Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% ​

16:22 - Thứ Ba, 23/10/2018 Lượt xem: 10434 In bài viết

Một số vấn đề bức xúc trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... giải quyết chưa hiệu quả; Đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn; Thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS nhiều nơi chỉ bằng 40%-50% bình quân thu nhập trong khu vực..

Sáng 23-10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thay mặt Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi (giai đoạn 2016 - 2018).

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Đỗ Văn Chiến. Ảnh: quochoi.vn

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS), với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước; sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã; đồng bào dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung.

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, trong đó có 15 đề án, chính sách dân tộc. Hiện nay có 54 chính sách còn hiệu lực hỗ trợ phát triển vùng DTTS, miền núi và hỗ trợ cho đồng bào DTTS.

Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi, đạt kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đề ra.

Từ năm 2016 đến năm 2018, Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 1,4 triệu hộ DTTS vay 45.194 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng dư nợ), bình quân dư nợ 1 hộ là 30,5 triệu đồng (bình quân toàn quốc là 27 triệu đồng/hộ) để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%. Có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ; 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo; 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo chương trình 135…

Cơ sở hạ tầng vùng DTTS  và miền núi được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Sau nhiều năm đầu tư, đến nay đã có 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế, trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.       

Chính phủ cũng chỉ ra những bất cập như đồng bào các DTTS sinh sống ở địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ở những địa phương nghèo, chủ yếu nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, khó có thể lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện chính sách dân tộc, trong khi đó ngân sách Trung ương lại chưa bố trí được nguồn vốn riêng để thực hiện một số chính sách, do vậy không đạt được mục tiêu các đề án, chính sách đã được phê duyệt.

Một số vấn đề bức xúc trong đồng bào DTTS như di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... giải quyết chưa hiệu quả; Đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn; Thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước.

Một trong nguyên nhân được chỉ ra là phân định vùng DTTS, miền núi theo trình độ phát triển còn bất cập, định mức đầu tư còn thấp (một năm xã 135 được 1 tỷ đồng, thôn đặc biệt khó khăn được 200 triệu đồng). Chưa có dòng ngân sách riêng để thực hiện chính sách dân tộc, do vậy đề án, chính sách nhiều nhưng thiếu nguồn lực thực hiện, chưa đạt được mục tiêu đề ra…

Thẩm tra báo cáo này, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng đây vẫn là vùng có “năm nhất” so với mặt bằng chung của cả nước: có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ nghèo cao nhất.

Ủy ban cũng cho rằng, trong số 15 chính sách trực tiếp, chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực xã hội, giáo dục, văn hóa, thông tin, mà chưa có nhiều chính sách về kinh tế, lao động, việc làm, phát triển hạ tầng, giải quyết đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế bền vững.

Với công tác di dân, tái định cư các công trình thủy điện, thủy lợi, dù Chính phủ đã có nhiều chính sách để ổn định và phát triển đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nhiều nơi (nhất là khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên) cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất , thiếu các điều kiện sinh kế, thu nhập thấp. Mục tiêu cuộc sống nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ theo nghị quyết của Đảng nhiều nơi  chưa đạt được.

Ủy ban cho rằng việc đầu tư cần có trọng tâm hơn. Rà soát lại số liệu thống kê 118 chính sách hỗ trợ, phát triển vùng DTTS và miền núi để bảo đảm tính chính xác. Hàng cần cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ vùng DTTS.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top