Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Sín Chải - Gửi tình yêu vào Ðảng - Bài 2: “Cán bộ phải là con của nhân dân”

09:15 - Thứ Hai, 29/10/2018 Lượt xem: 12125 In bài viết

ĐBP - Câu nói nôm na thế, ở nhiều nơi người ta “cười vào mặt cho” chứ chả chơi, nhưng với ông Thào A Sở, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Sín Chải thì chả có gì đáng cười cả. Ở vào thời ông, nhiều nơi, lãnh đạo xã là “vua” một vùng. Quyền sát phạt cứ như thiên lôi vậy. Phương châm của ông, hiểu theo cách nào đó thì chính là quy chế “Dân chủ ở cơ sở” của cố Tổng Bí thư Ðỗ Mười. Dân chủ, theo ông Sở, cán bộ phải gần dân. Lấy dân làm mục tiêu phục vụ thì phải là con (em) của nhân dân…

Sín Chải – Gửi tình yêu vào Đảng (Bài 1: Người lấy lại niềm tin theo Ðảng) 

  

Bí thư Ðảng ủy xã Sín Chải Thào A Nhè (bên trái) dự buổi sinh hoạt chi bộ tại bản Sín Chải. Ảnh: Văn Thành Chương

Hiểu dân như hiểu cha mẹ mình

Chính quyền cấp xã có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị - hành chính. Là cầu nối trực tiếp của hệ thống chính quyền Nhà nước với nhân dân, thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực ở địa phương. Một địa phương muốn phát triển cần phải có một chính quyền mạnh, để chính quyền mạnh lại cần có những cán bộ có tâm và có trách nhiệm. Có những cán bộ cả đời chỉ đảm nhiệm những chức vụ ở cơ sở, xứng đáng là những tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần vượt khó để vươn lên và cống hiến cho địa phương, cho đất nước. Ông Thào A Sở, là một trong những cán bộ như thế.

Nhớ lại những năm còn công tác, từ vị trí Trạm trưởng Trạm Y tế; Trưởng Công an; Phó Chủ tịch UBND; Chủ tịch UBND; rồi Bí thư Ðảng ủy xã thời kỳ vô cùng khó khăn, gian khổ. Từ xã lên huyện đi mất cả ngày đường (50km), cơm đùm gạo gói, nhưng không khó khăn bằng đi vào với bà con trong làng, trong bản. Vào thời gian ấy, để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội thì mỗi cán bộ phải thường xuyên “ăn ở cùng dân”. Phải đi đến tận cùng những bản xa xôi, hẻo lánh để lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân theo... 

Vào những năm của thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước, ở Sín Chải vẫn còn tồn tại nhiều thành phần, thế lực chống phá chế độ nên chỉ cần lơ là một thời gian ngắn thì họ thành lập các tổ chức để chống phá cách mạng... Nhiệm vụ của ông Sở và các cán bộ thời bấy giờ là làm sao phải gần dân hơn, phải hy sinh bản thân mình, ngày qua ngày động viên, giúp đỡ bà con cả về công sức lẫn tiền bạc (thậm chí mang cả gà, lợn của nhà tặng họ làm giống, thóc, ngô cho họ cứu đói). Hàng ngày rỉ rả tâm tình để cảm hóa họ. Lăn lộn vào việc nhà dân, nỗi lo của dân cũng là nỗi lo của mình.

Cứ như thế cho đến khi về hưu, tiếp tục làm Bí thư Chi bộ bản, ông Sở vẫn luôn là mẫu cán bộ điển hình “vì nước quên thân, vì dân phục vụ!”. Ngoài nhiệm vụ làm cầu nối giữa Ðảng, chính quyền với dân, ông Sở còn là “cố vấn” của bản, xã trong các vấn đề quản lý, dân vận, và đặc biệt, ông luôn quan tâm đến công tác tuyển chọn cán bộ. Theo ông, cán bộ phải được sàng lọc cẩn thận, phải thực sự là đầy tớ của dân, được dân tin yêu chứ không phải cứ khoác áo cán bộ vào là thành cán bộ... Cán bộ có 10 người tốt mà chỉ cần 1 người không tốt là đã trở thành phức tạp. Mất đoàn kết trong nội bộ là rất nguy hiểm và có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của Ðảng, của chính quyền, làm mất niềm tin trong nhân dân.

“Cán bộ thì phải giàu!”

Quả có thế! Ðương kim Bí thư Ðảng ủy Sín Chải Thào A Nhè cho rằng, cán bộ mà nghèo thì làm sao toàn tâm toàn ý vì dân được. Ðúng là khí phách của người Mông, nghe nhiều rồi nhưng lần đầu tiên được thấy bằng xương bằng thịt ngay trước mắt. Ða phần chúng bạn cùng thời (sinh năm 1975) của Bí thư Nhè hầu hết là thất học. Bản thân Thào A Nhè cũng phải 12 tuổi mới “giác ngộ tri thức” nằng nặc đòi đi học xóa mù. Hết lớp 3, tức là vừa tròn 16 tuổi, A Nhè đã phải “tuân theo lệ tục” cưới vợ, sinh con để mau chóng củng cố đội quân nương rẫy. Do là người hiếm, có học vấn lớp 3 nên năm 22 tuổi, A Nhè được tuyển dụng vào làm cán bộ văn hóa. Tuy vậy, khi làm việc mới thấy học ít thì không thể làm việc được, chứ đừng nói làm việc tốt. Thế là năm 23 tuổi, A Nhè tiếp tục học lên lớp 4. Năm 28 tuổi tốt nghiệp THCS.

Xác định học là con đường tốt nhất để có thể giúp đồng bào mình vươn lên phát triển, anh Nhè tiếp tục theo học các lớp nâng cao. Ðến giữa năm 2018 vừa qua anh đã tốt nghiệp khoa Trồng trọt, Trường Ðại học Nông Lâm Thái Nguyên khi đã bước sang tuổi 44. Trong suốt quá trình học đằng đẵng (30 năm), từ khi đi học lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Sính Chải (nay là Trường Tiểu học Sín Chải) cho đến khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở, do lớn tuổi hơn các bạn cùng lớp lại đã có vợ con nên nhiều lúc bị phân tán tư tưởng. Vừa học vừa lo toan chuyện gia đình nhưng anh Nhè nghĩ rằng mình phải cố gắng để không phụ lòng bố mẹ, gia đình và các cấp lãnh đạo. Anh kể: Có những lúc tôi ra bờ suối tắm, trời lạnh, nhớ nhà tôi cũng rơi nước mắt vì thương vợ vất vả nuôi 3 đứa con nhỏ, lại phải gánh vác bao nhiêu công việc gia đình. Có những lúc mềm lòng muốn bỏ về, nhưng tôi lại nghĩ: Nếu về nhà thì chỉ giúp được vợ con đỡ vất vả lúc này thôi nhưng nếu học hành thành đạt thì có thể giúp được gia đình, vợ con lâu dài. Không những thế còn giúp được nhiều người dân thoát nghèo, thoát khổ vì vậy tôi đã kiên trì để tiếp tục học. Khi hiểu được ý nghĩa của việc đi học, anh Nhè đã động viên 3 người em trai ruột cùng cố gắng học tốt ngay từ bậc tiểu học. Ðến nay, cả 3 người em trai của Thào A Nhè đã tốt nghiệp đại học và đang công tác ở huyện và tỉnh.

Bản thân gia đình Bí thư Thào A Nhè, cho đến nay đã sung túc, đủ đầy do có nhiều sáng tạo trong phát triển kinh tế và ngày càng nổi tiếng với câu nói: Làm cán bộ thì không được nghèo! Nghèo làm sao đủ uy tín dạy dân làm giầu được!

Sín Chải đang chuyển mình

Từ một chi bộ chỉ có vài đảng viên, đến nay toàn Ðảng bộ Sín Chải đã có 135 đảng viên, sinh hoạt ở 16 chi bộ. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong xã. Những hệ lụy từ cây thuốc phiện trong quá khứ nay đã được thanh toán, tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu được đẩy lùi. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm nhanh chóng. Hiện nay, còn 69,5% theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều... Giờ đây, quãng đường từ xã Sín Chải đến trung tâm huyện, người dân không phải đi bộ mất cả ngày đường nữa mà thay vào đó chỉ hết hơn một giờ đi xe máy.  2 bên đường, nhiều nếp nhà của đồng bào Mông mới được cất dựng, lợp ngói đỏ, lợp tôn rất vững chãi, khang trang. Màn đêm buông xuống, trong các ngôi nhà ấy, tiếng trẻ em say sưa học bài, dùi mài kinh sử, nỗ lực học tập để góp công sức xây dựng quê hương. Cũng có nhà mở đài, ti vi xem thông tin thời sự trong nước và quốc tế; xem các chuyên mục khuyến nông, khuyến công... để mở mang tri thức, áp dụng vào thực tế nhằm thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển. Vào thăm một số gia đình thấy tấm giấy chứng nhận “Gia đình văn hóa” được treo ở vị trí trang trọng. Ðồ dùng sinh hoạt và nhiều tiện nghi đắt tiền được bà con mua sắm phục vụ cuộc sống hàng ngày, chúng tôi cũng cảm thấy vui lây.

Sự chuyển mình, đổi thay mạnh mẽ ở Sín Chải hôm nay là nhờ tinh thần đoàn kết của những người dân một lòng theo Ðảng, theo cách mạng, nỗ lực phấn đấu đi lên. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn tiên phong trên mọi mặt trận. Ðặc biệt, trong các thế hệ lãnh đạo Sín Chải luôn có những người con ưu tú như ông Sấu, ông Sở... Ðó là những người thủ lĩnh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nêu gương, làm gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Thời điểm này, Sín Chải vẫn là một xã khó khăn, song tại các làng bản, cuộc sống mới đang bừng lên, trong những gia đình không còn người sử dụng thuốc phiện, ma túy. Trên các triền núi, thay vì màu hoa anh túc như những năm 80 - 90 của thế kỷ XX là màu xanh non của ngô, của lúa và màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng tái sinh. Ðêm đêm bên bếp lửa hồng, các cụ già thường kể cho con cháu về một quá khứ buồn đau với nhiều người trong bản, trong xã nghiện ngập. Họ không quên kể về những thế hệ cán bộ đi trước như ông Sấu, ông Sở... Các ông luôn hòa vào nhân dân, hòa vào nhịp sống bản làng vì mục tiêu để cuộc sống người dân được ấm no, hạnh phúc...

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top