Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh

Giám sát Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 – 2020

16:39 - Thứ Ba, 25/09/2018 Lượt xem: 12086 In bài viết
ĐBP - Ngày 25/9, Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh do đồng chí Vùi Văn Nguyện, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát tại Sở Công thương về việc thực hiện Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 – 2020.


Đồng chí Vùi Văn Nguyện, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.

Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2014 – 2020 tỉnh Điện Biên thuộc chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020. Dự án cấp điện cho hơn 12.900 hộ tại 276 thôn, bản trên địa bàn 81 xã thuộc 8 huyện: Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ; xây dựng mới hệ thống lưới điện gồm 487km đường dây trung áp 35kV, hệ thống các trạm biến áp 35/0,4kV gồm 206 trạm biến áp/10.796kVA, 605km đường dây hạ áp, 12.953 công tơ. Đến nay, Sở Công thương đã triển khai thực hiện 7 gói thầu xây lắp, trong đó đã hoàn thành 5 gói (16, 17, 18, 19, 20). Sở đã bàn giao toàn bộ các công trình lưới điện trên cho Công ty Điện lực Điện Biên tiếp nhận, tổ chức quản lý vận hành và bán điện cho các hộ dân. Các công trình thuộc dự án đã hoàn thành xây dựng, đang hoàn thiện thủ tục để quyết toán. Còn lại 2 gói thầu số: 21, 22 trên địa bàn huyện Nậm Pồ đang triển khai, thực hiện.

Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực, khắc phục khó khăn của Sở Công thương trong bối cảnh nguồn vốn bố trí hàng năm thấp, chưa đáp ứng nhu cầu, dẫn tới các chi phí tư vấn, quản lý dự án hàng năm được phân bổ cũng rất thấp, khó triển khai thực hiện các nội dung đầu tư. Tổng kế hoạch vốn bố trí cho dự án giai đoạn 2015 – 2020 được phân bổ hơn 316/841 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 37% tổng nhu cầu vốn. Ngoài ra, vùng triển khai dự án là địa bàn đặc biệt khó khăn, hệ thống giao thông chủ yếu là đường nông thôn đang mở tuyến và đường dân sinh nhỏ hẹp, không có cầu khi qua suối, địa hình hiểm trở dẫn đến việc thi công, vận chuyển vật tư, thiết bị công trình gặp khó khăn. Đoàn giám sát đề nghị Sở Công thương thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các gói thầu còn lại; đồng thời đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi chuyển đổi mục đích rừng, đất ruộng, đền bù cho người dân theo đúng quy định hiện hành.

Tin, ảnh: Đức Kiên
Bình luận
Back To Top