Thảo luận dân chủ, đưa nghị quyết vào cuộc sống(*)

16:59 - Thứ Tư, 05/12/2018 Lượt xem: 11117 In bài viết

(Phát biểu của Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV)

... Đây là kỳ họp cuối năm, cũng là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để HĐND tỉnh nhìn lại và đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2018, cũng như nửa nhiệm kỳ đã qua, thảo luận các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2019 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2016-2021.

 

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam phát biểu tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV. 

Qua theo dõi tình hình chung của tỉnh, các báo cáo của UBND, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cho thấy hoạt động của HĐND tỉnh Điện Biên đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả. Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh đã có nhiều cố gắng, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, tạo tác động lan toả, thúc đẩy kinh tế toàn vùng Trung du và Miền núi phía Bắc phát triển. Năm 2018, tỉnh đã có bước phát triển ấn tượng, các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng cao so với cùng kỳ. GRDP tăng 7,15% so với năm 2017, đạt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh và kế hoạch đề ra, trong đó các chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; Công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ, du lịch; Xuất nhập khẩu; Tài chính - Ngân hàng; vốn đầu tư toàn xã hội... tăng khá, tạo thêm nguồn lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng phát triển của tỉnh Điện Biên. Tỉnh đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ. Cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, tập trung vào các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Điện Biên đã có sự đột phá, vươn lên trong bảng xếp hạng chung của cả nước. Các hoạt động tư pháp, công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm… Những kết quả trên góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần vào thành công chung của cả nước.

Để đạt được những thành tựu đó, có sự đóng góp quan trọng của HĐND và của từng đại biểu HĐND tỉnh. Hoạt động của HĐND tỉnh Điện Biên thời gian qua tiếp tục được đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường dân chủ, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của cấp ủy thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định. HĐND tỉnh đã lựa chọn, xem xét đúng và trúng nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, để quyết định, ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi. Hoạt động giám sát được chú trọng; chất lượng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo được nâng cao. Công tác phối hợp hoạt động giữa HĐND với UBND, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành thường xuyên và chặt chẽ hơn. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh đã khẳng định vị thế, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương ngày càng sát với thực tiễn, sát dân, sát cơ sở, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin chia vui và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Điện Biên đã đạt được trong thời gian qua.

Đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Năm 2019 và những năm tiếp theo tình hình thế giới, khu vực sẽ có nhiều diễn biến khó lường; kinh tế trong nước đang có đà phát triển nhưng cũng còn nhiều thách thức. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ nhằm chống phá cách mạng nước ta. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp… Những vấn đề trên đòi hỏi cấp ủy Đảng, Chính quyền các địa phương phải quyết tâm cao, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và có các giải pháp thực thi mới có thể hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã đề ra.

Đối với Điện Biên, là tỉnh miền núi, biên giới, xuất phát điểm còn thấp, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, đặt ra những nhiệm vụ cho Đảng bộ, chính quyền trong đó có HĐND tỉnh phải tiếp tục đổi mới, nỗ lực sáng tạo trong tổ chức và hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân giao phó, làm tốt chức năng của cơ quan dân cử.

Chương trình kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Điện Biên có rất nhiều nội dung quan trọng đòi hỏi các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thảo luận dân chủ và quyết định nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Tôi đồng tình với nhiều với nhiều chủ trương, giải pháp đã đề ra trong các báo cáo. Tôi xin trao đổi thêm một số điểm sau:

1- HĐND, Thường trực HĐND cần bám sát các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để cụ thể hóa các chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Việc quyết định các chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cần bám sát đặc điểm, điều điện đặc thù, trên cơ sở xác định đúng lợi thế so sánh, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với địa phương, bảo đảm tính khả thi. Các chủ trương chính sách của HĐND khi ban hành phải đúng và trúng vấn đề để từ đó phát huy được hiệu quả. Để làm được điều này, cần có sự đánh giá tác động, dự báo các thuận lợi, khó khăn khi nghị quyết có hiệu lực, thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách; cần xác định rõ các nội dung lấy ý kiến phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nội dung nào cần thiết, bức xúc, vì lợi ích của nhân dân và cử tri thì phải nghiên cứu để làm ngay, tránh việc phải chờ đợi xin ý kiến, xin chủ trương.

2- Cần chú trọng khâu giám sát việc tổ chức thực hiện các quyết định về kinh tế - xã hội, các nghị quyết về giám sát chuyên đề. Sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND phải tổ chức giám sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện nghị quyết của UBND cùng cấp và các cơ quan có liên quan để kiểm chứng về tính phù hợp thực tiễn, tính khả thi của các nghị quyết. Những vấn đề chưa phù hợp trong nghị quyết cần được Thường trực HĐND cấp tỉnh trao đổi với UBND và trình HĐND xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã triển khai việc giám sát lại đối với việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là kinh nghiệm quý cho HĐND các tỉnh, thành phố vận dụng và tổ chức ở địa phương.

Cùng với việc giám sát việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, HĐND các tỉnh cần chủ động phối hợp với các Đoàn ĐBQH trong giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại địa phương đảm bảo nghiêm túc, theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trong trường hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại địa phương, cơ sở chưa phù hợp, thống nhất.

3- Đổi mới, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng của HĐND; đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; chú trọng công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp; bảo đảm đúng quy trình, nội dung kỳ họp, xây dựng và thông qua các Nghị quyết, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động thẩm tra, giám sát của các Ban, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND. Thường trực HĐND tỉnh cần tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đồng thời giữ mối liên hệ chặt chẽ với Ban Công tác đại biểu và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình hoạt động để tạo sự kết nối giữa Trung ương và địa phương, nâng cao chất lượng và hiệu quả  hoạt động.

4- Tiếp tục nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động của người đại biểu hội đồng nhân dân. Hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuốc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của các vị đại biểu HĐND, nhất là đại biểu HĐND chuyên trách. Cần tạo không khí dân chủ trong các hoạt động của HĐND để đại biểu HĐND phát huy khả năng, trí tuệ, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử. Đồng thời quan tâm đổi mới và tăng cường công tác thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu, thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, trình độ chuyên môn cho đại biểu HĐND. Bên cạnh đó, mỗi vị đại biểu HĐND cũng phải thường xuyên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và hiểu biết đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn.

5- Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Việc kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phải bám sát các chỉ đạo của Trung ương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đồng thời phát sát hợp với thực tế ở địa phương, tránh việc làm cơ học, hình thức.

6- Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Đây là nội dung giám sát rất quan trọng trong hoạt động của cơ quan dân cử. Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ các bước, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 85 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu, các văn bản hướng dẫn của cấp trên để việc lấy phiếu diễn ra thành công, các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao trách nhiệm thay mặt nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm đối với các vị được HĐND bầu thật dân chủ, khách quan, thận trọng, công tâm và chính xác để kết quả lấy phiếu sẽ thực sự là động lực để người được lấy phiếu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Với tinh thần trên, tôi tin tưởng kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV sẽ thành công tốt đẹp. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và thành tựu đạt được, thu được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh, xứng đáng là một mảnh đất lịch sử oai hùng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu...

(*) Đầu đề do tòa soạn đặt. 

Bình luận
Back To Top