Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV

Đại biểu tiếp tục nghe và nghiên cứu báo cáo, tờ trình

17:29 - Thứ Tư, 05/12/2018 Lượt xem: 11691 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình của ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV, chiều nay (5/12), đại biểu dành phần lớn thời gian tập trung nghe, nghiên cứu thêm 12 báo cáo, tờ trình của HĐND, UBND và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh. 

Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tờ trình tại kỳ họp.

Trong đó, UBND tỉnh trình một số tờ trình quan trọng, có liên quan trực tiếp đến chế độ, chính sách và đời sống dân sinh, như: Tờ trình về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; việc ban hành Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên; việc giao biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập năm 2019; giao số lượng người làm việc cho các hội có tính chất đặc thù thuộc tỉnh Điện Biên năm 2019; việc ban hành Nghị quyết Quy định loại phương tiện, hình thức và mức hỗ trợ phương tiện nghe - xem thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên; việc quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Thực hiện Quyết định số 1896/QĐ-BNV ngày 17/8/2018 của Bộ Nội vụ về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019, tại tờ trình việc giao biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập năm 2019; giao số lượng người làm việc cho các hội có tính chất đặc thù thuộc tỉnh Điện Biên năm 2019, UBND tỉnh dự kiến giao 2.223 biên chế công chức năm 2019, cắt giảm 48 biên chế so với số được giao năm 2018. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện cắt giảm 358 người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, trong đó sẽ cắt giảm theo tỷ lệ chung là 2,5% (trừ sự nghiệp giáo dục và đào tạo cấp huyện sẽ cắt giảm tỷ lệ thấp hơn). Đối với số lượng người làm việc trong các hội có tính chất đặc thù, năm 2019 đề nghị giữ nguyên so với năm 2018.

Để có căn cứ thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tại tờ trình về việc Quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên dự kiến hỗ trợ kinh phí thực hiện cho Ủy ban MTTQ cấp xã với mức 20.000.000 đồng/năm/xã; riêng xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn (xã khu vực III, khu vực II, khu vực I) thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020, thì mức chi là 25.000.000 đồng/năm/xã. Đối vi Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư sẽ hỗ trợ 5.000.000 đồng/năm/khu dân cư có quy mô dân số dưới 700 hộ; khu dân cư có quy mô dân số từ 700 hộ trở lên, cứ tăng thêm 200 hộ dân thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/năm/khu dân cư, bố trí thêm 1.000.000 đồng/năm/khu dân cư thuộc xã đặc biệt khó khăn.

 

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Tại tờ trình về việc ban hành Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên, với mục đích nhằm phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng của tỉnh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung và có vị trí, thương hiệu trên thị trường nông sản, góp phần thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; UBND tỉnh quy định các đối tượng được hưởng hỗ trợ, bao gồm: gia đình, cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; người tham gia phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh; Ban Quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới xã/Ban Quản lý dồn điền - đổi thửa cấp xã, Hợp tác xã nông nghiệp, Ban phát triển thôn, bản có diện tích thực hiện dồn điền, đổi thửa. Hoạt động hỗ trợ áp dụng trong các lĩnh vực liên quan: phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, thú y, sản xuất, phát triển lâm nghiệp, phát triển cây hoa Anh đào, phát triển thủy sản...

Đối với Tờ trình về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh dự kiến tổng diện tích quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh sau rà soát, điều chỉnh là 694.753 ha, chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh (trong đó: Đất có rừng 371.908,78 ha, đất chưa có rừng 322.844,22 ha). Các loại rừng quy hoạch, bao gồm: rừng đặc dụng 51.664,55 ha, (chiếm 7,44% đất lâm nghiệp); rừng phòng hộ 416.163,45 ha (chiếm 59,90%); rừng sản xuất 226.925 ha (chiếm 32,66%). Mục tiêu hướng đến là gắn quy hoạch 3 loại rừng với việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, từng bước nâng cao độ che phủ rừng, phấn đấu đạt 45% vào năm 2025, và 48% vào năm 2030...

Cũng tại phiên làm việc này, HĐND tỉnh tiến hành miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với 2 đồng chí: Hoàng Tiến Dũng, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, có quyết định nghỉ chế độ hưu trí từ ngày 1/11/2018 và đồng chí Nguyễn Ngọc Kỷ, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông do tình trạng sức khỏe. Đồng thời, thông qua danh sách 28 đồng chí hiện đang giữ các chức vụ do HĐND tỉnh bầu sẽ lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp lần này.

Ngày mai (6/12), đại biểu HĐND tiếp tục chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng. 

Tin, ảnh: Hà Linh - Phạm Quang
Bình luận
Back To Top