Cái khó của đơn vị sự nghiệp công

08:40 - Thứ Năm, 25/10/2018 Lượt xem: 10132 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 19) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng, ban hành các nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đối với các đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn, vẫn còn nhiều cái khó. Ðặc biệt là việc thực hiện lộ trình, kế hoạch tinh giản biên chế và tự chủ tài chính ở một số đơn vị sự nghiệp.

Theo Kế hoạch số 2235/KH-UBND ngày 14/8/2018 của UBND tỉnh về hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 16/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19, tỉnh đã giao nhiệm vụ, lộ trình cụ thể đối với từng ngành, từng lĩnh vực trên địa bàn. Trong đó, mục tiêu gần nhất là đến năm 2021, các đơn vị sự nghiệp công của tỉnh cần giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015. Cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đảm bảo tự chủ tài chính). Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015. Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như: y tế, giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, có thể thấy, mục tiêu bao quát của Kế hoạch 2235 của UBND tỉnh đến năm 2021 là tập trung tinh gọn bộ máy hành chính, nhằm giảm chi phí từ ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công. Tuy nhiên, theo số liệu rà soát, thống kê, xếp hạng về công tác tinh giản biên chế của tỉnh thời gian qua cho thấy, nhóm các đơn vị sự nghiệp công cấp tỉnh, huyện đứng áp chót với 5,5% (chỉ đứng trên nhóm công chức cấp xã đạt 1,92%). Nguyên nhân chính vẫn là tình trạng “chỗ thiếu cứ thiếu, thừa vẫn thừa”, đặc biệt là nhóm đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế. Ðiển hình như ngành Giáo dục, trong năm 2017, báo chí đã nêu lên vấn đề một trường tiểu học tại huyện Ðiện Biên gần 1 học kỳ không có tiết môn tiếng Anh bởi giáo viên môn này nghỉ thai sản. Việc điều chuyển, tăng cường từ các trường khác là không thể do tính đến thời điểm đó, nếu tính trung bình mỗi trường có 1 giáo viên môn tiếng Anh thì huyện Ðiện Biên vẫn thiếu 2 người, trong khi biên chế tổng thể thì vẫn tiếp tục phải giảm. Ngoài ra, đối với địa bàn vùng cao, còn nhiều khó khăn như tỉnh ta, việc điều chuyển từ chỗ thừa (thường là khu vực thành thị, trung tâm) đến chỗ thiếu (vùng sâu, vùng xa) rất khó khăn vì sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống giáo viên khi lâu nay họ đã có nhà cửa, cuộc sống ổn định gần nơi công tác, dẫn đến sự lúng túng trong thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục và Ðào tạo.

Ðó là vấn đề liên quan đến công tác tinh giản biên chế nhằm tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng ngân sách, còn đối với xu hướng tự chủ tài chính - một vấn đề “tất yếu để phát triển”, tạo động lực phát huy sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ… là chủ trương chung của cả nước. Tuy vậy, nếu nhìn nhận một cách bao quát, thẳng thắn, với mặt bằng kinh tế - xã hội, dịch vụ còn nhiều khó khăn, hạn chế của tỉnh ta hiện nay, việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ còn nhiều khó khăn cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Trước hết, do việc phân công cơ quan đầu mối có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NÐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa thống nhất, rõ ràng, dẫn đến hầu hết các đơn vị chủ quản và đơn vị sự nghiệp công lập đều lúng túng khi triển khai thực hiện. Ngoài ra, Nghị định số 16 chưa ban hành quy hoạch các danh mục: dịch vụ công của địa phương, mạng lưới dịch vụ công cũng chưa có; định mức kinh tế - kỹ thuật cũng chưa đầy đủ. Cùng với đó, mức thu nhập bình quân của người dân, khả năng tài chính của doanh nghiệp, ngân sách thu của địa phương… tổng hợp lại là khả năng sử dụng dịch vụ trên địa bàn tỉnh ta hiện nay chưa đủ để “nuôi sống” một bộ máy đơn vị sự nghiệp công chưa tự chủ (thường là các đơn vị y tế, giáo dục, truyền thông, báo chí). Bên cạnh đó, người đứng đầu một số đơn vị sự nghiệp công cũng chưa chủ động trong việc xây dựng, quyết định giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng khai thác dịch vụ, nhằm tăng nguồn thu để tự trang trải kinh phí hoạt động.

Tóm lại, để đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay, cùng với sự nỗ lực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong nhiệm vụ phát triển mặt bằng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập của nhân dân còn đòi hỏi từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cấp, ngành cần có sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức; hành động một cách quyết liệt nhằm tạo ra sự đột phá trong việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top