Thảo luận về một số nội dung của Dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi)

10:04 - Thứ Tư, 07/11/2018 Lượt xem: 12522 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 6 tháng 11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của 2 Dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Công an Nhân dân (sửa đổi).

 

Đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi).

Tham gia phiên thảo luận chiều 6/11, đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi). Theo đó, đại biểu đề nghị nên xác định lại vị trí Công an Nhân dân trong lực lượng vũ trang nhân dân để đảm bảo sự thống nhất, logic với các quy định của dự thảo luật và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an Nhân dân theo luật hiện hành. Về chỉ huy trong Công an Nhân dân nên căn cứ vào chức vụ cao hơn để xác định chỉ huy trong Công an Nhân dân, không căn cứ vào cấp bậc hàm. Đồng tình với quy định về nguyên tắc, tiêu chí xác định vị trí có cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an Nhân dân là trung tướng. Tuy nhiên, còn băn khoăn một số nội dung như về số lượng cấp tướng, thẩm quyền quy định cụ thể về vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng. Đại biểu đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về khoản này, thay vì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội như dự thảo. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới Chính phủ cũng cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân để bảo đảm có sự tương quan trong hệ thống chính trị giữa hai lực lượng này. Đại biểu có ý kiến dự thảo luật nên quy định thống nhất với quy định hiện hành về chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của cán bộ, chiến sỹ công an và không đồng tình với quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện bảo hiểm y tế như dự thảo luật. Về quy định chuyển tiếp đối với "bố trí phó trưởng công an xã, công an viên hiện nay được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở theo phân công của trưởng công an xã và được giữ nguyên chế độ, chính sách hiện hưởng cho đến khi có quy định mới". Đại biểu cho rằng dự thảo luật chưa xác định rõ và giao cho cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách mới thay thế chính sách hiện hành. Do đó, đề nghị bổ sung quy định trong luật này là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay là Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này.

Đại biểu đồng tình với việc xây dựng lực lượng chính quy công an xã là cần thiết. Tuy nhiên, khi thực hiện cần có lộ trình, tránh xáo trộn và ảnh hưởng đến lực lượng công an xã hiện nay, có chính sách sắp xếp, bố trí việc làm, giải quyết thỏa đáng về chế độ, chính sách đối với đội ngũ trưởng công an cấp xã, phó công an, công an viên. Đồng thời đề nghị nên quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đối với công an cấp xã nhất là trụ sở làm việc.

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thẩm tra, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này theo quy trình.

Hồ Nam (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)
Bình luận
Back To Top