Điện Biên đứng cuối toàn quốc về lượng phát hành báo, tạp chí của Đảng:

Bất cập từ đâu? (kỳ I)

20:46 - Thứ Hai, 29/10/2018 Lượt xem: 22318 In bài viết

ĐBP - Thông tin từ ông Nguyễn Đức Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Đánh giá tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng, tỉnh Điện Biên “đứng cuối toàn quốc” về lượng báo phát hành. Thậm chí còn đứng sau cả Cao Bằng, Bắc Cạn, Lai Châu… Việc này rất vô lý, khi số lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên của tỉnh ta lớn hơn một số địa phương khác. Hai vấn đề lớn được đặt ra ở đây là nhận thức và việc sử dụng nguồn kinh phí được cấp để mua báo, tạp chí của Đảng theo đúng tinh thần Chỉ thị 11 hiện nay ở Điện Biên đang có gì bất cập? Và lý do vì sao dẫn đến một kết quả không mấy tự hào như vậy là những câu hỏi thôi thúc chúng tôi đi tìm câu trả lời…

Bài liên quan:
 

Một góc bản Huổi Khon 2 hôm nay.


Kỳ 1: Thừa thông tin, thiếu định hướng

Trong ngôi nhà kiên cố của gia đình anh Thào A Da, Trưởng bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), chiếc tivi từng là kênh thông tin duy nhất giờ bỏ mặc cho mạng nhện giăng kín. Dường như nó đã bị “lãng quên” từ lâu, và có vẻ gia chủ không có ý định mang sửa. Nhiều tháng qua, chiếc điện thoại thông minh vốn đã nhiều tiện ích, nay càng trở thành “thiết bị vạn năng”, khi đáp ứng mọi nhu cầu thông tin, giải trí của cả gia đình. Từ xem phim, nghe nhạc, tìm hiểu thông tin… mọi thứ đều thông qua hệ thống mạng 3G, 4G. Và những bất cập liên quan đến tư tưởng ở Huổi Khon 2 cũng bắt đầu nhen nhóm từ đây…

“Bốn chấm không” về bản

Huổi Khon 2, một ngày cuối tháng 10. Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc nên gió mưa vần vũ khắp trời, làm cho chặng đường vào Huổi Khon của chúng tôi thêm gian nan, vất vả. Trong ngôi nhà Trưởng bản Thào A Da, anh và một vài cán bộ xã ngồi quây quần bên mâm cơm khá thịnh soạn, khi vừa tạm gác lại việc điều tra, rà soát hộ nghèo. Sau cái bắt tay chào hỏi, trưởng bản Da mời chúng tôi cùng dùng bữa. Bưng chõ xôi nếp cẩm thơm dẻo mời khách, Da tự hào khoe: “Các chị ăn thử đi, của nhà trồng được trên nương, nhưng là đặc sản đấy!”. Ngẫm ra thì cũng phải, vì nó có giá thành đắt gấp đôi gạo tám ngon ngoài thành phố. Câu chuyện về sự đổi thay ở Huổi Khon 2 bắt đầu như thế!

Thào A Da kể với chúng tôi, nhờ sự quan tâm của các cấp, đời sống bà con ở đây đã được nâng lên nhiều, cơ bản đều đảm bảo đủ ăn, đủ mặc, con cái được đi học hành đúng độ tuổi. Con đường về bản được nhà nước đầu tư trải nhựa, nên giờ hầu như nhà nào cũng có xe máy để đi lại. Đặc biệt, gần như mỗi người lớn trong các gia đình đều sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nhà mạng Viettel và Vinaphone, thì bà con có thể sử dụng 3G, 4G truy cập mạng internet thoải mái. Ngay tại nhà Da, có tới 4 chiếc điện thoại đều kết nối 3G.

Đưa mắt một lượt quanh nhà, ở một góc tối, cậu con trai thứ 2 của Da đang chăm chú theo dõi gì đó trên chiếc điện thoại. Dưới bếp, vợ Da cũng không rời mắt khỏi màn hình chiếc điện thoại, tay phải liên tục lướt lên xuống. Chúng tôi không hiểu nội dung họ đang xem nói về điều gì, vì toàn bộ được thể hiện bằng tiếng Mông. Ra điều thích thú và tò mò với những clip mà vợ Da đang xem, chúng tôi tiến lại gần và được chị chia sẻ: “Cái này lúc đầu mình cũng không biết, nhưng con nó dạy nên giờ mình muốn xem gì thì cứ vào đây (Youtube – PV). Nó nói bằng tiếng Mông mình nên dễ tìm mà cũng dễ hiểu”.

Ở Huổi Khon 2 rất dễ bắt gặp hình ảnh người dân cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh smatphone mà khó có thể kiểm soát nội dung.

Được biết, bản Huổi Khon 1 và 2 hiện đang sinh hoạt ghép chung 1 chi bộ. Theo quy định, họ sẽ được Đảng ủy xã mua và cấp cả ấn phẩm: Báo Nhân dân hàng ngày và Báo Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi Da “Ở đây có báo giấy không?”, Da bảo: “Thỉnh thoảng thì có thấy tờ Báo Nhân dân, Báo Điện Biên Phủ. Báo này người ta cấp cho người uy tín của bản, nên mình cũng hiếm thấy”. Có gì đó bất hợp lý, khi mà việc cập nhật các luồng thông tin trên mạng internet (không ngoại trừ thông tin trái chiều) thì dễ dàng đến vậy; mà báo, tạp chí của Đảng lại không hề dễ?!

Lý do của nghịch lý này được thể hiện ngay trên con số thống kê từ Bưu điện huyện Mường Nhé. Cụ thể, Nậm Kè là 1 trong 4 xã không đặt mua bất cứ ấn phẩm báo Đảng nào. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi tại trụ sở UBND xã, 2 vị đại diện Cấp ủy địa phương là ông Hù Văn Thơi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã và Trung úy Nguyễn Tiến Anh – cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Kè, kiêm Phó Bí thư Đảng ủy xã đều cho rằng báo giấy của Đảng không đủ sức cạnh tranh về tính thời sự khi đứng trước những thông tin trên mạng hết sức đa dạng, nhanh nhạy và dễ dàng tiếp cận trong thời buổi hiện nay. Thêm một lý do khác là đa phần người dân ở đây còn hạn chế về ngôn ngữ tiếng phổ thông, rất khó để có thể đọc và hiểu hết những thông tin từ báo giấy. Trong khi đó, hiện nay ở Nậm Kè mạng internet và 3G, 4G đã phủ sóng rộng khắp 12/12 bản. Song chính họ cũng thừa nhận rằng “Các thông tin trái chiều trên mạng internet rất nhiều, và rất khó để quản lý việc cán bộ, đảng viên hay nhân dân xem gì, tìm hiểu gì trên mạng”.

Khi phóng viên nhắc đến Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 29-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về các quy định liên quan đến việc mua và đọc báo Đảng, 2 vị lãnh đạo cấp ủy Nậm Kè đều khẳng định các chỉ thị, nghị quyết được xã triển khai, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Đồng thời liệt kê một số đầu báo hiện có tại xã, như: Báo Nhân dân, Báo Điện Biên Phủ, Công báo, Dân tộc miền núi, Sổ tay sinh hoạt chi bộ… Song ngay sau đó lại thừa nhận: “Bưu điện phát miễn phí tờ nào thì có tờ đó. Đảng ủy xã không tự đặt mua!?”.

Còn đó bài học Huổi Khon!

Đáng lẽ phải thấy mừng khi chứng kiến sự đổi thay vượt bậc của Huổi Khon 2, cũng như sức lan tỏa sâu rộng của cuộc cách mạng 4.0 góp phần mang những tiện ích cuộc sống hiện đại đến với bà con vùng sâu, vùng xa nhiều cách trở. Song khi câu chuyện ở Huổi Khon 2 được tiếp nối bằng những thông tin chia sẻ từ Trung úy Nguyễn Tiến Anh, thì chúng tôi không thể không trăn trở. 

Với việc phủ sóng rộng khắp của các nhà mạng, cùng những chương trình ưu đãi, giờ đây chiếc điện thoại thông minh không còn xa lạ với bà con vùng xa, biên giới. Thậm chí, theo Trung úy Nguyễn Tiến Anh thì có hộ dân còn sắm cả IPad để kết nối 3G, 4G. Họ dễ dàng truy cập các trang mạng, nhất là Youtube ở bất cứ đâu, khi ở trên nương, làm việc nhà, thậm chí trong cả bữa ăn, giờ nghỉ. Trong khi đó, thông tin từ mạng internet vốn được ví như “con dao 2 lưỡi”. Đối tượng xấu thường lợi dụng sự phát triển của mạng internet để truyền tải các luận điệu xấu trái pháp luật nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Bằng những clip hình ảnh trực quan, sử dụng tiếng Mông nên bà con rất dễ bị thu hút. Song không lấy gì đảm bảo những cán bộ, người dân ở đây có đủ nhận thức, bản lĩnh để lựa chọn thông tin nào nên tiếp nhận, và thông tin nào là đúng?!

Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Kè trao đổi nắm thông tin địa bàn từ trưởng bản Thào A Da. 

Thừa nhận với chúng tôi về thực trạng này, Trung úy Nguyễn Tiến Anh cũng đánh giá đây chính là nguyên nhân khiến tà đạo dễ dàng xâm nhập vào địa bàn. Thực tế ở Nậm Kè, qua công tác rà soát, nắm tình hình, thời gian gần đây đã phát hiện 2 loại tà đạo là Hội thánh Đức chúa trời mẹ và Bà Cô Dợ xâm nhập. Trong đó chủ yếu tập trung tại bản Huổi Khon 2. Ổ nhóm này được phát hiện từ tháng 3/2018, cho đến nay đã ghi nhận 28 hộ, với 155 nhân khẩu tin, nghe theo. Họ sinh hoạt đạo công khai và viện nhiều lý do để đối phó với một số chủ trương, hoạt động mà chính quyền triển khai trên địa bàn. Đơn cử như khi triển khai việc điều tra, thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư, các hộ dân theo tà đạo đã không chịu hợp tác thực hiện, với lý do “Khi nào cả nước làm thì chúng tôi mới làm”. Để đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của cấp trên, xã đành phải để khuyết thông tin của các hộ dân theo tà đạo.

Trung úy Nguyễn Tiến Anh cũng thông tin thêm, từ đầu năm đến nay Ban Chỉ đạo phòng chống tà đạo của huyện đã phối hợp cùng chính quyền xã, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tăng cường nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cũng như bám, nắm địa bàn để đấu tranh với tà đạo; trong đó, đặc biệt chú ý đến nhóm tà đạo ở Huổi Khon 2. Cho đến nay họ vẫn duy trì sinh hoạt, lao động như những người dân bình thường khác và chưa để xảy ra vấn đề gì phức tạp tại địa phương. Tuy nhiên, cũng giống như một “quả bom nổ chậm”, chẳng ai biết trước nó sẽ phát nổ lúc nào!?

Rời Huổi Khon 2, Nậm Kè khi cơn mưa rừng đã ngớt, trả lại bầu không khí yên bình, trong lành vốn là đặc trưng của các bản làng vùng cao. Song những câu chuyện, hình ảnh ghi nhận từ Huổi Khon 2 khiến chúng tôi bất giác chùng lòng. Một vùng đất nhỏ bé nơi cực Tây của Tổ quốc, được hình thành chưa đầy 30 năm, mà có tới 2 lần chứng kiến những cuộc nổi loạn, xưng hùng, xưng bá của các đối tượng tự xưng là “Vua Mông”, nhằm lợi dụng sự “nhẹ dạ” của người dân để thực hiện các ý đồ xấu, chống phá Đảng, Nhà nước. Trong đó, vụ việc “miền đất hứa” Huổi Khon của hơn 7 năm trước đã từng có mạng người phải đánh đổi là ký ức mà không người dân Huổi Khon nào muốn nhắc lại.

Có một điều mà chúng tôi, và chắc chắn không ai trong chúng ta mong muốn đó là quá khứ ấy lặp lại, dù chỉ một lần. Song khi mà giải pháp hiệu quả nhất để “làm tư tưởng”, để hướng người dân, nhất là những người còn đang “lầm đường lạc lối” theo tà đạo ở Huổi Khon 2 hướng thiện, một lòng tin, nghe theo Đảng, yên tâm ổn định cuộc sống chỉ là tăng cường tuyên truyền, vận động…. Mà nói theo cách ví von của Trung úy Nguyễn Tiến Anh là phải “mưa dầm thấm lâu”, thì rõ ràng, “cơn mưa dầm” ở đây chưa phải là những thông tin chính thống từ cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các báo, tạp chí của Đảng…

Kỳ II: CẦN, NHƯNG... KHÔNG THỂ QUẢN

 
Mai Thủy – Hải Yến
Bình luận
Back To Top