Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) giám sát tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

18:48 - Thứ Sáu, 31/08/2018 Lượt xem: 10086 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 31/8, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) do đồng chí Nhữ Văn Quảng, Trưởng ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về thực hiện chính sách pháp luật đào tạo nghề, tư vấn, tạo việc làm cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2014 - 2018.

Đồng chí Nhữ Văn Quảng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) phát biểu tại buổi làm việc. 

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, giai đoạn 2014 - 2018, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho 35.733 người. Trong đó, 521 người học cao đẳng, trung cấp 545 người, sơ cấp và dưới 3 tháng là 34.667 (lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề là 24.732 người); trên 70% học nghề nông nghiệp, dưới 30% học nghề phi nông nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn tỉnh hiện có 3 trường cao đẳng; 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 2 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề. Các nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương được nhiều lao động trên địa bàn tỉnh tham gia học, như: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn, trâu, bò; kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia cầm; trồng và chế biến nấm; kỹ thuật hàn, xì, cơ khí; sửa chữa xe máy; kỹ thuật xây dựng. Sau đào tạo, tỷ lệ có việc làm đạt 75% trở lên; trên 8.500 lao động/năm được tạo việc làm mới… Đến nay, số lao động được duy trì việc làm thường xuyên trên địa bàn tỉnh là trên 317.000 người; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng lao động trong công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm lao động trong ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản.

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp với hình thức tự tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động; tỷ lệ lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định chưa cao. Phần lớn các cơ sở chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích phòng học, xưởng thực hành theo quy định; trang thiết bị thiếu về chủng loại, lạc hậu về công nghệ; đội ngũ giáo viên dạy nghề tại một số trung tâm dạy nghề chưa đảm bảo về chuyên môn. Kết quả khảo sát ở một số địa phương cấp xã chưa phản ánh đúng nhu cầu học nghề của người lao động; một bộ phận người lao động chưa xác định được nghề đào tạo phù hợp.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát quan tâm đến các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; chất lượng giáo viên cơ hữu tại các cơ sở dạy nghề; việc chỉnh lý chương trình, tài liệu dạy nghề phù hợp với địa phương; công tác xã hội hóa dạy nghề… Các đại biểu dự buổi làm việc thảo luận các vấn đề liên quan đến việc đào tạo lại cho lao động nông thôn; chỉ tiêu đào tạo nghề có phù hợp với tình hình thực tế; thời gian đào tạo nghề phi nông nghiệp dưới 3 tháng có đảm bảo; việc lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài…

Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Nhữ Văn Quảng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Đề án 1956 của Sở LĐTB&XH. Ngoài ra, đồng chí Nhữ Văn Quảng tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của Sở LĐTB&XH để chuyển cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Tin, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top