Cấm sử dụng kháng sinh để kích thích tăng trưởng

10:44 - Thứ Năm, 08/11/2018 Lượt xem: 11908 In bài viết

Chiều 7-11, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và tiếp tục thảo luận về những điều còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Chăn nuôi.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng.

Dự án Luật Chăn nuôi đã được Bộ NN-PTNT và Chính phủ xây dựng, trình tại kỳ họp thứ 5 vừa qua để các đại biểu Quốc hội thảo luận. 

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và ở hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Bộ NN-PTNT – cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Chăn nuôi, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật này.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi tại phiên họp toàn thể chiều 7-11 ở hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, các đại biểu đã có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng chăn nuôi và an toàn thực phẩm. Đề nghị tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính.

Tiếp thu ý kiến nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh sửa, bổ sung các quy định về thức ăn chăn nuôi. Do đó, dự thảo luật đã giảm đáng kể nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. 

Để kiểm soát các chỉ tiêu an toàn đối với sức khỏe con người ngay trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi bên cạnh việc kiểm soát đầu vào của sản xuất thức ăn chăn nuôi và hậu kiểm. Đồng thời, để hạn chế việc trùng lặp, chồng chéo trong việc thanh tra, kiểm tra sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như nghiên cứu, kế thừa quy định về kiểm tra nhà nước quy định tại Luật An toàn thực phẩm, dự thảo Luật Chăn nuôi đã bổ sung quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Đối với quy định về khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, dự thảo luật đã chỉnh sửa theo hướng chỉ khảo nghiệm đối với thức ăn chăn nuôi lần đầu được nhập khẩu, thức ăn sản xuất trong nước có chứa chất mới chưa qua khảo nghiệm; doanh nghiệp tự khảo nghiệm tại các cơ sở khảo nghiệm đủ điều kiện theo quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng thức ăn do mình sản xuất.

Một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa các quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh cho chặt chẽ, tránh tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và phù hợp với quy định của pháp luật về thú y.

UBTVQH đã chỉnh sửa và quy định nghiêm cấm “sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam”, “sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng”.

Điều 12 của dự thảo Luật Chăn nuôi quy định như sau: Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Chăn nuôi trang trại trong khu dân cư; chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã trừ nuôi động vật cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm. 

2. Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. 
3. Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam. 
4. Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.
5. Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống vật nuôi. 
6. Xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm. 
7. Nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
8. Nhập khẩu, kinh doanh, chế biến thịt, nội tạng của vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.
9. Nhập khẩu, chăn nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen.
10. Sử dụng, đưa các hóa chất, vật thể vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.
11. Thông đồng, gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp lĩnh vực chăn nuôi.
12. Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật về môi trường.
13. Gian dối trong kê khai chăn nuôi.
14. Cản trở, phá hoại hoạt động chăn nuôi hợp pháp.

 

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top