Thành tựu và kỳ vọng

10:39 - Thứ Sáu, 31/08/2018 Lượt xem: 8888 In bài viết
ĐBP - Hơn bảy thập kỷ, kể từ ngày 2/9/1945 lịch sử, cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đã đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tích nổi bật trên mọi lĩnh vực. Từ một tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn, chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng với nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc, Ðiện Biên đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Trên mảnh đất lịch sử giữa trập trùng núi rừng Tây Bắc đã có nhiều tuyến đường cứng hóa nối gần thôn xa, bản vắng; điện lưới quốc gia đã thắp sáng các khu vực vùng cao, biên giới; trẻ em đều được đến trường; đồng bào các dân tộc được chăm sóc sức khỏe chu đáo; tỉnh đã có nhiều xã nông thôn mới, và thành phố trẻ Ðiện Biên Phủ đầy sức sống... Nhân dịp đồng bào cả nước hân hoan mừng 73 năm Quốc khánh 2/9, Báo Ðiện Biên Phủ lược ghi một số cảm nhận sự đổi thay cũng như những kỳ vọng của cán bộ và người dân Ðiện Biên.

Ông Vũ Văn Kiệm, cán bộ hưu trí 71 năm tuổi Ðảng

Tiếp tục làm tốt công tác phát triển đảng viên

 
Mặc dù đã nghỉ hưu được 30 năm, song tôi vẫn thường xuyên theo dõi các chủ trương, chính sách của Ðảng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi thấy những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Trong đó, chú trọng chỉ đạo công tác phát triển đảng viên. Nhìn chung, số đảng viên kết nạp mới những năm gần đây năm sau cao hơn năm trước, tuổi trẻ hơn, trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cao hơn so với thời chúng tôi. Ví dụ huyện Ðiện Biên, từ 1 chi bộ Ðảng đầu tiên với 5 đảng viên năm 1950 thì đến nay toàn huyện đã có trên 6.000 đảng viên. Hoặc huyện Tủa Chùa, tôi từng giữ chức Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy từ đầu năm 1980 đến cuối năm 1982, đảng viên mới có khoảng vài trăm người. Nhưng cách đây gần 3 năm khi tôi lên dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Ðảng bộ huyện, số lượng đảng viên đã hơn 1.600 đồng chí và đến nay đã phát triển lên trên 3.000 đảng viên. Nói như vậy để thấy công tác phát triển Ðảng trên địa bàn tỉnh rất tốt. Ðặc biệt, tháng 5/2016, khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 04 về “Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016 - 2020” với các mục tiêu phấn đấu cụ thể được đề ra, tôi thấy công tác kết nạp đảng viên ở cơ sở liên tục được tăng cao, góp phần không nhỏ xóa thôn, bản chưa có tổ chức đảng và đảng viên.

Làm tốt công tác phát triển đảng viên là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Ðể công tác phát triển đảng viên trong những năm tới đạt hiệu quả, chất lượng tôi mong rằng cấp ủy các cấp hướng phát triển đảng viên vào đối tượng là thế hệ trẻ, nông dân, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ, dân quân tự vệ, phụ nữ, dân tộc thiểu số, cán bộ đoàn thể ở các thôn, bản để từ đó khắc phục tình trạng chi bộ thôn, bản nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên. Phải đảm bảo người vào Ðảng có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có tính tiên phong, gương mẫu để quần chúng nhân dân học tập.

Thu Hằng (ghi)

Ông Ðoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Biến tiềm năng du lịch thành thế mạnh

 
Một phần tạo nên ấn tượng Ðiện Biên trong lòng nhân dân cả nước là bản sắc văn hóa độc đáo, phong tục tập quán đa dạng. Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực xây dựng và triển khai thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao. Nổi bật là các kỳ Ðại hội Thể dục, thể thao, Lễ hội Hoa ban, Lễ hội Thành Bản Phủ, sự kiện Hoa anh đào - Pá Khoang, chương trình Nghệ thuật giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản... Bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, quan tâm phát triển các môn thể thao thành tích cao, ngành cũng chú trọng duy trì và phát triển các môn thể thao dân tộc. Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục có tác động thiết thực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Với quần thể cụm di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ, nét văn hóa đặc sắc của vùng đất đa dân tộc cùng với những cảnh quan phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng... Ðiện Biên được đánh giá là địa bàn có nhiều lợi thế phát triển du lịch. Ðể khai thác và phát huy thế mạnh của du lịch, tỉnh đã từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Hiện nay, Sở đang tập trung triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế và trong khu vực nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết với các tỉnh Bắc Lào, Ðông Bắc Thái Lan để hình thành các tuyến du lịch quốc tế và tuyến du lịch theo vòng cung Tây Bắc. Tăng cường liên kết để hợp tác, thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ tại các đơn vị kinh doanh lưu trú, nhà hàng, điểm du lịch. Xu thế chung hiện nay của du lịch vùng Tây Bắc là phát triển du lịch lịch sử, tham quan nghiên cứu văn hóa kết hợp du lịch sinh thái rừng, nghỉ dưỡng… trong mối quan hệ hợp tác liên vùng. Du lịch Ðiện Biên đã có bước phát triển rõ rệt, thu được kết quả khá. Lượng khách và thu nhập từ du lịch năm sau tăng hơn năm trước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động, góp phần tích cực vào kết quả tăng trưởng chung của tỉnh. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, lượng khách đến Ðiện Biên đạt gần 550 nghìn lượt, dự tính đến cuối năm đạt 750 nghìn lượt khách trong và ngoài nước… Tận dụng những lợi thế của mình, du lịch Ðiện Biên đã và đang có những chiến lược dài hạn để thúc đẩy sự phát triển. Nỗ lực nắm bắt xu thế để biến tiềm năng thành thế mạnh, từ đó góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Mai Phương (ghi)

Ông Phạm Bá Thiêm, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế, giai đoạn 1990 - 2002

Ngành Y tế có sự tiến bộ vượt bậc

 
Những năm 1990 - 2002, khi tôi giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cũ (nay là Ðiện Biên), tỉnh ta còn nghèo, vì vậy ngành Y tế cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc, đặc biệt là tuyến cơ sở đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tôi nhận thấy hiện nay tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có sự phát triển tích cực, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Trong sự đổi thay chung đó, có sự tiến bộ vượt bậc của ngành Y tế. Tổ chức ngành Y tế ngày càng lớn mạnh; công tác cán bộ được chú trọng, đội ngũ y, bác sĩ được cử đi học, đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ ngày càng nhiều. Hầu hết các bác sĩ quản lý đều có trình độ chuyên khoa I, II trở lên. Trình độ chuyên môn của y, bác sĩ ngày càng hoàn thiện và nâng cao. Ðiều đó thể hiện qua công tác khám và điều trị, nhất là các ca cấp cứu, phẫu thuật, chẩn đoán hình ảnh… Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, quy trình khám chữa bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện nhanh chóng; thái độ phục vụ của cán bộ, y, bác sĩ tận tình, chu đáo.

Những năm gần đây y tế tuyến xã cũng phát triển khá mạnh, các xã đều có trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; công tác tiêm chủng, phòng trừ dịch bệnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Ðội ngũ bác sĩ được tăng cường đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Một trong những đổi thay lớn nữa đó là chính sách bảo hiểm y tế cho nhân dân, các đối tượng chính sách xã hội đã được ngành quan tâm, thực hiện tốt hơn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều cơ sở tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Qua đó, giúp người dân được hưởng lợi, từng bước nâng cao chất lượng khám, điều trị, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Thu Phương (ghi)

Bà Nguyễn Quý Lạc, Nhà giáo ưu tú, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh

Luôn nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

 
Với 36 năm công tác trong ngành Giáo dục (từ năm 1973 - 2009), trên nhiều cương vị khác nhau, tôi cũng phần nào hiểu được sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh. Thời điểm đó, công tác giáo dục và đào tạo còn khó khăn, đội ngũ giáo viên thiếu thốn và chưa đồng bộ. Cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; nhiều nơi học sinh phải học nhờ, học tạm… vì vậy tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến lớp rất thấp.

Những năm gần đây, được sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Ðảng, chính quyền cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh ta đã có bước phát triển vượt bậc. Mạng lưới, quy mô trường lớp, nhất là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được củng cố và mở rộng; chất lượng giáo dục được nâng lên qua từng năm học, đáp ứng nhu cầu được học tập của con em các dân tộc trên địa bàn. Công tác khuyến học - khuyến tài được quan tâm, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Ðặc biệt, việc huy động học sinh đến trường những năm gần đây đều đạt tỷ lệ cao, nhiệm vụ mà thế hệ nhà giáo chúng tôi luôn trăn trở. Ðáng mừng hơn, đến nay tỉnh ta đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ II - đây là một trong những thành tựu to lớn của ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh.

Khi ngành giáo dục tỉnh ngày càng chú trọng các hoạt động chuyên môn, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động ngoài giờ lên lớp, đặc biệt là hoạt động theo chủ đề, chủ điểm, giáo dục pháp luật, văn hóa thể thao nhằm tạo hứng thú và thu hút học sinh đến trường… Ðồng thời, liên tục đổi mới, tiếp cận với những phương pháp khoa học, hiện đại nhằm phát triển hơn nữa chất lượng dạy và học. Tôi tin tưởng rằng, với những thành quả đã đạt được và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, giáo viên sẽ tiếp thêm động lực để ngành Giáo dục tỉnh đạt thành tích cao hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong tương lai.

Thành Đạt (ghi)

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Then chốt là giảm nghèo bền vững

 
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, chương trình giảm nghèo trên địa bàn đã đạt được những kết quả cơ bản, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là đối với người nghèo. Ðến nay 100% người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng/năm, được khám chữa bệnh thuận lợi; con em hộ nghèo được hỗ trợ miễn giảm học phí và các khoản đóng góp theo quy định.

Bước sang giai đoạn mới, nhận diện nghèo và chương trình giảm nghèo có nhiều thay đổi. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, số hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tỷ lệ trên 41,01%, số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ trên 9% tổng số hộ. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra của Chương trình Giảm nghèo bền vững là phấn đấu hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 33% (bình quân giảm 5%/năm) và các huyện thuộc Nghị quyết 30a xóa đói giảm nghèo bền vững. Với mục tiêu trên, theo tôi vấn đề then chốt vẫn là làm sao để giảm nghèo một cách bền vững. Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả mục tiêu đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh xây dựng và triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó xác định, nhận diện nguyên nhân nghèo để tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho các thôn, xã và huyện còn khó khăn; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo; khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương để tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Các mô hình giảm nghèo cần được duy trì và nhân rộng; khuyến khích người dân lựa chọn, phát triển các mô hình sản xuất, cây trồng, vật nuôi tạo ra các sản phẩm có giá trị, thương hiệu. Ðồng thời, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao giữa các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; động viên, khuyến khích người nghèo chủ động
vươn lên, tự nguyện đăng ký thoát nghèo.

Ðức Kiên (ghi) 

Ông Phạm Văn Ðịnh, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên

Tham gia chuỗi liên kết thay đổi tư duy sản xuất của nông dân

 
Hơn 30 năm gắn bó với đồng ruộng, tôi đã thuộc lòng các phương thức sản xuất truyền thống, nhưng làm lụng vất vả bao nhiêu năm cũng chỉ đủ ăn. Từ khi chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang sản xuất quy mô theo chuỗi liên kết, tôi nhận thấy đã có sự đột phá.

Tôi tham gia liên kết với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên với mô hình sản xuất kiểu mới - mô hình cánh đồng mẫu lớn với 1ha lúa đến nay là vụ thứ 3, chuyên sản xuất gạo IR64 và Bắc thơm số 7. Qua 3 vụ, chúng tôi đã thay đổi nhận thức về lối canh tác, không còn là sản xuất mạnh ai nấy làm mà tham gia liên kết sản xuất, thay đổi tư duy cùng bàn bạc, cùng làm. Trước đây, cứ 1.000m2 ruộng, người nông dân ngâm và gieo sạ 7kg giống, nay áp dụng kỹ thuật gieo mới chỉ hết từ 3 - 4kg giống. Ðối với quá trình sản xuất, từ khâu bón phân cho đến phun thuốc cũng phải tuân thủ quy trình hướng dẫn của kỹ thuật viên HTX. Ðiều đó đã giảm được việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, nông dân chúng tôi cũng giảm chi phí. Quan trọng nhất là nông sản thu hoạch đạt chất lượng cao hơn so với các vụ trước đây. Khi liên kết sản xuất, được hỗ trợ về giống, vật tư nông nghiệp và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hạt lúa được kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm chi phí, rủi ro, đầu ra ổn định. Bởi vậy lợi ích mà người dân thu được tăng thêm 40%. Tham gia liên kết sản xuất với HTX còn giúp giải quyết một số khó khăn cho người dân như: Hệ thống thủy lợi đảm bảo nên chủ động được nước sản xuất; được tạo điều kiện về vốn; được cung cấp đầy đủ các dịch vụ phục vụ sản xuất với giá thành hợp lý dựa trên phương châm “người dân được hưởng lợi ích tối đa”. So với trước đây thì nông dân bây giờ làm ruộng đỡ vất vả hơn nhiều.

Kinh nghiệm từ trồng lúa nước, bản thân tôi và các thành viên khác của HTX đều nhận thấy rằng: So với phương thức sản xuất truyền thống thì sản xuất theo chuỗi liên kết mang lại lợi ích hơn nhiều. Ðó là khai thác tối đa hiệu quả canh tác đất, sản xuất lúa gạo đồng bộ, giảm chi phí vật tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra, tăng thu nhập cho nông dân. Tôi mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm phát triển rộng mô hình sản xuất này để nông dân trong cả tỉnh được hưởng lợi ích.

Lan Phương (ghi)

Sinh viên Hà Thị Nụ, lớp K19MN1, Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên

Tuổi trẻ phải sống có lý tưởng

 
Trong những năm tháng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lý tưởng của thế hệ cha anh là giành lại độc lập cho dân tộc. Ngày nay, thế hệ trẻ chúng em được sống trong độc lập, hòa bình và phát triển thì phải bảo vệ và xây dựng đất nước thoát khỏi đói nghèo, phát triển hiện đại.

Là sinh viên, em nhận thức rằng nhiệm vụ quan trọng nhất là học tập, không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức. Ðó là hành trang quan trọng giúp mỗi sinh viên trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Còn riêng bản thân em, là một sinh viên học chuyên ngành sư phạm mầm non, qua những lần đi thực tập cũng như tham gia các chương trình tình nguyện do nhà trường tổ chức, em càng hiểu thêm tầm quan trọng của giáo dục, nhất là bậc mầm non - cấp học tạo nền móng cho sự phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm và thẩm mỹ của trẻ, đồng thời cũng là bậc học mở đầu trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cảm nhận được một phần trách nhiệm của bản thân, một người giáo viên mầm non tương lai sẽ góp phần vun đắp những mầm non tươi tốt. Bởi vậy em luôn cố gắng học thật giỏi, nỗ lực trở thành giáo viên mầm non có chuyên môn tốt, nhiệt huyết với nghề và yêu thương trẻ. Qua đó, đóng góp trí tuệ và sức lực của mình góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Thực tế hiện nay, em thấy một bộ phận thanh niên, sinh viên đang sống thiếu mục đích, thiếu lý tưởng, chưa chứng tỏ vai trò, trách nhiệm của mình. Bởi vậy, theo em ngoài dạy kiến thức phải coi trọng việc giáo dục lý tưởng sống cho học sinh, sinh viên. Phải khơi dậy tình yêu nghề nghiệp, yêu cộng đồng, yêu xã hội, yêu dân tộc cho sinh viên, từ đó góp phần đào tạo thế hệ trẻ có đủ tài, đức để xây dựng quê hương, đất nước.

Ðức Huy (ghi)

Ông Khoàng Văn Nọi, cựu chiến binh xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ)

Cuộc sống người dân vùng cao đổi thay nhờ giao thông được nâng cấp

 
Tôi sinh ra ở vùng “Ba Chà” (gồm các xã: Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở) nhưng chọn xã Nà Hỳ làm nơi gắn bó khi tuổi đã xế chiều, năm nay tôi gần 80 tuổi rồi. Thời điểm về đây là năm 2003, nhiều người khuyên can tôi: Sao lại chọn nơi xa xôi, khó khăn như vậy làm nơi dưỡng già? Quê cũ Chà Nưa dù sao cũng thuận lợi hơn chứ! Thực sự tôi đã hơi băn khoăn bởi Nà Hỳ khi đó còn rất hoang sơ, điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông hết sức khó khăn… Tuy nhiên, vốn là người đã từng cầm súng bảo vệ quê hương trong những năm chiến tranh, bước qua nhiều vùng đất trên dặm dài đất nước và cả nước bạn Lào, nhìn Nà Hỳ khi đó với nhiều dải đất bằng phẳng, tài nguyên đất đai, rừng phong phú, tôi có niềm tin rằng đến một ngày nơi đây sẽ phát triển.

Thời gian trôi qua, sau 15 năm nhìn lại, quả thực tôi đã không nhầm. Nhất là từ khi chia tách, thành lập huyện Nậm Pồ, Nà Hỳ được lựa chọn là địa bàn trung tâm, xã đã có nhiều đổi thay tích cực, đặc biệt là giao thông. Tôi cho rằng giao thông là “mạch máu” tối quan trọng mà bất cứ vùng đất nào cũng cần để phát triển. Nhắc đến giao thông vùng cao Nậm Pồ những năm trước đây thực sự là nỗi ám ảnh về khó khăn khi lưu thông. Ðơn cử như tuyến đường Chà Cang - Nà Hỳ, đã không ít lần tôi phải xác định… đi bộ cho nhanh. Ðường trung tâm xã qua bản tôi ở cũng vậy, bước ra cửa là bùn ngập đến ngang gối. Nhưng đến nay, Nậm Pồ nói chung, Nà Hỳ nói riêng đã được kết nối với quốc lộ. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường km45, quốc lộ 4H - Nà Hỳ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; đường từ xã, huyện ra tỉnh không chỉ rút ngắn được 40km mà còn thuận lợi, an toàn hơn trước rất nhiều.

Ðối với địa bàn vùng cao, biên giới thì nâng cấp giao thông là yếu tố quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây. Khi đường đã được thảm nhựa, vỉa hè được lát gạch sạch sẽ, khang trang; kinh doanh, thương mại phát triển nên hàng hóa nhiều hơn. Làm đường đẹp, to rộng không chỉ mình đi lại thuận tiện mà đời con cháu mình sẽ có điều kiện phát triển hơn nữa.

Phạm Dương (ghi)

Anh Cà Văn Hoàn, thanh niên tiêu biểu xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên)

Tạo điều kiện để thanh niên lập thân, lập nghiệp

 
Tôi cũng như nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn có nhiệt huyết, tinh thần tuổi trẻ là khát vọng được cống hiến góp phần xây dựng cuộc sống, quê hương đẹp giàu. Vài năm trở lại đây, cụm từ “khởi nghiệp” trở nên phổ biến với thanh niên các thành phố lớn trong cả nước nhưng tôi thấy ở khu vực miền núi, biên giới, câu chuyện khởi nghiệp vẫn còn là vấn đề mới và gặp không ít khó khăn. Ðể cuộc sống gia đình ổn định như hiện tại, bản thân tôi đã không ngừng học hỏi, tìm tòi hướng đi đúng để phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng lợi thế về đất đai, tôi đã vận động gia đình phát triển kinh tế bằng mô hình trang trại VAC và thấy đây là mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện ở miền núi. Với 2.000m2 ao cá, hơn 1.000m2 trồng rau màu, kết hợp chăn nuôi lợn thịt và gia cầm, sau gần 10 năm với bao khó khăn thử thách và nhiều lần thất bại, đến nay, mô hình VAC của gia đình cho thu nhập bình quân từ 50-70 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư trồng những giống cây ăn quả có giá trị kinh tế, đem lại lợi nhuận cao; đầu tư mua hươu về nuôi lấy nhung.

Từ điều kiện phát triển kinh tế của bản thân, tôi thấy rằng: Ðể thanh niên vùng cao, miền núi lập thân, lập nghiệp thành công, rất cần sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn từ nhiều phía, nhằm “truyền lửa” khởi nghiệp cho thanh niên. Các cấp bộ Ðoàn cần triển khai các chương trình hỗ trợ thanh niên dân tộc miền núi lập thân lập nghiệp, đẩy mạnh các chương trình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng những mô hình mới tại địa phương giúp họ có cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại, áp dụng vào trong đời sống và lao động sản xuất. Tập trung hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số về vốn, quảng bá sản phẩm. Theo tôi thì thanh niên phải chăm chỉ học hỏi, đổi mới suy nghĩ và hành động thì mới có sự thay đổi cho cuộc sống bản thân, gia đình và xã hội.

Lan Dương (ghi)

Bình luận
Back To Top