Vấn đề bạn đọc quan tâm

Tinh giản biên chế cần thực chất

08:39 - Thứ Sáu, 14/09/2018 Lượt xem: 9513 In bài viết

ĐBP - Gần đây, trên các phương tiện truyền thông, chúng ta nghe nhiều đến vấn đề “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...” theo Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Tiếp sau Nghị quyết 39-NQ/TW, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII cũng đã ban hành Nghị quyết 18 và 19, quy định, hướng dẫn các giải pháp về tinh giản biên chế công chức, viên chức; cơ cấu lại bộ máy cán bộ của Ðảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội khác. Thực hiện chủ trương này, tỉnh ta đã có các giải pháp, lộ trình để tinh giản biên chế cụ thể, rõ ràng. Từ cấp tỉnh xuống huyện và cấp xã đã xây dựng đề án vị trí việc làm, tính toán cụ thể số lượng cán bộ, công chức, viên chức cần tinh giản mỗi năm và cả giai đoạn. Mục tiêu đến năm 2021 sẽ tinh giản ít nhất 10% tổng biên chế đã giao năm 2015. 

Kết quả cho thấy, sau 4 năm (từ 2015 - 2018), toàn tỉnh đã tinh giản được 790 người; trong đó công chức hành chính cấp tỉnh, huyện 59 người; viên chức sự nghiệp Nhà nước 622 người; cán bộ công chức cấp xã 87 người; công chức, viên chức cơ quan Ðảng, đoàn thể 21 người; cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước 1 người. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng thực hiện cắt giảm số lượng biên chế theo lộ trình hàng năm. Cụ thể: đối với biên chế công chức, từ năm 2016 - 2018, các cơ quan chính quyền cấp tỉnh, huyện cắt giảm 110 biên chế (giảm 4,73% so với biên chế giao năm 2015). Dự kiến các năm tiếp theo đều cắt giảm biên chế để đến năm 2021 giảm ít nhất 10% biên chế công chức đã giao năm 2015. Ðối với biên chế viên chức, trong 2 năm 2017 và 2018, các đơn vị sự nghiệp công lập khối chính quyền cấp tỉnh, huyện cắt giảm 674 biên chế viên chức (giảm 2,95% so với biên chế giao năm 2015).

Việc tinh giản biên chế công chức, viên chức và cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong những năm đầu thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị của tỉnh về số lượng như vậy là rất khả quan.Vì dù sao thì đây là việc làm khó, nhạy cảm, đụng chạm đến “miếng cơm manh áo”, đến “ghế” của không ít cán bộ công chức, viên chức. Trong bối cảnh vừa làm vừa rút kinh nghiệm; để tuyên truyền, vận động được một cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc không phải dễ. Mặc dù các nghị định, quy định về tinh giản biên chế đã có cách đây nhiều năm. Trước khi Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị có hiệu lực, chúng ta có Nghị quyết 30c của Chính phủ; Nghị định 108/2014 của Chính phủ về tinh giản biên chế... nhưng thực tế, số biên chế nghỉ việc thời gian qua chủ yếu là tự nguyện, nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc. Trong khi mục tiêu tinh giản biên chế của Ðảng, Nhà nước theo Nghị quyết 39-NQ/TW và Nghị quyết 18, 19, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII là đưa ra khỏi bộ máy những người dôi dư, yếu về năng lực, phẩm chất chính trị thì chưa thực hiện được bao nhiêu.

Nguyên nhân chính dẫn tới những tồn tại nói trên là do tính nể nang, chưa nghiêm túc trong công tác đánh giá, nhận xét cán bộ dịp cuối năm. Không ít cán bộ, công chức thuộc dạng “sáng xách ô đi, tối xách về”, có cũng được mà không có cũng xong, nhưng khi đánh giá, nhận xét cán bộ hàng năm đều hoàn thành nhiệm vụ. Cũng có trường hợp cán bộ, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ nhiều tháng trong năm, nhưng do sợ mất các danh hiệu thi đua của cơ quan, đơn vị nên ban lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan cố tình làm ngơ, tặc lưỡi cho qua và nhận xét là hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy thì không có cơ sở để đưa ra khỏi bộ máy của Ðảng, Nhà nước đối với những cán bộ này với lý do yếu năng lực được.

Trong 790 biên chế tinh giản thời gian qua, số cán bộ, công chức ngành Giáo dục và Ðào tạo chiếm tỷ lệ rất lớn. Ðiều này cũng dễ hiểu, vì hiện tại số cán bộ công chức, viên chức ngành Giáo dục và Ðào tạo chiếm gần 50% biên chế toàn tỉnh. Thực hiện chủ trương chung, từ nay đến năm 2021, ngành Giáo dục cũng phải tinh giản tối thiểu 10% tổng biên chế, trong khi hiện tại ngành Giáo dục còn thiếu trên 1.000 biên chế viên chức. Bên cạnh tinh giản biên chế thì ngành vẫn tiếp tục đề nghị được tuyển dụng viên chức. Vậy làm thế nào để hài hòa giữa tinh giản và tuyển dụng là bài toán khó, đòi hỏi những nhà quản lý của ngành phải thực sự công tâm, khách quan. Thống kê cho thấy, ngành đang thừa cán bộ quản lý và nhân viên trong khi thiếu rất nhiều giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Do vậy, việc tinh giản biên chế cần đi vào thực chất. Phải tinh giản những bộ phận thừa và tiếp tục tuyển dụng viên chức cho chỗ thiếu, tránh tinh giản cơ học. Trong bối cảnh này, ngành Giáo dục và Ðào tạo cần đánh giá thực chất năng lực cán bộ, viên chức để đưa ra khỏi ngành những cán bộ “có cũng được mà không có cũng xong”. Cùng với tinh giản biên chế là sắp xếp, sáp nhập quy mô các trường học, lớp học không đủ điều kiện theo quy định của Trung ương và của tỉnh.

Với các cơ quan của Ðảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh xuống huyện, xã cũng phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Không vì cá nhân, tư lợi mà giữ lại những cán bộ công chức là “cánh hẩu” và tìm cách loại bỏ những cán bộ, viên chức giỏi năng lực chuyên môn, nhưng không là “con ông cháu cha”.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top