'Lấp đầy' các khoảng trống pháp lý về quy hoạch

10:27 - Thứ Năm, 20/09/2018 Lượt xem: 7744 In bài viết
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch.

Tại phiên họp thứ 27 diễn ra vào chiều 19/9, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch bao gồm 32 điều, trong đó có 31 điều quy định việc sửa đổi các luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.

Lý giải về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (Luật Quy hoạch) điều chỉnh việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các bộ luật, luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, số 28/2018/QH14 (Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật).

Thực hiện Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 8/6/2018 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ nghiên cứu xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật còn lại có liên quan đến quy hoạch đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch.

Việc ban hành dự án Luật này để đồng bộ với Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch và góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh.

Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến cấp, loại quy hoạch, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch, nội dung quy hoạch và các nội dung kỹ thuật đơn giản khác.

Dự thảo Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nội dung cơ bản của Dự thảo Luật là: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó có 4 luật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Giao thông đường bộ; Luật Đường sắt; Luật Giao thông đường thủy nội địa và Bộ luật Hàng hải. Các luật này quy định về quy hoạch ngành quốc gia; quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Có 7 luật thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Đất đai; Luật Tài nguyên nước; Luật Khoáng sản; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Khí tượng thủy văn, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đa dạng sinh học. Các luật này có các quy định liên quan đến quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp: Có 3 luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Đê điều và Luật Thủy lợi. Các luật này có nội dung quy định về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ: Có 4 luật thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Đo lường; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Năng lượng nguyên tử và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các luật này có nội dung quy định liên quan đến quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông: Có 3 luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Báo chí; Luật Xuất bản và Luật An toàn thông tin mạng. Các luật này có nội dung quy định liên quan đến các loại quy hoạch sẽ được tích hợp vào quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực xây dựng: Có 2 luật thuộc lĩnh vực xây dựng liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Các luật này quy định về các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: Có 2 luật thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Điện ảnh; Luật Quảng cáo. Các luật này quy định về các loại quy hoạch sẽ được tích hợp vào các quy hoạch khác và quy hoạch không được lập theo quy định của Luật Quy hoạch.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực quốc phòng: Có 1 luật thuộc lĩnh vực quốc phòng liên quan đến quy hoạch được sửa đổi là Luật Giáo dục quốc phòng an ninh. Theo đó, để đảm bảo đồng bộ thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch và nguyên tắc sửa đổi luật đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật, các luật này được sửa đổi theo hướng sửa đổi quy định liên quan đến quy hoạch không được lập là quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực y tế, công thương, lao động, thương binh và xã hội, tài chính và tư pháp có: 2 luật thuộc lĩnh vực y tế (Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm); 2 luật thuộc lĩnh vực công thương (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Dầu khí); 2 luật thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội (Bộ luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội); 4 luật thuộc lĩnh vực tài chính (Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Hải quan và Luật Chứng khoán); 1 luật thuộc lĩnh vực tư pháp (Luật Giám định tư pháp).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc sửa đổi các luật này để bảo đảm đồng bộ với Luật quy hoạch, do đó không đề xuất chính sách mới so với các chính sách đã được đánh giá và thông qua tại Luật Quy hoạch. Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã có đánh giá tác động của chính sách liên quan đến quy hoạch trong Báo cáo rà soát pháp luật về quy hoạch, Báo cáo đánh giá tác động của Luật Quy hoạch đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 tháng 10/2016.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, bảo đảm các quy định về quy hoạch có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019.

Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại các luật có liên quan đến quy hoạch cần thực hiện theo các nguyên tắc: Lấy quy định của Luật Quy hoạch làm gốc, các luật khác có liên quan phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với Luật Quy hoạch.

Các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia phải bảo đảm thực hiện theo Luật Quy hoạch; các luật chuyên ngành không quy định lại, quy định trái nội dung đã được quy định tại Luật Quy hoạch; bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.

Đối với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh cần quy định cụ thể về phạm vi, nội dung; thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, trong đó cần bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch, Hội đồng thẩm định quy hoạch và cơ quan phê duyệt quy hoạch.

Không xem xét bổ sung các quy hoạch chưa được liệt kê tại Phụ lục I hay cụ thể hóa Danh mục các quy hoạch có tính chuyên ngành, kỹ thuật khác theo quy định tại khoản 4 Điều 59 và điểm 39 Phụ lục II của Luật Quy hoạch.

“Các nguyên tắc nêu trên cũng đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật liên quan đến quy hoạch đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2018)”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, hồ sơ dự án Luật đã tuân thủ theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ bản đáp ứng điều kiện trình Quốc hội. Theo quy định tại khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch, việc Chính phủ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, trình Quốc hội nội dung sửa đổi, bổ sung để xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp.

Tuy nhiên, với việc dùng một luật sửa đổi, bổ sung 37 luật hiện hành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau là khó khăn, thách thức rất lớn, đặc biệt trong việc rà soát, đối chiếu để vừa phải bảo đảm tính thống nhất trong mỗi đạo luật, tính thống nhất giữa các văn bản trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực tiễn.

Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Ngoài 14 luật thuộc Phụ lục III của Luật Quy hoạch, Tờ trình của Chính phủ cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung 23 luật khác có liên quan nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch. Việc mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung các luật như trên là phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm không để sót các quy định liên quan cần sửa đổi, bổ sung cũng như không mở rộng ra ngoài phạm vi quy định, tuân thủ quan điểm xây dựng Luật đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và các nguyên tắc nêu trên.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đã đóng góp các ý kiến đa chiều về các nội dung sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch được đề cập trong dự án luật. Đồng thời, đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo về tiến độ rà soát, hiện trạng số lượng quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành do các bộ, ngành đề xuất; những nội dung còn có ý kiến khác nhau về tiêu chí lựa chọn quy hoạch;...

Ngoài ra, các thành viên UBTVQH cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát bảo đảm tính hệ thống của các quy định về quy hoạch cũng như sự thống nhất nội tại của các luật được sửa đổi, bổ sung; đồng thời rà soát, bảo đảm tính khả thi của các quy định được sửa đổi, bổ sung./.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top