đến cao trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công đã xoá bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã lập nên những thắng lợi to lớn trong cách mạng giải phóng dân tộc, mà đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954 và Ðại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH. Ðặc biệt, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Ðảng lãnh đạo, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên rất nhiều từ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt; vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Ðiều đó khẳng định sự trưởng thành to lớn của Ðảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH đang bị chi phối, tác động mạnh mẽ của rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan; thách thức rất lớn, nhưng cũng rất nhiều thời cơ, vận hội. Trên cơ sở quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH, lại có kinh nghiệm thực tiễn hơn 88 năm qua, đặc biệt là thực tiễn của hơn 30 năm đổi mới, cho phép chúng ta hiểu được thực chất và kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trong bối cảnh hiện nay.

Ðối với tỉnh ta, những năm qua, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng khá; quốc phòng an ninh được bảo đảm; văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực, an sinh xã hội triển khai có hiệu quả, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả. Qua đó, củng cố lòng tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Ðảng và con đường đi lên CNXH.

Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém; tỷ lệ hộ nghèo cao (theo chuẩn nghèo đa chiều là 41,01%), nhất là nhân dân vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống phá trên nhiều mặt, nhất là hoạt động lợi dụng tuyên truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do, mua bán, sử dụng, vận chuyển, tàng trữ các chất ma túy... diễn biến phức tạp. Kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng; thường xuyên chăm lo xây dựng chỉnh đốn Ðảng, đấu tranh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và hiệu lưc, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân các dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị: Tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cao hơn, bền vững hơn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới. Ðặc biệt là tạo chuyển biến rõ nét, toàn diện về văn hóa - xã hội; tập trung mọi nguồn lực giảm nghèo nhanh, bền vững; đảm bảo an sinh xã hội. Bởi vì như Bác Hồ đã khẳng định: Chúng ta đấu tranh giành được tự do độc lập rồi mà dân cứ vẫn đói, vẫn rét thì độc lập, tự do đó chẳng có ý nghĩa gì, dân chỉ biết giá trị của độc lập tự do khi được ăn no, mặc ấm.

Ðồng thời kết hợp chặt chẽ giữa củng cố quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế xã hội; nâng cao khu vực phòng thủ; xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; chú trọng phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc cần nâng cao nhận thức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ðảng, đoàn kết một lòng và quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Ðảng. Bình tĩnh, tỉnh táo không hoang mang, dao động trước những khó khăn, thách thức; kiên quyết không nghe theo các luận điệu tuyên truyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch đòi thành lập “Vương quốc Mông” tuyên truyền theo các tà đạo “Giê Sùa”, “Hội thánh Ðức Chúa Trời mẹ”, tụ tập đông người trái phép… góp phần giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Ðức Dũng
Bình luận
Back To Top