Lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ

14:34 - Thứ Năm, 25/10/2018 Lượt xem: 9707 In bài viết

Kết quả đánh giá tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu có cơ hội nhìn nhận lại chính mình, xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để có phương hướng phát huy kết quả đạt được khắc phục, sửa chữa những hạn chế, tồn tại. Ngoài ra, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ một cách hiệu quả.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII. Quốc hội đã có Nghị quyết số 85/2014/QH13 về vấn đề này. Tại kỳ họp này sẽ có 48 trong số 50 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn đủ điều kiện để lấy phiếu tín nhiệm, bao gồm: Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các thành viên Chính phủ; chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Hai chức danh sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông do hai người giữ các chức vụ này có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng.

 

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm nhằm tăng cường hiệu quả giám sát của Quốc hội, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. 

Kết quả đánh giá tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu có cơ hội nhìn nhận lại chính mình, xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để có phương hướng phát huy kết quả đạt được khắc phục, sửa chữa những hạn chế, tồn tại. Ngoài ra, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ một cách hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho biết phần lớn các báo cáo mà 48 vị gửi ĐBQH rất cụ thể những việc họ đã làm được và chưa làm được. Tuy nhiên, vẫn còn băn khoăn, có một số người chỉ nêu thành tích hoạt động của mình nhưng không nêu hạn chế và các giải pháp khắc phục. 

“Trong 48 người được lấy phiếu lần này, tôi đã định hình được ai là người phiếu tín nhiệm cao nhất nhưng cũng có những người tôi phải suy nghĩ, xem xét và có thể chấm tín nhiệm thấp”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng, khi chọn mức tín nhiệm với một người phải đối chiếu lại sự hoàn thành trách nhiệm đối với lĩnh vực được giao, phụ trách để xem biện pháp chỉ đạo quản lý có đạt yêu cầu không, đem lại chuyển biến gì, mặt nào cải thiện hơn.

 

Đại biểu Trương Trọng  Nghĩa.

Có việc tồn đọng hàng chục năm, nhưng từ lúc người đó phụ trách thì có gì đổi mới không. Đành rằng là anh kế thừa, nhưng nếu làm mấy năm sau mà không chuyển động gì cũng không đạt yêu cầu.

Ngoài trách nhiệm với ngành, lĩnh vực thì phải có tiêu chí mang yếu tố chính trị gia cần được đánh giá. Đó là mỗi chính sách, hành động, thậm chí lời phát biểu, nhận xét, đánh giá của anh phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân và chủ quyền quốc gia. 

Cũng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, một số sự việc cá biệt cần lưu ý, đánh giá công tâm. Đại biểu có trách nhiệm cao thì phải tự tìm hiểu để đánh giá toàn diện cả một quá trình, thấy những góc độ khác nhau, phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình.

“Đại biểu Quốc hội khi bỏ phiếu tín nhiệm xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân và của xã hội, đừng vì lợi ích nhóm. Vì dụ chính sách nào đó làm ảnh hưởng đến lợi ích của gia đình, cá nhân rồi anh thành kiến với ông đó nên gạch tên là không nên” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang): Việc bỏ phiếu tín nhiệm một số chức danh lãnh đạo trước khi chất vấn thì đại biểu và cử tri chưa có đầy đủ thông tin để đánh giá. Tuy nhiên, do đánh giá cả một quá trình công tác của cán bộ nên ngoài những thông tin, tự nhận xét của các cá nhân gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội, Đoàn An Giang đã cử từng đại biểu phụ trách  nắm bắt thông tin từng cán bộ được bỏ phiếu đánh giá. Những thông tin chưa rõ, chúng tôi trực tiếp liên hệ với bộ, ngành của cán bộ đó đề nghị cung cấp thêm thông tin, sau đó đoàn họp lại để trao đổi các thông tin mình nắm bắt được để có thể đưa ra đánh giá chính xác nhất, khách quan nhất đối với cán bộ đó.

 

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết.

“Ngoài những Bộ có nhiều thông tin “nóng”, được dư luận quan tâm như Y tế, Giáo dục, thì chúng tôi cũng cố gắng nắm bắt nhiều thông tin nhất, khách quan nhất đối với các bộ, ngành khác để khi bỏ lá phiếu chính xác nhất” – đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết chia sẻ. 

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top