Nhà báo Hoàng Văn Thành: Cả đời “trăn trở” vì người nghèo Điện Biên

19:13 - Thứ Năm, 13/12/2018 Lượt xem: 25252 In bài viết

ĐBP - Là người làm báo, chúng tôi có cơ hội được đi nhiều nơi trên mọi miền đất nước, nhưng khi lên với vùng đất Điện Biên lịch sử “chấn động địa cầu”, mới thật sự cảm nhận được niềm vinh dự, tự hào… của những người làm báo, mà đồng nghiệp Báo Điện Biên Phủ đã “khắc ghi” thương hiệu trong lòng người nghèo các dân tộc nơi đây. Đặc biệt, người được bà con các dân tộc khắp các huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Chà... nhắc đến nhiều nhất anh Hoàng Văn Thành, nguyên Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ. Trong suốt hơn 20 năm lăn lộn với nghề báo ở mảnh đất Điện Biên, anh luôn trăn trở, “đau đáu” vì đời sống của người nghèo nơi miền biên giới cực Tây Tổ quốc.

 

Nhà báo Hoàng Văn Thành trao quà cho học sinh nghèo Điện Biên.

Đến nay đã gần 10 năm bước chân vào làng báo, nhưng trong tôi còn lưu giữ mãi kỷ niệm đầu tiên khi về Báo Điện Biên Phủ (năm 2010). Khi “vừa chân ướt, chân ráo” về cơ quan, Tổng Biên tập Hoàng Văn Thành đã gọi tôi vào giao nhiệm vụ: “Chú về chuẩn bị đi theo anh lên xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa làm từ thiện. Tôi thật sự ngỡ ngàng, bởi công việc được giao không phải làm chuyên môn, mà lại là chuyến đi từ thiện, đến xã vùng sâu, vùng xa… gian khó bậc nhất huyện nghèo của Điện Biên.

Và rồi trong chuyến đi cùng anh, tôi đã vỡ lẽ ra rất nhiều, được học hỏi chuyên môn, nghiệp vụ từ việc làm ý nghĩa và nhất là cái “tâm” của vị “thủ lĩnh” Báo Điện Biên Phủ luôn “đau đáu” vì người nghèo. Trên đoạn đường hơn 100km, cua gấp chênh chao, trơn trượt, có đoạn cả đoàn phải xuống đẩy xe, đi bộ, anh tâm sự, như lời dạy bảo: “Làm báo ở vùng cao không giống ở đồng bằng được. Phải trải nghiệm, lăn lộn cùng với đời sống người dân mới có được tác phẩm hay, ý nghĩa và nhất là phải mang tiếng nói của Đảng giúp đỡ người nghèo, giúp thì có nhiều cách, nhưng làm sao phải bền vững mới là điều “cốt lõi”. Chuyến đi này, khi nghe thông tin nhiều gia đình người Mông ở xã Sín Chải đang đói vào mùa giáp hạt, anh đã vận động một nhà hảo tâm ở Hà Nội mang lên cho bà con 15 tấn gạo, chăn màn, quần áo… Khi đến địa điểm trao quà trụ sở UBND xã Sín Chải, chúng tôi mới thấy được ý nghĩa của “một miếng khi đói” anh Thành đã mang lên đúng thời đim cho người nghèo nơi đây. Cả đoàn chúng tôi dù có gian nan, vất vả vượt quãng đường rừng dốc ngược, nhiều lần phải lội bộ, đẩy xe chân tay tứa máu thì tất cả đã tan biến, bởi khuôn mặt vui sướng, rưng rưng, xúc động của bà con người Mông nhận phần quà hỗ trợ vào đúng mùa đói. Khi đó, ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Sín Chải thay mặt bà con phát biểu, nhưng mãi ấp úng, nghẹn lời chỉ nói được câu: “Bà con xã Sín Chải cảm ơn nhà báo nhiều lắm, người dân ở đây nghèo không phải vì lười lao động, mà mùa này thiếu nước nên cao nguyên đá không trồng cấy gì được, nhiều nhà nhịn đói ăn sắn, ngô, khoai… thay cơm. Chẳng biết nói gì hơn để cảm ơn tấm lòng nhà báo Điện Biên và anh Thành “râu” (tên mà nhiều người dân Điện Biên vẫn hay gọi một cách thân thương như vậy đối với anh Hoàng Văn Thành – nguyên Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ).

 

Nguyên Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ Hoàng Văn Thành trao đổi nghiệp vụ với nhà báo Hữu Thọ.

Chúng tôi ra về trong cái bắt tay rất chặt và những câu nói, nước mắt nghẹn ngào lòng biết ơn, tình cảm của người dân dành cho đoàn. Từ chuyến đi từ thiện đầu tiên và sau đó tôi được đi cùng anh nhiều chuyến khác lên với Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông… đến với người nghèo, xây trường học, giúp các gia đình phát triển kinh tế. Tôi đã học được bài học lớn từ anh, trưởng thành nghề báo cũng bắt đầu từ việc làm từ thiện. Việc làm của anh Hoàng Văn Thành, Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ lúc bấy giờ đã trở thành tấm gương, người tiên phong cho đồng nghiệp, phóng viên của Báo Điện Biên Phủ theo anh trên con đường thiện nguyện. Con đường thiện nguyện ấy đã cho ra đời nhiều phóng viên giỏi vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ. Những nơi khó khăn nhất, xa xôi nhất, thiếu thốn nhất…. của Điện Biên đều ghi dấu ấn của Báo Điện Biên Phủ. Người dân, chính quyền yêu quý, phóng viên dễ dàng có được thông tin, điều kiện tốt khi tác nghiệp. Việc làm thiện giúp người dân của anh Thành mang lại rất nhiều ý nghĩa cho những người làm nghề như chúng tôi.

 

Người dân xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông nhận quà do Báo Điện Biên Phủ hỗ trợ.

Trong suốt thời gian làm Báo Điện Biên Phủ và khi trên cương vị Tổng Biên tập, anh Thành luôn trăn trở, tâm sự anh em làm báo, bạn bè, đồng nghiệp… giúp được người nghèo, học sinh có được bộ quần áo ấm, miếng ăn đến trường là tốt. Nhưng làm thế nào, để có thể dần xóa được nghèo bền vững và lâu dài mới là điều cần phải làm ngay. Có lẽ chính vì điều này, nên anh Thành đã “mất ăn, mất ngủ” và rồi đi đến quyết định, Báo Điện Biên Phủ xin nhận 2 xã nghèo, khó nhất của huyện Điện Biên Đông là Phình Giàng, Pú Hồng để đỡ đầu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nói là làm và bắt tay vào làm “bài bản”, anh không quản ngại “ngược xuôi” kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm đầu tư kinh phí, hỗ trợ cho 2 xã phát triển kinh tế. Báo Điện Biên Phủ đã cử một phóng viên trực tiếp cắm địa bàn, xây dựng mô hình trồng trọt, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con cách phát triển kinh tế gia đình.  

Chỉ sau một thời gian ngắn, Quỹ hỗ trợ của Báo Hà Nội Mới, Tập đoàn Tân Tạo, thành phố Hồ Chí Minh, võng xếp Duy Lợi… đã ủng hộ, chung tay góp sức cùng việc làm “tâm đức” của Tổng Biên tập Hoàng Văn Thành. Hàng tỷ đồng vốn được hỗ trợ cho các hộ dân vay không lãi, phát triển các mô hình kinh tế. Có thời điểm, đích thân Tổng Biên tập Hoàng Văn Thành cùng anh em phóng viên Báo Điện Biên Phủ lặn lội đến với bà con, bắt tay đào ao thả cá, xây dựng công trình thủy lợi, chăm sóc đàn trâu bò và bạt đất đồi trồng măng bát độ. Bằng cách làm ấy, nhiều mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo được triển khai ở Phình Giàng, Pú Hồng của huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Nhà báo, người dân như anh em một nhà, Tổng Biên tập cùng Đảng ủy, chính quyền xã triển khai, vận động nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm… phát huy đồng vốn vay hiệu quả.

Nhắc lại chuyện 13 năm về trước, ông Vàng Giống Lầu, Bí thư Đảng ủy xã Phình Giàng, không khỏi xúc động: “Nói về người làm báo Điện Biên và nhất là lãnh đạo Thành, chúng tôi chẳng biết có lời nào hơn để diễn tả. Người Mông vốn “ăn thẳng, nói thật” không thích nói nhiều “ba hoa”. Chỉ nhìn vào đời sống bà con phát triển từ đàn dê, bò, gà, lợn… ao cá, ruộng lúa và rừng măng bát độ mà Báo đã giúp đỡ nguồn vốn, anh Thành vất vả, ngược xuôi mang về chúng tôi giờ coi nhà báo như người một nhà. Không những mang đến đồng vốn, dạy bà con cách làm mà công sức của anh Thành còn lớn lắm, nó mãi mãi trong lòng người dân, như việc xây nhà văn hóa cho bản Xa Vua A, B, C và làm trường học, xây nhà bán trú cho các em học sinh tiểu học cả tỷ đồng. Một con người như anh Thành, thật khó “vừa có tâm vừa có tầm”; giúp cho các cháu học sinh có được điều kiện học hành tốt nhất, để sau này làm nền tảng cho phát triển bền vững, lâu dài”.

Từ điểm khởi đầu xã Phình Giàng, Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông đã làm động lực, đòn bẩy cho người “đứng mũi chịu sào” anh Hoàng Văn Thành tiếp tục thực hiện nhiều công trình ý nghĩa trên khắp các địa bàn của tỉnh Điện Biên, như: Vận động xây dựng nhà bán trú cho học sinh ở thị trấn Điện Biên Đông; xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ; nhà đại đoàn kết huyện Điện Biên; mua bò cho người nghèo huyện Điện Biên, Mường Nhé, Tủa Chùa. Nhiều học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ ở huyện Điện Biên Đông, Nậm Pồ khi được hỏi cha mẹ mình là ai, chúng đều không biết; nhưng hỏi ở nhà bán trú được ấm áp, ăn uống sinh hoạt đảm bảo, chúng đều trả lời đấy là nhà bác Thành xây cho ở để học tập tốt. Trước khi chia tay Báo Điện Biên Phủ về đảm nhiệm cương vị Tổng Biên tập Báo Tài nguyên & Môi trường, anh đã vận động chùa Linh Sơn và nhà hảo tâm đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng Khu tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ tại huyện Điện Biên. Về thủ đô, trên cương vị mới với nhiều công việc nhưng hễ cứ nghe Điện Biên khó khăn, Điện Biên đang cần anh lại sốt sắng, lại đêm ngày suy tư và tìm cách đóng góp, giúp đỡ người nghèo.

Hơn hai mươi năm làm báo, gắn bó với mảnh đất Điện Biên là từng ấy thời gian anh Thành luôn trăn trở vì bà con nghèo, vì những hoàn cảnh khó khăn; giúp đỡ mọi người từ tâm. Giờ đây anh đã đi xa mãi mãi, nhưng những việc làm của anh sẽ không bao giờ xóa nhòa trong lòng người nghèo tỉnh Điện Biên. Tấm lòng và những việc làm ý nghĩa của anh đang tiếp tục “truyền lửacho những người làm báo Điện Biên hôm nay.

Kiên Cường
Bình luận
Back To Top