Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong thời kỳ mới

09:08 - Thứ Hai, 10/09/2018 Lượt xem: 9414 In bài viết

Lâm Văn Năm

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

ĐBP - Những năm qua, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Ðiện Biên có nhiều đổi mới, sáng tạo với những bước phát triển không ngừng, có tính toàn diện hơn và trở thành phong trào hành động cách mạng của nông dân trong thời kỳ đổi mới. Hoạt động của các cấp hội nông dân đã có những đóng góp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 130 cơ sở Hội, 1.813 chi hội; so với nhiệm kỳ trước, số lượng hội viên phát triển nhanh, kết nạp mới được 8.734 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 79.075 hội viên, chiếm 80,39% hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Thông qua đánh giá, phân loại hàng năm có 83,7% cơ sở hội đạt  khá và vững mạnh, không có cơ sở hội yếu kém. Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ hội nông dân các cấp được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Các cấp hội luôn bám sát tình hình thực tế, hướng về cơ sở, tập trung vào những nhiệm vụ trọng yếu mà tỉnh đang triển khai thực hiện; làm tốt công tác xây dựng tổ chức hội, công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua; đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân, động viên, cổ vũ đông đảo nông dân phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất.

Nhiều phong trào thi đua yêu nước được tổ chức hội nông dân phát động và duy trì với nội dung, hình thức phong phú, tiêu biểu như: “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Ðồng thời, mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, tiêu biểu như: hoạt động dịch vụ tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức phát triển kinh tế tập thể. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, tổ chức phối hợp tốt với các cấp, các ngành trong các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư từng bước hình thành một số mô hình liên kết theo chuỗi “Sản xuất - Chế biến - Tiêu thụ sản phẩm” giữa doanh nghiệp và người dân, nhiều hộ gia đình đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, góp phần đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển.

Những kết quả đạt được của tổ chức hội nông dân nhiệm kỳ qua rất quan trọng, giúp người nông dân vững tin hơn vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự điều hành của chính quyền các cấp. Bước vào nhiệm kỳ mới, trong bối cảnh với nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen, tổ chức và hoạt động của hội nông dân các cấp cần tiếp tục đổi mới để thu hút, tập hợp đông đảo hội viên nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong lao động, sản xuất. Các cấp hội trong tỉnh cần phân tích, đánh giá thẳng thắn những hạn chế, yếu kém trong hoạt động công tác hội nhiệm kỳ qua, từ đó, đề ra giải pháp cụ thể để khắc phục làm cho tổ chức hội đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nhiệm kỳ tới, tổ chức hội nông dân các cấp trong tỉnh cần quan tâm, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, các cấp hội tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng; học tập và quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các nghị quyết, chỉ đạo của tổ chức hội cấp trên, trọng tâm là những nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ðẩy mạnh việc tuyên truyền, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thu hút, tập hợp hội viên nông dân, làm cho cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm chủ thể của giai cấp nông dân và các cấp hội nông dân trong thời kỳ mới. Nêu cao truyền thống lao động, cần cù, sáng tạo, không ngừng học tập nâng cao trình độ văn hoá, khoa học, kỹ thuật, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm làm giàu cho gia đình và xã hội.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân vào tổ chức hội; chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Chủ động xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến; phát huy sức mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Ba là, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hội các cấp; chú trọng công tác quy hoạch cán bộ, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hội nông dân các cấp, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số ở cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hướng trọng tâm về cơ sở, góp phần xây dựng tổ chức hội và phong trào nông dân vững mạnh.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau vượt khó, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật và dạy nghề, xuất khẩu lao động cho nông dân; hướng dẫn, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, gắn với thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phối hợp hướng dẫn, tín chấp để hội viên nông dân vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Ðẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân về vốn, giống, máy nông nghiệp, vật tư và tiêu thụ sản phẩm.

Năm là, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương để thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn. Các cấp hội cần phát huy vai trò phối hợp giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành trong giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sáu là, các cấp hội tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực trong công tác chăm lo đời sống, vật chất và tinh thần cho nông dân; tăng cường nắm tình hình, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nông dân.

Bình luận
Back To Top