Bế mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

10:47 - Thứ Sáu, 21/09/2018 Lượt xem: 9214 In bài viết
Chiều 20-9, tại Nhà Quốc hội (QH), sau chín ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã hoàn thành Chương trình phiên họp thứ 27, để cho ý kiến về chín dự án luật, nhiều nội dung quan trọng và thông qua một số nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Chủ tọa phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Sau phiên họp, đề nghị Chính phủ, Thường trực các ủy ban của QH, Tổng Thư ký QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo, dự án luật để tiến hành các bước tiếp theo hoặc gửi đến đại biểu QH trước kỳ họp đúng thời hạn quy định; đồng thời, hoàn thiện dự thảo các nghị quyết để trình ký ban hành. Nhận xét công tác tổ chức phiên họp, Chủ tịch QH cho biết, dự kiến nội dung phiên họp này đã được thông báo từ rất sớm (từ ngày 25-7) để các cơ quan có liên quan chủ động trong công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung không đủ điều kiện nên phải rút khỏi chương trình; trên cơ sở xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về tính cấp thiết và thực tế chuẩn bị, Ủy ban TVQH đã bổ sung thêm hai nội dung vào chương trình phiên họp. Đây cũng là vấn đề các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục lưu ý, rút kinh nghiệm để thực hiện nghiêm túc quy định trong việc chuẩn bị và tiến hành các phiên họp sau.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch QH cho biết: Phiên họp thứ 28 dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến 17-10, là phiên họp cuối để chốt các nội dung trình QH tại kỳ họp thứ 6. Dự kiến chương trình phiên họp đã được thông báo để các cơ quan hữu quan chuẩn bị, triển khai theo kế hoạch đề ra. Đề nghị các cơ quan gửi hồ sơ tài liệu đúng thời hạn nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung.

Buổi sáng, Ủy ban TVQH đã nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Chính phủ trình bày Tờ trình về việc sửa đổi Luật Đầu tư công. Được ban hành năm 2015, Luật Đầu tư công đã tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, qua ba năm thực hiện, Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế cần được sửa đổi, hoàn thiện, một số quy định chưa thống nhất với các luật liên quan. Đặc biệt, một số vấn đề phát sinh trên thực tiễn vẫn chưa được luật điều chỉnh.

Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải trình bày, cho thấy tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 của QH về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tên dự án luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, tại tờ trình, Chính phủ đề xuất sửa đổi toàn diện, với 69/108 điều được sửa đổi, một số nội dung đổi mới về chính sách. Bày tỏ tán thành việc sửa đổi toàn diện, tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, trong số tổng số các điều luật trong dự thảo luật có gần 30 điều luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn, trong đó nhiều nội dung quan trọng không thuộc thẩm quyền hướng dẫn như: về các trường hợp điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư; thẩm định dự án; thẩm quyền quyết định dự án đặc biệt; thứ tự ưu tiên, lựa chọn danh mục dự án… Điều này không phù hợp thẩm quyền và sẽ làm phát sinh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, không bảo đảm yêu cầu pháp điển hóa. Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị Chính phủ quy định chi tiết tối đa các điều, khoản trong dự thảo luật, bảo đảm tính cụ thể, minh bạch, phù hợp về thẩm quyền. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền hướng dẫn, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định trình kèm theo.

Đồng tình với nội dung báo cáo thẩm tra, nhiều đại biểu nhận xét dự thảo luật chưa đáp ứng yêu cầu về tính bao quát, cụ thể. Nhiều vấn đề cần phải được sửa đổi, bổ sung, nhưng lại chưa đề cập những vấn đề chuyển nguồn vốn đầu tư công; việc giải ngân và thẩm quyền kéo dài thời hạn giải ngân; việc quyết định danh mục đầu tư công, trường hợp điều chỉnh danh mục đầu tư công. Bên cạnh đó, nhóm vấn đề liên quan thẩm quyền, bao gồm thẩm quyền của QH, Ủy ban TVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND, HĐND, các bộ, ngành liên quan; cơ chế thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư; nguyên tắc, trình tự quyết định dự án PPP… chưa được đề cập rõ...

Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thống nhất quan điểm những vướng mắc khó khăn trong thực hiện đầu tư công thì sửa đổi, bổ sung, nhưng cần xác định rõ nguyên nhân từ khuôn khổ pháp lý hay do tổ chức thực hiện chưa tốt. Thực tế vừa qua cho thấy, Luật Đầu tư công có những điểm bất cập, nhưng bất cập trong luật chỉ là một phần, còn phần nhiều hơn là do tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm...

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban TVQH đề nghị chỉ sửa những điều thật sự còn vướng mắc, bất cập, chứ không sửa toàn diện luật. Đồng thời, Ban soạn thảo cần rà soát lại toàn bộ dự án luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, khả thi, phù hợp thực tiễn, không để tình trạng luật vừa ban hành đã phải sửa đổi và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, Uỷ ban TVQH cho ý kiến về Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Các thành viên Ủy ban TVQH thống nhất với sự cần thiết sửa đổi toàn diện luật này để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, tạo hành lang cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch... Theo đó, cần bổ sung thêm những nội dung cụ thể về nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế…

Ủy ban TVQH cũng đã thông qua Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường để nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, góp phần hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường như xăng dầu sinh học và bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và giá dầu có biến động khó lường.

Ủy ban TVQH thống nhất với đề xuất của Chính phủ điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng, trong đó có xăng, dầu. Cụ thể, xăng được đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít. Cùng với đó, các loại sản phẩm xăng dầu khác như dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn cũng được đề nghị tăng lên mức trần là 2.000 đồng, tăng từ 500 - 1.700 đồng/lít tùy loại. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH, việc Chính phủ đề nghị chuyển thời điểm hiệu lực của Nghị quyết từ 1-1-2019 sẽ không tác động làm tăng CPI năm 2018, bảo đảm dư địa cho Chính phủ điều chỉnh lạm phát năm 2019, từ đó hạn chế tối thiểu tác động tới đời sống người dân, hoạt động nền kinh tế. Ngoài ra, Nghị quyết còn điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng có ảnh hưởng đến môi trường như: Than đá, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, túi nilon, các loại thuốc khử trùng thuộc loại hạn chế sử dụng.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top