Ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử

09:10 - Thứ Năm, 20/09/2018 Lượt xem: 9401 In bài viết
ĐBP - Chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập (2/9/1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam Bộ lại phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu...

Ngày 23/9/1945, được quân Anh giúp đỡ và sự yểm trợ của quân Nhật, hơn 6.000 quân Pháp đã trắng trợn đánh úp trụ sở UBND Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mưu toan chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, làm bàn đạp chiếm lại cả Ðông Dương.

 

Chợ Bến Thành, Sài Gòn, ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23/9/1945). Ảnh tư liệu

Trong tình hình khẩn trương, ngay sáng 23/9/1945, Xứ ủy và UBND Nam Bộ đã triệu tập cuộc họp tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”; trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. Hội nghị quyết định: triệt để tổng đình công, không hợp tác với giặc Pháp, đánh du kích, phá hoại đường giao thông tiếp tế, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt địch.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tiêu biểu cho tinh thần “độc lập hay là chết” là tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ. Sáng 23/9/1945, khi một đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của ta kiên quyết ngăn cản dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc đã cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang ta dũng cảm tổ chức nhiều trận đánh ác liệt.

Ngày 26/9/1945, qua Ðài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Ðảng, Chính phủ và nhân dân cả nước: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ… Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hi sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

Ðáp lại lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và Trung ương Ðảng, để xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam Bộ vùng dậy dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại, làm thất bại âm mưu của địch, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã gây chấn động cả nước. Ngay lập tức, nhiều tỉnh ở Nam Bộ đã nhanh chóng gửi lực lượng đoàn viên, thanh niên, tự vệ xung kích… về góp sức với nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn chống thực dân Pháp xâm lược. Có thể thấy rằng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam Bộ có ý nghĩa rất to lớn, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Ðồng thời, tỏ rõ tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của dân tộc ta.

Giờ đây, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, khẳng định đường lối đổi mới mà Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn. Ðó là kết quả của quá trình tìm tòi, sáng tạo và thể nghiệm thông qua sự trăn trở, đấu tranh gian khổ giữa cái cũ và cái mới. Ðất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thử thách to lớn, ngày càng lớn mạnh và đang vững bước đi lên. Chúng ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường, độc lập, tự chủ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Hơn hai phần ba thế kỷ đi qua, tinh thần bất khuất, mốc son sáng ngời về ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945) vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử. Ðó sẽ là động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là “Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội...

Hồng Kỳ (Tổng hợp Internet)
Bình luận
Back To Top