Kiến nghị xem xét, thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) theo quy trình 3 kỳ họp

10:27 - Thứ Năm, 08/11/2018 Lượt xem: 13844 In bài viết

Chiều 7-11, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, trong tình hình hiện nay, việc sửa đổi Luật Thi hành án hình sự năm 2010 được đặt ra rất cần thiết nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và  khắc phục những khó khăn, vướng mắc sau 8 năm thực hiện Luật.

 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Mục đích của việc xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nghiêm minh bản án, quyết định của tòa án, tính thống nhất của chính sách hình sự, kết hợp trừng trị và giáo dục, cải tạo người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật có 231 điều, được chia thành 16 chương. So với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự thảo Luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án, quyết định về đình chỉ hoạt động có thời thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Tiếp đó, tại báo cáo thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu, trong thời gian ngắn, Chính phủ đã rất cố gắng tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp để chỉnh lý hồ sơ dự án Luật và gửi Quốc hội đúng thời hạn quy định. Tuy nhiên, về nội dung, qua xem xét kỹ, thì để bảo đảm chất lượng của dự án Luật, nhiều vấn đề cần được hoàn thiện như báo cáo đánh giá tác động còn sơ sài, chưa nêu được đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của nhiều chính sách, nội dung mới, quan trọng, cơ bản của dự án Luật; dự án Luật vẫn còn tới 13 điều giao Chính phủ quy định chi tiết; tài liệu về kinh nghiệm quốc tế trong hồ sơ dự án Luật còn hình thức, chưa sát với nội dung... 

Về thời gian xem xét, thông qua, do đây là dự án Luật rất quan trọng, có tính chất phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, nên bên cạnh yêu cầu khẩn trương thì dự luật cần phải bảo đảm chất lượng và tính khả thi khi được thông qua.

"Ủy ban Tư pháp đề nghị dự án Luật này cần được hoàn thiện thêm để bảo đảm chất lượng, tính khả thi và các điều kiện khác theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật" - Bà Lê Thị Nga nêu. 

Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội cho xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 3 kỳ họp để có đủ thời gian cần thiết thảo luận, hoàn thiện dự án Luật bảo đảm chất lượng, nhất là với các vấn đề mới, chưa có thực tiễn ở Việt Nam.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn. Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2019) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ tám (tháng 10-2019).

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top