Đảng bộ tỉnh Điện Biên 69 năm một chặng đường

08:46 - Thứ Tư, 10/10/2018 Lượt xem: 14056 In bài viết

Trần Văn Sơn

Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh

ĐBP - Vào những năm cuối thập kỷ 40 của thế kỷ XX, do yêu cầu cách mạng, Trung ương Ðảng thấy cần thiết phải có một tổ chức đảng để lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện phong trào cách mạng vùng Ðiện Biên - Lai Châu. Chính vì vậy, ngày 10/10/1949, Ban Cán sự Ðảng Lai Châu (tiền thân của Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu ngày nay) được thành lập theo quyết định của Ban Thường vụ Liên Khu ủy 10, với 3 ủy viên, do đồng chí Nguyễn Bá Lạc (tức Trần Quốc Mạnh) được chỉ định làm Trưởng ban. Ngày 2/12/1949, tại bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Ban Cán sự Ðảng Lai Châu công bố quyết định của Liên Khu ủy 10 về việc thành lập Chi bộ Ðảng Lai Châu gồm 20 đồng chí. Việc ra đời Ban Cán sự Ðảng và Chi bộ Ðảng Lai Châu đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được dẫn dắt bởi một tổ chức đảng chân chính. Ngày 10/10/1949 được lấy làm ngày kỷ niệm cho sự ra đời của Ðảng bộ tỉnh. Trải qua gần 7 thập kỷ, Ðảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, giành nhiều thắng lợi quan trọng trong công cuộc kháng chiến trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

Ðồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra tiến độ thi công Dự án Cải tạo, xử lý triệt để ô nhiễm bãi chôn lấp rác Noong Bua, TP. Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Thu Hằng

Bước vào thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, Ðảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống Ðiện Biên Phủ anh hùng, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu giành được nhiều thành tựu trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, từng bước đưa Ðiện Biên vượt qua đói nghèo. Nhiều năm liền, tỉnh duy trì được đà tăng trưởng kinh tế khá và ổn định; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực: giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp tăng tỷ trọng trong công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Sự nghiệp văn hóa, xã hội có bước phát triển: quy mô, chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, phát huy hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo. Các chương trình, dự án trọng điểm được tập trung triển khai; đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư. Diện mạo khu vực nông thôn, thành thị thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Ðến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; các địa phương tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ổn định; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng; duy trì mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào, mở rộng quan hệ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh Ðông Bắc Thái Lan, các tổ chức quốc tế... Qua đó, đã tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân.

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, Ðảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đạt được kết quả khá quan trọng. Tổ chức cơ sở đảng đã phát triển rộng khắp từ tỉnh tới cơ sở, từ địa bàn vùng thấp tới vùng cao, biên giới. Hai nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh ủy đều có nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, đảng viên, trong đó chú trọng địa bàn khó khăn, các thôn, bản mới chia tách, thành lập, nơi chưa có tổ chức đảng, đảng viên. Bằng cách làm cụ thể, quyết liệt, từ một ban cán sự Ðảng (tháng 10/1949), qua gần 7 thập kỷ đến nay, Ðảng bộ tỉnh có 14 đảng bộ trực thuộc, với 650 tổ chức cơ sở đảng (233 đảng bộ cơ sở, 417 chi bộ cơ sở), có trên 37.535 đảng viên. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp 5.887 đảng viên, “xóa” được 81 thôn, bản chưa có đảng viên, giảm gần 5% số bản chưa có đảng viên so với đầu nhiệm kỳ; “xóa” 149 thôn, bản chưa có chi bộ, giảm 32 trường học chưa có chi bộ; củng cố, kiện toàn, thành lập mới 20 tổ chức cơ sở đảng (9 chi bộ cơ sở, 11 đảng bộ cơ sở ) và 248 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở.

Tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ đảng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các cấp ủy quan tâm công tác phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng viên, chú trọng đối tượng đoàn viên thanh niên, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, lực lượng dự bị động viên, dân quân, cán bộ thôn, bản tích cực, hăng hái, nhiệt tình trong các phong trào thi đua ở cơ sở, có chí hướng phấn đấu trở thành đảng viên. Công tác chính trị, tư tưởng có nhiều đổi mới, thiết thực, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, sự đồng thuận trong xã hội. Nhiều cấp ủy, chi bộ từng bước đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt, đi sâu kiểm điểm đánh giá những nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những vấn đề liên quan đến cán bộ, đảng viên, gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, giúp đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm, tích cực học tập, tự giác, gương mẫu chấp hành chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ của đảng viên, tích cực xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đảng viên từng bước phát huy và khẳng định vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo, đưa nghị quyết Ðảng vào cuộc sống.

Những kết quả đạt được qua gần 70 năm đã khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo của Ðảng bộ tỉnh, là trung tâm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; huy động sức mạnh nhân dân trong tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đảng, chính quyền. Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh, lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong thời gian tới, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém bằng giải pháp cụ thể, mang tính khả thi. Ðặc biệt, phát huy truyền thống 69 năm xây dựng và trưởng thành, các cấp ủy trong Ðảng bộ tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, xứng đáng là ngọn cờ lãnh đạo cách mạng địa phương. Từng cấp ủy, đảng viên trong toàn Ðảng bộ phải thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, làm tốt công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị, khối đoàn kết toàn dân gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng chỉnh đốn Ðảng. Chính quyền các cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành; đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và truyền thống đoàn kết các dân tộc, quyết tâm xây dựng tỉnh Ðiện Biên ổn định về chính trị, vững mạnh về kinh tế và phấn đấu “thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc” như mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, lần thứ XIII đã đề ra.

 
Bình luận
Back To Top