Công tác xây dựng pháp luật được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt

10:42 - Thứ Năm, 13/09/2018 Lượt xem: 9493 In bài viết
Thời gian qua, với sự quan tâm và quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành một trong những công tác trọng tâm, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ngày 2/1/2014 của ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết; xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, phân công của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã quan tâm, tập trung các nguồn lực để triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Tính từ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV đến nay, Quốc hội đã thông qua 13 văn bản (13 luật) do Chính phủ trình và không có trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/2014/NQ-UBTVQH14 về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Như vậy, còn 23 dự án luật nằm trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/2014/NQ- UBTVQH14 chưa được ban hành.

Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tích cực soạn thảo, hoàn thiện các dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Đối với các dự án luật, pháp lệnh còn lại, tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh và lập đề nghị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, báo cáo UBTVQH, Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các dự án chưa xác định rõ phạm vi, tiếp tục nghiên cứu và báo cáo cụ thể với UBTVQH, Quốc hội về việc cập nhật, điều chỉnh Danh mục sau 05 năm thực hiện.

Bên cạnh đó, về xây dựng, ban hành văn bản quy định chỉ tiết, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 4 và 5 của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, xác định nội dung giao quy định chi tiết, lập danh mục trình Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và thời hạn trình văn bản; thông báo đến Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh các nội dung mà luật, nghị quyết có giao chính quyền địa phương để kịp thời xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết một cách hiệu quả.

Đại diện cơ quan thẩm tra, phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) đánh giá cao việc Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện báo cáo đúng yêu cầu. Nội dung của Báo cáo cơ bản đã phản ánh tình hình triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; kết quả công tác ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, nghị quyết từ thời điểm 1/8/2017 đến 15/8/2018; đánh giá những mặt làm được, chỉ ra những hạn chế, bất cập và nguyên nhân; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp và đưa ra nhiều kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng của công tác này trong thời gian tới.

 

Toàn cảnh phiên họp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, thời gian qua, với sự quan tâm và quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành một trong những công tác trọng tâm, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận về công tác xây dựng pháp luật, ban hành nhiều nghị quyết có nội dung về xây dựng pháp luật. Chính phủ đã kịp thời ban hành chương trình hành động triển khai các nghị quyết của Trung ương; Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành danh mục và phân công các cơ quan chủ trì chuẩn bị văn bản quy định chi tiết ngay sau khi luật được Quốc hội thông qua, cũng như ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị trong Báo cáo cần phân tích đậm nét hơn các nỗ lực nêu trên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để rút ra những kinh nghiệm tốt cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung báo cáo cụ thể hơn về công tác chỉ đạo, điều hành của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết; khắc phục việc ở một số Bộ, ngành còn tình trạng chưa thực hiện đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để Thủ tướng Chính phủ phải có văn bản chấn chỉnh như vừa qua.

Về việc ban hành văn bản quy định chi tiết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, có hiệu quả công tác này. Sau khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết và chỉ đạo, phân công cơ quan chủ trì chuẩn bị. Kết quả, số lượng văn bản quy định chi tiết ban hành chậm, còn nợ đã giảm dần (so với năm 2017, số lượng văn bản quy định chi tiết năm 2018 tuy nhiều hơn 56 văn bản nhưng tỷ lệ văn bản đã được ban hành tăng 3,56%, cụ thể năm 2018 đạt 92,1%, năm 2017 đạt 88,54%).

Tuy nhiên, số văn bản quy định chi tiết nợ chưa ban hành vẫn còn 12/152 văn bản, chiếm 7,9%; trong đó, có 3/12 văn bản quy định chi tiết của 2 luật, pháp lệnh có hiệu lực từ năm 2017 trở về trước; 9/12 văn bản quy định chi tiết của 9 luật có hiệu lực trong năm 2018.

Về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực UBPL cho rằng, thời gian qua, công tác này đã được quan tâm, tăng cường và đạt được kết quả tích cực.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, Báo cáo tuy đã thống kê được số lượng những công việc đã làm và văn bản đã ban hành nhưng chưa đánh giá sâu về hiệu lực, hiệu quả thực tế của những văn bản này; chưa đánh giá việc chậm ban hành văn bản ảnh hưởng như thế nào đến môi trường sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, xã hội cũng như quản lý nhà nước. Do đó, đề nghị cần bổ sung hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội; đặc biệt, cần làm rõ hơn kết quả thực hiện năm 2018 so với năm 2017.

Bên cạnh đó, đánh giá về công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, pháp luật, Thường trực UBPL khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú cả về nội dung và hình thức thể hiện; đồng thời cũng đã thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, luật cả trong chủ trương, chính sách lẫn tổ chức thực hiện. Các hoạt động này cơ bản đáp ứng yêu cầu của các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH. Vì vậy, đã góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống, thực hiện quản lý nhà nước bằng Hiến pháp và pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền được thông tin và tiếp cận thông tin của công dân.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top