Điện Biên đứng cuối toàn quốc về lượng phát hành báo, tạp chí của Đảng:

Bất cập từ đâu? (kỳ II)

10:28 - Thứ Ba, 30/10/2018 Lượt xem: 18099 In bài viết

Kỳ II: Cần, nhưng... không thể quản

 
ĐBP - Trăn trở ở Huổi Khon thôi thúc chúng tôi tìm gặp những người đứng đầu Huyện ủy Mường Nhé để được lắng nghe về quan điểm, cũng như thực trạng thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng trên địa bàn huyện biên viễn xa xăm này. Thật buồn là, sau rất nhiều thời gian, khó khăn và sự mệt mỏi vì hành trình xin được gặp lãnh đạo huyện Mường Nhé không giúp chúng tôi có được câu trả lời thỏa đáng, mà chỉ càng làm cho những câu hỏi được đặt ra nhiều thêm...

Bài liên quan: 

 

Trụ sở làm việc của Huyện ủy, khối đoàn thể huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Nhận thức đã thật sự đúng?

Trước khi đề cập đến Chỉ thị 11-CT/TW, chúng tôi xin mạn phép bàn luận đôi chút về công tác tư tưởng ở Mường Nhé. Bởi dù trên lý luận, hay thực tế thì chỉ khi có nhận thức đúng, thì mới đưa ra những quyết sách, hành động đúng.

Để hiểu rõ quan điểm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thì phải làm việc với Cấp ủy, người đứng đầu địa phương. Với suy nghĩ này, chúng tôi đã tìm gặp đồng chí Chánh Văn phòng Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Văn Úy để đặt lịch làm việc với Thường trực Huyện ủy. Sau gần 2 ngày, với “năm lần bảy lượt” bị “đá bóng” qua lại giữa các cơ quan công quyền, chúng tôi đã đi hết một “vòng tròn hành chính” để trở về vạch xuất phát (Văn phòng Huyện ủy xin ý kiến Bí thư Huyện ủy, Bí thư Huyện ủy giao làm việc với Phó Bí thư Thường trực, Phó Bí thư Thường trực giao Ban Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo chỉ về Văn phòng). Thật buồn là sự kiên trì đã không giúp chúng tôi tìm được câu trả lời thỏa đáng, mà chỉ càng làm cho những dấu hỏi nhiều thêm… Dấu hỏi lớn đầu tiên chúng tôi đặt ra là cách làm việc này huyện Mường Nhé chỉ dành cho cánh báo chí chúng tôi thôi, hay tất thảy người dân đến đây giao dịch công việc đều thế cả? Và nếu chỉ là đối với riêng chúng tôi, thì lý do vì sao lại vậy?

Để có cái nhìn đa chiều hơn, chúng tôi đã tìm gặp bà Phạm Quỳnh Minh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Nhé thì nhận được chia sẻ cũng hết sức chung chung: Ban Tuyên giáo nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Và ngay từ năm 2015, sau Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 29-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại tỉnh Điện Biên, Ban Tuyên giáo đã tham mưu cho Huyện ủy văn bản đôn đốc thực hiện, nhưng cho đến nay chưa… được ban hành. Trong các cuộc kiểm tra, giám sát thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Ban đã lồng ghép triển khai, nhắc nhở những đơn vị chưa thực hiện, hoặc thực hiện chưa thường xuyên, đầy đủ... nhưng cũng không hiệu quả. Trên thực tế bà Minh không cung cấp được bất cứ con số cụ thể nào xung quanh vấn đề này.

Khi chúng tôi hỏi vấn đề giáo dục chính trị tư tưởng ở Mường Nhé, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở Huổi Khon sau thời điểm năm 2011 đến nay có gì mới? Bà Minh thở dài, đáp lời bằng một câu chuyện khác: Huyện Mường Nhé có thành lập một ban chỉ đạo để đi tuyên truyền xóa tà đạo, nhưng thành phần không có Ban Tuyên giáo...

Là huyện biên giới đặc biệt khó khăn; Mường Nhé còn được đánh giá là địa bàn phức tạp về ANTT. Tình hình chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, bởi: Biên giới dài, địa hình phức tạp, vẫn còn tình trạng di dịch cư, tuyên truyền đạo trái pháp luật; thành phần dân tộc đa dạng, đời sống nhân dân về mọi mặt còn nhiều khó khăn... Đây cũng là địa bàn mà các thế lực thù địch dễ lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; lợi dụng xúi dục, kích động nhân dân... Điểm nóng ở Huổi Khon năm 2011 là một bài học không gì điển hình hơn. Chính vì thế, Mường Nhé cũng là địa bàn cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng; phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần các địa bàn khác để đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân; kịp thời cung cấp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nguồn thông tin chính thống, thông qua đó để hiểu đúng, hiểu rõ trước hết những vấn đề, sự việc liên quan đến bản thân, gia đình, địa phường mình; tránh để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, tuyên truyền xấu độc... Một trong số kênh thông tin quan trọng nhất, hiệu quả nhất để làm được những việc trên là cấp phát hệ thống báo, tạp chí của Đảng. Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về mua và đọc báo Đảng là "cây gậy" không gì hiệu quả hơn để làm việc này; song kết quả thực hiện tại Mường Nhé lại không được như kỳ vọng.

Cần, nhưng... không thể quản

Trong cả 2 cuộc trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Giàng A Dế, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Nhé đều nhấn mạnh quan điểm: Chỉ thị 11-CT/TW là cần thiết. Và đã là chỉ thị, nghị quyết của Đảng thì phải thực hiện, không thể nào khác được. “Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có chỗ nọ, chỗ kia, cái đó chúng tôi không thể quản được” – ông Dế khẳng định.

 
Việc đặt mua Tạp chí Cộng sản mới được Đảng bộ xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé thực hiện mấy tháng gần đây. Trong ảnh: Bí thư Đảng bộ xã Mường Nhé - Vi Văn Thoa nghiên cứu tạp chí của Đảng. 

Bên cạnh vấn đề tư tưởng, nhận thức, dẫn đến việc thực hiện chỉ thị “chỗ nọ, chỗ kia” chưa được như mong muốn, thì ông Giàng A Dế cũng thông tin cho chúng tôi biết trung bình mỗi năm kinh phí cấp cho các cơ sở Đảng của Mường Nhé (mà không phải là Đảng ủy xã) là trên dưới 200 triệu đồng để đặt và mua báo, tạp chí của Đảng. Toàn bộ số tiền trên đều đã được giao xuống cơ sở, và các chi, đảng bộ phải tự đặt mua báo, tạp chí của Đảng theo đúng tinh thần chỉ thị.

Như vậy, rõ ràng là kinh phí để mua Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, báo Đảng địa phương (với tỉnh Điện Biên là Báo Điện Biên Phủ), hoàn toàn do Nhà nước cấp. Tuy nhiên, những con số mà chúng tôi có được đã bộc lộ nhiều bất cập. Tính đến nay, Đảng bộ huyện Mường Nhé có 42 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc; trong đó 14 đảng bộ (11 đảng bộ xã, 3 đảng bộ cơ quan), 28 chi bộ cơ sở khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp; 143 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở; với tổng số 1.844 đảng viên. Cứ chiểu theo đúng tinh thần Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, thì Mường Nhé phải có ít nhất 185 tờ Báo Điện Biên Phủ, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản đối với mỗi kỳ phát hành (chưa kể các đối tượng khác theo quy định của Chỉ thị 11). Tuy nhiên, theo thống kê chúng tôi có được từ Bưu điện huyện Mường Nhé, thì quý 4/2018 - thời điểm có số lượng đặt lớn nhất cả năm, song cũng chỉ có 59 cuốn Tạp chí Cộng sản/kỳ, 32 tờ Báo Nhân dân/kỳ, 39 tờ Báo Điện Biên Phủ thời sự/kỳ phát hành. Có thời điểm, toàn huyện chỉ đặt 2 cuốn Tạp chí Cộng sản, 8 tờ Báo Nhân dân và 11 tờ Báo Điện Biên Phủ thời sự/kỳ phát hành (quý 2/2018).

Như vậy, dù có nhìn nhận tại thời điểm cao nhất, và đối với ấn phẩm đặt nhiều nhất (Tạp chí Cộng sản), thì kết quả số lượng báo đặt cũng chỉ đạt gần 32% theo đúng tinh thần Chỉ thị 11-CT/TW. Nghĩa là gần 70% chi, đảng bộ “trắng báo Đảng”; đồng nghĩa với đó là số tiền tương đương đang bị sử dụng sai mục đích. Mặc dù nguồn kinh phí này khi đem chia cho mỗi cơ sở Đảng hàng năm thì không phải lớn, song khẳng định với chúng tôi, ông Dế thừa nhận: “Việc cơ sở Đảng nào không thực hiện mua báo, tạp chí của Đảng là hoàn toàn sai nguyên tắc tài chính”. Rõ ràng vấn đề ở đây không chỉ đơn giản là những hạn chế trong thực hiện một chỉ thị của Đảng, mà nó còn là sự lãng phí. Trong khi đó, tại tất cả các cuộc kiểm tra, giám sát từ trước tới nay đối với các cơ sở Đảng trên địa bàn thì Mường Nhé chưa đề cập đến nội dung về kinh phí đặt mua báo của Đảng. Khi mà chỉ thị nêu rõ “Cấp ủy các cấp phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đôn đốc các cơ sở đảng không chấp hành…”; thì không hiểu vì cố tình hay vô ý mà ông Dế lại “khoán trắng” cho chúng tôi: "Nếu trong quá trình các em tìm hiểu, rà soát mà có đơn vị nào thực hiện không đúng thì nên trao đổi lại với huyện để huyện có phương án...".

Mặc dù không nắm chính xác tổng số tiền được cấp dành cho việc mua báo ở Mường Nhé bị sử dụng sai mục đích là bao nhiêu? Thực tế đang dùng vào việc gì? Sự lãng phí ra sao? Và ai là người phải chịu trách nhiệm? Song với những kết quả sau nhiều ngày rà soát ở nhiều địa phương, thật buồn khi chúng tôi phải khẳng định với bạn đọc rằng, thực tế ở Mường Nhé không phải là cá biệt. Nguyên nhân do đâu, chúng tôi xin chia sẻ cùng bạn đọc trong kỳ tiếp theo.

Kỳ III: Không có lý do gì ngoài nhận thức

Mai Thủy – Hải Yến
Bình luận
Back To Top