Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)

16:26 - Thứ Tư, 07/11/2018 Lượt xem: 13089 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (7/11), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Trước khi Quốc hội thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo về việc giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về dự thảo luật này. Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) có bố cục gồm 6 chương, 40 điều, quy định về về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá; áp dụng cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân và cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến hoạt động đặc xá.

 

Đại biểu Mùa A Vảng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia thảo luận về Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) tại hội trường.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Mùa A Vảng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật và các nội dung của dự thảo luật. Tuy nhiên, theo đại biểu về điều kiện đặc xá, dự thảo luật quy định người được đề nghị đặc xá phải có đủ 7 điều kiện, trong đó có quy định: “Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt”. Như vậy, quy định đối tượng được xếp loại chấp hành án phạt tù “khá” vào nhóm đủ điều kiện được đề nghị đặc xá là chưa thực sự phù hợp, vì đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù, chính vì ý nghĩa đặc biệt này mà đối tượng được xem xét đặc xá cũng phải có những điều kiện đặc biệt tương xứng, thực sự xứng đáng. Do đó, đề nghị xem xét, nên quy định đối tượng được đề nghị đặc xá phải được xếp loại chấp hành án phạt tù từ “tốt” trở lên. Đối với quy định: “Khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự”. Đại biểu cho rằng, với quy định này khi thực hiện sẽ thiếu tính khả thi, điều kiện để được xét đặc xá là thiếu chặt chẽ. Để đảm bảo tính khả thi của quy định này, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa lại như sau: “Có cam kết khi đươc đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự”.

Liên quan đến quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá, đại biểu Mùa A Vảng cho rằng dự thảo luật sửa đổi lần này chưa đề cập đến việc bổ sung quy định về trách nhiệm giám sát của cơ quan HĐND cấp tỉnh đối với hoạt động đặc xá là chưa bảo đảm phù hợp tương thích với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2015. Trong khí đó, trong trình tự thủ tục thực hiện đặc xá có rất nhiều hoạt động của các cơ quan công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân ở địa phương, hơn nữa hoạt động đặc xá có liên quan trực tiếp đến quyền con người nên rất cần phải có thiết chế giám sát của cơ quan HĐND cấp tỉnh. Dó đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm giám sát của HĐND cấp tỉnh trong luật.

Ngoài ra, về mặt kỹ thuật lập pháp đại biểu đề nghị nên xem xét cân nhắc quy định tại Khoản 7, Điều 15 của dự thảo luật để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo và rõ trách nhiệm trong quá trình thực hiện, hướng dẫn quy định về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện để đề nghị đặc xá, giữa Chính phủ và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Hồ Nam (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)
Bình luận
Back To Top