Giới thiệu, trọng dụng người tài gánh vác việc nước

15:42 - Thứ Tư, 10/10/2018 Lượt xem: 9981 In bài viết

Nước ta hiện có trên dưới 90 triệu người Việt Nam. Trong số này không thể nói là không có nhân tài. Vấn đề quan trọng là Đảng phải thật sự chân thành, cầu thị và tạo điều kiện để những người tài năng thật sự tham gia gánh vác việc nước. Làm được như vậy, lo gì đất nước không phát triển.

 

Bệnh viện Nhi đồng TPHCM vừa đi vào hoạt động, thu hút được nhiều y, bác sĩ trẻ tâm huyết với nghề.

Những câu chuyện sử dụng nhân tài

Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII (về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ) quy định lãnh đạo và cấp ủy viên các cấp phải có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử người để thay thế mình.

Lịch sử Việt Nam có rất nhiều câu chuyện đặc biệt về việc tiến cử, sử dụng người tài của cha ông. Để kén chọn nhân tài đảm đương việc nước, các triều đại xưa tổ chức thi tuyển vô cùng ngặt nghèo. Thế nhưng, một mặt vừa thi, mặt khác cũng đề cao chuyện “cử”. Trong lịch sử đã từng có những người không đỗ cao - như Cao Xuân Dục, chỉ đỗ cử nhân - vẫn được tín nhiệm giao giữ thượng thư bộ học, lên tới cực phẩm là phụ chính đại thần…

Sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “kiến thiết cần có nhân tài” và ban hành Thông lệnh “Tìm người tài đức”. Thông lệnh nêu rằng, trong số 20 triệu đồng bào, chắc không thiếu người có tài có đức… Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các địa phương phải báo cáo cho đủ. Sau đó, nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng xung phong ra gánh vác việc nước và xuất hiện một lớp lãnh đạo sau này được gọi là thế hệ vàng. Đó là những tên tuổi kiệt xuất như: Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại… Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Tiến sĩ Nho học triều Thành Thái năm 1904, đã được mời làm Bộ trưởng Nội vụ (Bộ Công an). Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp năm 1946, cụ Huỳnh đã được trao nhiệm vụ Quyền Chủ tịch nước. 

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, nhiều trí thức của chính quyền cũ cũng được trọng dụng. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, nguyên Thống đốc Ngân hàng, nguyên Phó Thủ tướng và Quyền Thủ tướng của chế độ Sài Gòn, được mời cộng tác với chính quyền mới và tư vấn kinh tế cho các vị lãnh đạo của TPHCM khi ấy.

Bà Ngô Bá Thành, một người thuộc thành phần thứ ba trước năm 1975 ở miền Nam, sau đó nhiều năm được bầu là đại biểu Quốc hội và làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Rất nhiều các trí thức từng làm việc dưới chế độ Sài Gòn cũng được trọng dụng trở lại.

Cầu thị, tạo điều kiện nhân tài gánh việc nước

Đảng ta đã có nhiều chính sách cụ thể về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Cách đây hơn 20 năm, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII, ngày 18-6-1997). Sau đó là Nghị quyết số 42-NQ/TW (ngày 30-11-2004) về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Quy định 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Cả nước ta hiện nay có trên dưới 90 triệu người Việt Nam. Trong số này không thể nói là không có nhân tài. Cùng đó, chúng ta còn có gần 500.000 trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài. Đa số họ đều đau đáu và mong muốn góp sức cho quê hương, đất nước. Song, vì nhiều lý do khác nhau, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước công tác còn hạn chế.

Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII có nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ. Đây là những văn bản rất quan trọng để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời gian tới. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận việc thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy nhà nước những năm qua vẫn chưa có nhiều đổi mới. Rất nhiều quy định ngặt nghèo, cứng nhắc, cùng môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ chưa hợp lý đã cản trở việc thu hút người tài vào bộ máy. Một số địa phương có cơ chế, chính sách “rải thảm đỏ thu hút nhân tài”. TPHCM cũng thu hút người lãnh đạo doanh nghiệp không là đảng viên về giữ một chức vụ tương đương giám đốc sở. Thế nhưng, đó vẫn chỉ là những trường hợp cá biệt. Nhìn chung, người giỏi cũng không thể trụ lại lâu bởi môi trường làm việc còn nhiều bất cập và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.

Thời gian qua, dư luận râm ran bàn tán về chuyện “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, tư trí tuệ”. Thông thường, những người tài đức thường có lòng tự trọng cao, có liêm sỉ và tiết tháo, họ không nịnh hót, a dua, không đem ngọc bán rao. Vậy nên, nếu không có những người lãnh đạo thật sự tài đức sẽ không thể phát hiện và sử dụng người tài. Nhiều khi, những người có tài thường có tư duy độc lập, phản biện và không chịu chấp nhận một tư duy cứng nhắc, xơ cứng, bảo thủ, trì trệ nên có thể bị đánh giá là lập dị. Vả lại, với kiểu sử dụng người trong bộ máy theo kiểu “nhất hậu duệ” thì đâu có chỗ cho người tài đức thi thố tài năng. Vì vậy, để thu hút được người tài, cần thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó vẫn rất cần có người tiến cử. Chỉ những người có tấm lòng thật sự vì nước, vì dân mới có thể phát hiện và tiến cử người tài. 

Từ nghị quyết đi vào cuộc sống, nhất là với vấn đề hệ trọng và nhạy cảm nêu trên, chắc hẳn việc thực hiện không thể dễ dàng. Vấn đề quan trọng còn lại là Đảng phải thật sự chân thành, cầu thị, cùng cái tâm, cái tầm của những người thực hiện nhằm tạo điều kiện để những người tài năng thật sự tham gia gánh vác việc nước. Làm được như vậy, lo gì đất nước không phát triển.

VŨ TRUNG KIÊN - Học viện Chính trị khu vực II

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top