Cần thiết xây dựng dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

14:27 - Thứ Ba, 18/09/2018 Lượt xem: 9350 In bài viết
Sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế.

Tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào chiều 17/9.

Dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được xây dựng với bố cục gồm 7 Chương, 38 Điều, quy định về biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế.

Trên thực tế, tình hình sử dụng rượu, bia đang ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm. Do đó, rất cần thiết ra đời một đạo luật để thể chế các chính sách nhằm giảm hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, hoàn thiện thể chế về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia hiện nay. Tăng tính khả thi, đồng bộ của các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nhất là quản lý sản xuất rượu thủ công, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo hài hòa với các lợi ích sức khỏe cộng đồng.

Thẩm tra Tờ trình, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật theo Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối và các nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra cũng cho biết có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan rà soát lại hệ thống pháp luật trong lĩnh vực y tế, thống nhất định hướng quan điểm tổng thể về xây dựng hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Ủy ban tán thành tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” vì tên gọi này mang tính khái quát, dễ hiểu, dễ nhớ với đại đa số người dân và phù hợp với Nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội thông qua. Đồng thời đến nay, Tổ chức Y tế thế giới và hầu hết các nghiên cứu đã khẳng định, không có ngưỡng an toàn nào cho việc sử dụng rượu, bia.

Về quản lý rượu thủ công, Thường trực Ủy ban nhất trí cần phải quản lý chặt chẽ rượu thủ công thông qua việc quy định biện pháp tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn đối với sản xuất, mua bán rượu thủ công; hạn chế tối đa tác hại đối với sức khỏe của rượu thủ công chưa rõ nguồn gốc xuất xứ; qua đó Nhà nước thu được thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Đồng thời, cần nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi ngành, nghề cho người từ bỏ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát tổng thể các quy định tại dự thảo Luật để tránh các quy định trùng lắp, thu hút tập trung các quy phạm cùng nội dung, làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm, thể hiện rõ chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này và bảo đảm ngôn ngữ, kỹ thuật trình bày trong dự thảo Luật.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, UBTVQH tán thành sự cần thiết xây dựng dự thảo luật; cho đây là dự án Luật quan trọng, tác động lớn đến nhiều vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, do đó cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng về các chính sách trong dự án Luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện dự án Luật; bảo đảm tính thống nhất, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của dự án Luật khi trình Quốc hội./.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top