Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

14:31 - Thứ Ba, 18/09/2018 Lượt xem: 10365 In bài viết

ĐBP - Ngày 18/9, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thực hiện nhiệm vụ 8 tháng qua.

 

Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn kết luận buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính, trọng tâm của ngành như: Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên”; Đề án “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” gắn với xây dựng NTM; rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Tình hình sản xuất cây hàng năm của tỉnh cơ bản đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra về diện tích và năng suất, sản lượng. Phát triển cây công nghiệp vẫn duy trì, phát triển ổn định. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản phát triển ổn định. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thủy lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực.

Đối với cây mắc ca, hiện nay toàn tỉnh có 2.170ha; trong đó trồng tập trung 1.630ha và trồng xen các loại cây khác 540ha; chủ yếu tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ. Dự kiến toàn tỉnh sẽ đầu tư phát triển 35.000ha. Hiện nay các nhà đầu tư đã có dự án đầu tư phát triển cây mắc ca với tổng diện tích 20.000ha, tuy nhiên còn vướng mắc về cơ chế, hợp đồng thuê đất.

 

Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn tham quan mô hình vườn cây mắc ca của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển mắc ca và giống cây lâm nghiệp Điện Biên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định số 75/2015/NĐ-CP quy định hộ nghèo mới được hỗ trợ gạo nhưng không quy định chuyển tiếp đối với các hộ đang hưởng hỗ trợ gạo theo Thông tư liên tịch số 52/2008/TTLT-BTC-BNN ngày 14/4/2008; cho phép các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng áp dụng chính sách theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP đối với việc giao khoán trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung trên diện tích đất giao khoán; có cơ chế đặc thù về đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất đối với các xã đặc biệt khó khăn dưới 5 tiêu chí NTM; bổ sung kinh phí cho các điểm bố trí, sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án 79 cần điều chỉnh, bổ sung đến năm 2020; có đặc thù riêng, tiêu chí riêng đối với các tỉnh miền núi để thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nghiên cứu tham mưu Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích phát triển cây ăn quả đối với các tỉnh miền núi theo hướng chuỗi liên kết vùng; cơ chế chính sách đối với việc tích tụ đất đai xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ kinh phí để giao đất lâm nghiệp chưa có rừng và kinh phí cắm mốc 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên; hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để lập dự án chống hoang mạc hóa tại một số huyện, như: Nậm Pồ, Điện Biên, Tủa Chùa và ưu tiên nguồn thực hiện các dự án thủy lợi. Sở cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện: Mường Ảng và Mường Nhé tính toán lại hiệu quả của việc trồng, phát triển và tiêu thụ cây keo.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại những khó khăn, thuận lợi đối với sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; từ đó có kế hoạch sản xuất, thu hút đầu tư đối với từng lĩnh vực cụ thể. Đối với cây mắc ca, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan đàm phán với các nhà đầu tư về mức độ phân chia giá trị sản phẩm hợp lý nhất giữa doanh nghiệp và người dân để phát triển vùng nguyên liệu mắc ca. Về hiệu quả các công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải nghiên cứu tham mưu, đề xuất cho tỉnh các mô hình quản lý công trình thủy lợi sau đầu tư; tiếp tục tham mưu cho tỉnh giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các điểm bố trí dân cư theo Đề án 79 tại huyện Mường Nhé.

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top