Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới

Mô hình phát huy sức mạnh quần chúng xây dựng, bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị

08:47 - Thứ Năm, 06/09/2018 Lượt xem: 9266 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác ngoại giao nhân dân, trong đó đẩy mạnh kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Qua đó, góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân các dân tộc vùng biên; cùng nhau bảo vệ đường biên giới, cùng giải quyết những sự việc phức tạp nảy sinh, đấu tranh phòng chống tội phạm; giúp nhau phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc...

 

BÐBP tỉnh phối hợp với Chùa Linh Sơn tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân bản Huổi Hịa (nước CHDCND Lào). Ảnh: Anh Dũng

Tỉnh ta có đường biên giới quốc gia dài gần 455km, tiếp giáp hai nước: CHDCND Lào và Trung Quốc. Khu vực biên giới nằm trên địa bàn 4 huyện với 29 xã biên giới, gần 350 thôn, bản và 3 cụm dân cư với tổng dân số gần 25.000 hộ, hơn 118.000 nhân khẩu thuộc 16 dân tộc. Từ nhiều đời nay, người dân ở hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, dân tộc gắn bó. Ðó là điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Song bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức, khó khăn: Trình độ dân trí chưa cao, một bộ phận người dân nhận thức về quốc gia, quốc giới còn hạn chế nên việc qua lại thăm thân chưa tuân thủ quy định của pháp luật; vẫn còn tình trạng xâm canh, xâm cư... Do đó, kết nối người dân các thôn, bản hai bên biên giới, khơi dậy tính thân tộc, dòng họ, giúp họ có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, từ đó phát huy tình đoàn kết gắn bó tham gia quản lý và bảo vệ biên giới là mục tiêu quan trọng của phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”.

Trở lại 6 năm trước, thời điểm Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy ra Thông báo số 282-TB/TU ngày 31/10/2012 về việc đồng ý chủ trương thí điểm kết nghĩa 1 bản giáp biên giới của tỉnh Ðiện Biên với 1 bản giáp biên giới của tỉnh Phoong Sa Ly (CHDCND Lào). Trên cơ sở đó, BÐBP tỉnh đã chủ động khảo sát, đánh giá tình hình địa bàn, tình hình nhân dân hai bên biên giới và lựa chọn bản Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Ðiện Biên làm “bản điểm” kết nghĩa với bản Na Luông, cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly.

Ngày 6/6/2013, lễ ký kết nghĩa giữa hai bản đã được tổ chức, đánh dấu mốc đầu tiên cho phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” trên địa bàn tỉnh. Sau khi kết nghĩa, dân cư hai bản coi nhau như anh em trong nhà. Khoảng cách 2,5km đi bộ dường như được kéo lại gần hơn khi dân bản hai bên thường xuyên gặp gỡ động viên nhau tự giác chấp hành các quy định của mỗi nước về biên giới, xảy ra vụ việc thì cùng ngồi lại với nhau, cùng tìm cái đúng, cái sai để giải quyết thấu tình đạt lý. Ðồng thời trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ nhau về con giống, cây trồng, vật nuôi. Ðặc biệt, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ Ðồn biên phòng Pa Thơm, người dân bản Na Luông (gồm 4 dân tộc Lào, Thái, Cống, Khơ Mú) phía tỉnh bạn đã dần từ bỏ lối canh tác độc canh truyền thống, tích cực khai hoang, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống ngày một nâng cao.

Với những kết quả tích cực sau khi triển khai làm điểm kết nghĩa “bản - bản”, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy ra Thông báo số 468 - TB/TU, ngày 19/12/2013 về việc đồng ý cho kết nghĩa 2 xã tiếp giáp trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc là: Xã Sín Thầu và Sen Thượng (huyện Mường Nhé) với Thị trấn Khúc Thủy, huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam. Việc kết nghĩa đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân hai bên biên giới.

Thành công từ hoạt động kết nghĩa của 2 cặp “bản - bản” và “xã - thị trấn” tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi để BÐBP tỉnh tham mưu cho tỉnh chỉ đạo nhân rộng mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Sau khi có thông báo đồng ý chủ trương của Tỉnh ủy, ngày 21/5/2014, Bộ chỉ huy BÐBP tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 849/HD-BCH về việc “Tổ chức phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, đồng thời phối hợp chặt chẽ Huyện ủy, UBND các huyện biên giới lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong đó tập trung rà soát, khảo sát các bản giáp biên nhằm đánh giá về lịch sử, truyền thống, phong tục tập quán, những thuận lợi, khó khăn để xác định quy mô, phạm vi, nội dung, chỉ tiêu trong phạm vi kết nghĩa. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã có 8 bản và 2 xã biên giới kết nghĩa với các cụm dân cư bên kia biên giới theo hình thức ‘bản - bản” và “xã - thị trấn”. Trong đó huyện Ðiện Biên có 5 cặp bản, huyện Mường Chà có 1 cặp bản, huyện Nậm Pồ 2 cặp bản, huyện Mường Nhé có cặp xã - thị trấn. Gần đây nhất, ngày 14/11/2017, BÐBP phối hợp chính quyền địa phương đã tổ chức thành công lễ kết nghĩa giữa bản Nậm Ty 1, 2 (xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên) với bản Huổi Ẳn - Thanh Luông (cụm Phôn Xay, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly).

Thượng úy Nguyễn Ðình Hiếu, Trợ lý Ban vận động quần chúng, Bộ chỉ huy BÐBP tỉnh cho biết: Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, nòng cốt là BÐBP đã tổ chức tuyên truyền cho hàng nghìn lượt người dân hai bên biên giới; riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã tuyên truyền cho trên 12.700 lượt người về đường lối, chính sách pháp luật của 2 nước, các hiệp định, hiệp nghị, quy chế khu vực biên giới. Từ khi kết nghĩa đến nay, nhân dân khu vực biên giới nước bạn Lào đã cung cấp cho BÐBP tỉnh hàng trăm nguồn tin có giá trị, góp phần giúp BÐBP tỉnh, Bộ Chỉ huy an ninh tỉnh Phoong Sa Ly và Luông Pra Băng triệt phá 2 vụ, 7 đối tượng , thu 101 bánh hêrôin, 1,5kg bột hêrôin và nhiều tang vật khác. Nhân dân các cặp bản kết nghĩa thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giao lưu văn hóa, mua bán, trao đổi hàng hóa, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tích cực tham gia với lực lượng bảo vệ biên giới của mỗi bên tuần tra đường biên, cột mốc. BÐBP tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ, giúp đỡ nhân dân hai bên biên giới, như: khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, làm đường giao thông liên thôn, bản... Quân y biên phòng tỉnh đã phối hợp khám bệnh cho hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ  Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy An ninh tỉnh Phoong Sa Ly và nhân dân các tỉnh Bắc Lào; cấp thuốc miễn phí trị giá hơn 600 triệu đồng; hỗ trợ tiền, vật chất trị giá gần 400 triệu đồng. Ðặc biệt, tháng 6/2015, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã mở phòng khám tại huyện Phôn Thoong để khám bệnh, cấp phát thuốc cho nhân Lào trên địa bàn.

 
Sau gần 6 năm thực hiện, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” đã tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân hai bên biên giới về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phát huy được sức mạnh quần chúng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Qua đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết gắn bó lâu đời của nhân dân hai bên biên giới, đồng thời giúp cho lực lượng chức năng hai nước kịp thời giải quyết những vụ việc xảy ra.
Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top