Điện Biên đứng cuối toàn quốc về lượng phát hành báo, tạp chí của Đảng:

Bất cập từ đâu? (kỳ III)

08:49 - Thứ Tư, 31/10/2018 Lượt xem: 18117 In bài viết

Kỳ III: Không có lý do gì ngoài nhận thức

Trả lời cho tất thảy những câu hỏi từ thực tế chúng tôi ghi nhận ở cở sở và đánh giá về nguyên nhân liên quan đến kết quả việc thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa được như mong muốn, ông Nguyễn Đức Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: Không có lý do gì ngoài nhận thức. Đây là một vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua, và cần phải nghiêm túc xem xét, đánh giá lại...

Bài liên quan:

 

Tại trụ sở HĐND, UBND xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, nhân viên lấy trong tủ ra khá nhiều loại báo, song không hề thấy Báo Nhân dân, Điện Biên Phủ hay Tạp chí Cộng sản.

Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng được ban hành ngày 28/12/1996. Chỉ thị nêu rõ: Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, báo của các đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong hệ thống báo chí cách mạng cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Để góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với toàn xã hội, đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân trên mọi miền đất nước; phản ánh kịp thời, đúng đắn ý chí, nguyện vọng cùng những thành tích, sáng kiến, kinh nghiệm của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng và tổ chức đảng các cấp, các ban ngành, đoàn thể phải tổ chức tốt việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng...

Sau hơn 15 năm thực hiện, tại Kết luận số 29-KL/TW, ban hành ngày 25/8/2012 của Ban Bí thư đã tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và những đóng góp to lớn của việc thực hiện Chỉ thị với công tác tư tưởng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân: "... Báo, tạp chí của Đảng đã trở thành một tài liệu sinh hoạt, tuyên truyền quan trọng, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao trình độ lý luận chính trị, vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đời sống; động viên và cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc..."

Tuy nhiên, Kết luận số 29-KL/TW cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện: "Một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chưa quán triệt và triển khai nghiêm túc, đầy đủ Chỉ thị số 11-CT/TW; còn xem nhẹ việc mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng, thậm chí sử dụng kinh phí mua báo, tạp chí sai mục đích; số lượng phát hành báo, tạp chí của Đảng có xu hướng giảm...".

Cùng với những biến động phức tạp của tình hình thế giới, sự bùng nổ thông tin; các thế lực phản động, thù địch tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là internet để chống phá Đảng, Nhà nước thì việc chủ động thông tin, định hướng dư luận thông qua các báo, tạp chí của Đảng, nhất là Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản và báo Đảng địa phương là rất quan trọng. Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, cơ quan báo chí của Đảng tập trung thực hiện nghiêm túc việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.       

Với tỉnh Điện Biên, nhận thức được tầm quan trọng của việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng, ngay từ năm 1998 (27/3/1998) Thông tri số 06 TT-TU về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng đã được Tỉnh ủy Lai Châu (nay là Điện Biên) ban hành; khẳng định sự cần thiết phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị. Từ đó đến nay, cũng có thêm nhiều văn bản đốc thúc và yêu cầu các tổ chức Đảng thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ thị. Tuy nhiên, chưa có bất cứ kết quả xử lý vi phạm nào cụ thể. 

Trong khi đó, qua đánh giá của nhiều cấp, cũng như khảo sát thực tế tại nhiều địa bàn, chúng tôi thấy rằng, việc thực hiện mua và đọc báo tạp chí của Đảng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhận thức về vai trò, chức năng, sự cần thiết của việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng ở nhiều cấp ủy, đảng viên chưa đúng, chưa thực sự sâu sắc. Đơn cử như tại huyện Điện Biên Đông, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lê Văn Kha cũng chỉ trao đổi chung chung mà không thể cung cấp cho chúng tôi thông tin gì cụ thể liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW; và thẳng thắn thừa nhận “Anh em ở đây chủ yếu sử dụng internet hết, rất ít khi mà ngồi đọc báo giấy (báo in)”. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Huyện ủy Điện Biên Đông Nguyễn Đình Toản mặc dù cung cấp được là hiện tại Văn phòng có đầy đủ các báo, tạp chí của Đảng (Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Báo Điện Biên Phủ). Mỗi số phát hành văn phòng nhận về 7 tờ báo mỗi loại. Song bản thân ông và cả Kế toán Huyện ủy đều khẳng định quyết toán kinh phí hàng năm không có khoản chi nào cho việc mua báo. Còn số báo hiện có thì không biết ai, đơn vị, cá nhân nào đặt?!

 

Ở xã Keo Lôm, có nhiều báo, tạp chí các loại được cất trong góc phòng và trên bàn làm việc nhưng trong trạng thái còn nguyên tem, nguyên buộc.

Chung tình trạng như chưa bao giờ nghe nói về Chỉ thị số 11-CT/TW và Kết luận số 29-KL/TW; Phó trưởng phòng Tài chính Điện Biên Đông Trần Huy Hoàng nói: "Phòng Tài chính huyện không có nhu cầu đặt mua báo, và nếu cơ quan nào có nhu cầu mua thì tự đặt, tự trả tiền... đó là đương nhiên việc gì phải hỏi”. Đồng chí cũng thẳng thắn là, chi bộ chưa bao giờ có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản và Báo Điện Biên Phủ...

Sự lờ mờ trong nhận thức, suy nghĩ chưa đúng tinh thần về vai trò, vị trí của việc mua và đọc báo, tạp chỉ của Đảng dẫn đến lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát thực hiện Chỉ thị chưa hiệu quả. Minh chứng dễ nhận thấy nhất là, số lượng chi, đảng bộ các cấp thì nhiều, nhưng số chi đảng bộ mua báo, tạp chí của Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị thì rất ít. Nhiều trường hợp sách, báo, tạp chí chuyển về nhà văn hóa xã, văn phòng cơ quan đơn vị mà văn thư không hề nhận được chỉ đạo phải cấp phát cho ai; không biết được nhận những loại nào và ai đã trả tiền cho những tờ báo ấy... Trong khi nhiều chi bộ thôn, bản vùng cao, vùng sâu đặc biệt khó khăn thiếu thông tin, cần tài liệu để đọc, học nhưng không có; thì ở văn phòng nhiều cơ quan, điểm văn hóa xã hình ảnh Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân, Báo Điện Biên Phủ còn “nguyên tem, nguyên túi” xếp cả chồng trong tủ... không hề hiếm.

Băn khoăn về công tác nhận thức, tư tưởng: Cán bộ, đảng viên đang tiếp nhận thông tin từ đâu? Có đủ bản lĩnh để sàng lọc, thẩm định lựa chọn thông tin chính thống hay không? Lấy gì để đảm bảo rằng chúng ta đã làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân; khi mà những tờ báo, tạp chí của Đảng - ấn phẩm mang thông tin chính thống, có thể lưu giữ để nghiên cứu nhiều lần, mang đến mọi nơi và có giá trị tư liệu cụ thể như thế lại không được lưu tâm, phổ biến. Còn một vấn đề nữa mà chúng tôi muốn đề cập đó là kinh phí. Bởi, dù chưa nắm con số cụ thể về số tiền mà Trung ương đã cấp cho tỉnh để mua báo, tạp chí của Đảng hàng năm; song chúng tôi chắc chắn rằng đó là số tiền không hề nhỏ, nhất là với tỉnh khó khăn như Điện Biên. Hàng năm, dựa trên kết quả rà soát về tổng số các cơ sở Đảng ở địa phương, Trung ương sẽ cấp nguồn kinh phí tương đương đảm bảo mua đủ số lượng báo, tạp chí của Đảng theo đúng tinh thần chỉ thị. Nói vậy để làm rõ, không thể “viện” lý do khó khăn, không cân đối được kinh phí để thoái thác việc mua báo như một số địa phương, cơ sở Đảng trao đổi với chúng tôi. Vậy thì ai là người sẽ phải chịu trách nhiệm với việc sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí này?...

Đem những trăn trở này lên gặp ông Nguyễn Đức Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chúng tôi mới biết, Điện Biên là tỉnh có số lượng mua và đặt báo, tạp chí của Đảng thấp nhất toàn quốc; thấp hơn cả tỉnh Cao Bằng và Lai Châu. Đây là một bất thường vì Điện Biên có số chi, đảng bộ cao hơn. Một lần nữa Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Đức Vượng khẳng định việc thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW và Kết luận số 29-KL/TW là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong thời đại công nghệ ngày nay, thông tin toàn cầu, mạng xã hội tràn lan, các luồng thông tin đa chiều và các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng công nghệ để tuyên truyền xấu độc, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Thông tin từ các báo, tạp chí của Đảng (Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Báo Đảng địa phương...) là nguồn thông tin chính thống, là tư liệu cụ thể để tổ chức đảng các cấp, đảng viên tiếp thu, truyền đạt đến quần chúng nhân dân.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Nguyễn Đức Vượng cho rằng, vấn đề không thuộc về các cơ quan báo (bởi bản thân các tờ báo, tạp chí của Đảng đã và đang đảm bảo đúng vai trò, yêu cầu đặt ra của Đảng); vấn đề nằm ở nhận thức của các cơ sở Đảng và đảng viên. Thực tế này đặt ra 2 vấn đề: Thứ nhất là nhận thức của một số cấp ủy Đảng, của cán bộ đảng viên chưa đúng về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng; thứ hai là vấn để sử dụng ngân sách cấp cho mua báo, tạp chí của Đảng ra sao?

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng cũng cho biết: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã từng đề nghị Tỉnh ủy cho chủ trương để Ban chủ động đặt báo và chuyển về từng chi, đảng bộ theo đúng tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW; tuy nhiên không được chấp thuận vì không đúng Luật Ngân sách. Với cách cấp kinh phí như hiện nay qua nhiều đầu mối, trong khi nhận thức ở cơ sở còn hạn chế, nên việc triển khai chưa hiệu quả. Giải pháp đưa ra là, thời gian tới Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành chỉ thị chỉ đạo về việc này. Sau một thời gian thực hiện, sẽ kiểm tra, giám sát từ đó có căn cứ cụ thể xử lý nghiêm những chi, đảng bộ vi phạm.

Còn chúng tôi - sau hành trình tìm hiểu về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng ở tỉnh Điện Biên, đã đến những huyện xa nhất, bản khó nhất... thì thấy thật chạnh lòng. Báo, tạp chí của Đảng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhưng phải làm gì, làm như thế nào để tiếng nói ấy có thể đi và đến được đích cuối là để cho "ý Đảng - lòng dân hòa hợp"?. Có hợp lý không, khi nỗ lực mà chúng tôi thấy mới chỉ đến từ Trung ương, từ các cơ quan báo, tạp chí của Đảng và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy?... 

     - Tính đến 30/9/2018, Đảng bộ tỉnh Điện Biên có 14 đảng bộ trực thuộc với 645 tổ chức đảng (234 đảng bộ cơ sở, 411 chi bộ cơ sở), 2.759 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW thì toàn tỉnh phải có trên 3.400 tờ Báo Nhân dân, Báo Điện Biên Phủ, Tạp chí Cộng sản, cho 1 kỳ phát hành.

     - Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Bưu điện tỉnh Điện Biên: Quý 4/2018, toàn tỉnh đặt mua 558 tờ Báo Nhân dân/1 kỳ phát hành, đạt 16,41% so với quy định; 1.157 tờ Báo Điện Biên Phủ/1 kỳ phát hành, đạt 34,02% và 853 cuốn Tạp chí Cộng sản/1 kỳ phát hành, đạt 25,08% so với tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW. 2 huyện đặt báo, tạp chí của Đảng thấp nhất tỉnh là Điện Biên Đông và Nậm Pồ.

 
Mai Thủy – Hải Yến
Bình luận
Back To Top