Phát huy sức mạnh nhân dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

08:35 - Thứ Năm, 08/11/2018 Lượt xem: 12170 In bài viết

ĐBP - Ngày 9/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các lực lượng và toàn dân, tạo phong trào sâu rộng trong việc tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên  giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định. Thực hiện Chỉ thị 01, những năm qua, tỉnh đã tổ chức được nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực bảo vệ lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp xảy ra trên biên giới.

 

Lực lượng biên phòng thuộc Ðồn Biên phòng Nà Bủng và lực lượng biên phòng Nậm Khăn, tỉnh Phoong Sa Ly, nước CHDCND Lào thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra song phương. Ảnh: Phạm Dương

Tỉnh ta có 455,573km đường biên giới trải dài trên 4 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và Ðiện Biên tiếp giáp với 2 quốc gia: Lào và Trung Quốc. Toàn tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh có 161 cột mốc, 5 cọc dấu, Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, Huổi Puốc và lối mở A Pa Chải. Khu vực giáp biên thuộc 4 huyện biên giới có 29 xã với 348 thôn, bản và 3 cụm dân cư sinh sống. Ðịa bàn biên giới của tỉnh là khu vực đặc biệt quan trọng trong phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng là cửa ngõ thông thương, giao lưu văn hóa với các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Nhận thức rõ tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các lực lượng, “nòng cốt” là bộ đội biên phòng thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, rà soát danh sách đăng ký của các tập thể, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật có liên quan đến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia tại 29/29 xã biên giới. Với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 884 buổi tuyên truyền cho 47.479 lượt người nghe. Ðến nay, tỉnh đã tổ chức được nhiều mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn khu vực biên giới với nhiều hình thức đa dạng, như: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”; “Tổ đoàn kết bảo đảm an ninh trật tự”; “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”… Các mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đối ngoại nhân dân, tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp xảy ra trên biên giới.

Hiện nay, toàn tỉnh có 30 tập thể; 73 thôn, bản; 4.428 hộ với 17.494 người đăng ký tự quản 149 cột mốc và 5 cọc dấu. Trong đó, có 348 tổ, 2.041 thành viên được UBND các huyện biên giới ra quyết định công nhận duy trì hoạt động hiệu quả. Các hoạt động tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương chú trọng thực hiện và được quần chúng nhân dân hưởng ứng tích cực. Năm 2017, bộ đội biên phòng phối hợp với các tổ tự quản đường biên, mốc giới của các bản giáp biên tổ chức 419 lần tuần tra, kiểm soát địa bàn với 4.011 lượt người tham gia. Cùng với huy động 1.649 lượt người tham gia tuần tra biên giới đó, nhân dân các bản giáp biên đã cung cấp cho bộ đội biên phòng 1.533 tin báo, trong đó 874 tin có giá trị về quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới; tích cực phối hợp với bộ đội biên phòng phòng chống tội phạm trên khu vực biên giới. Từ đầu năm 2018 đến nay, qua tin báo và các biện pháp nghiệp vụ, bộ đội biên phòng đã phát hiện, bắt giữ 122 vụ, 148 đối tượng; tang vật thu gồm 39,5 bánh và 1.842g hêrôin, gần 250.000 viên ma túy tổng hợp; xử lý vi phạm hành chính 117 vụ, 225 đối tượng, phạt tiền 97,2 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước…

Ông Thào A Páo, trưởng bản Huổi Quang, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) cho biết: 100% hộ dân ở bản Huổi Quang đã đăng ký tham gia bảo vệ đường biên cột mốc. Mỗi tháng hai lần, Tổ tự quản đường biên, cột mốc của bản phối hợp với các tổ công tác Ðồn Biên phòng Mường Mươn đi tuần tra, kiểm soát đường biên, tổ chức phát quang đường lên cột mốc, vệ sinh cột mốc và khu vực xung quanh. Ngoài ra, người dân đi làm nương ở những khu vực giáp biên nếu phát hiện người lạ hoặc các dấu hiệu bất thường tại khu vực biên giới đều nhanh chóng thông báo chính quyền địa phương hoặc các tổ công tác biên phòng để kịp thời xử lý.

Những năm qua, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới” là một trong những mô hình thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 9 mô hình kết nghĩa bản - bản 2 bên biên giới.

Ông Lò Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm cho biết: Bản Pa Thơm, xã Pa Thơm và bản Na Luông, cụm Sốp Hùn, huyện Mường Mày (tỉnh Phoong Sa Ly, nước CHDCND Lào) đã kết nghĩa bản - bản từ năm 2013 đến nay. Thông qua hoạt động kết nghĩa, phong trào quần chúng tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được nâng cao; công tác quản lý, nắm tình hình địa bàn, khu vực biên giới 2 bên đối diện được tăng cường. Người dân có ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia quản lý, bảo vệ đường biên cột mốc. Sau 5 năm kết nghĩa, nhân dân 2 bản đã cung cấp 60 nguồn tin có giá trị cho Ðồn Biên phòng Pa Thơm và Trạm Công an số 2 Pa Thơm (Lào); phát hiện, xử lý 9 vụ với 20 đối tượng vi phạm quy chế biên giới; bắt giữ 3 vụ, 4 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán ma túy. Dân bản 2 bên cam kết chấp hành tốt việc qua lại biên giới, không xâm canh, xâm cư, chăn thả gia súc qua biên giới; không làm thay đổi dòng chảy sông suối, đốt rừng làm nương trong vành đai biên giới.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top