Phòng, chống tham nhũng từ kiểm soát người đứng đầu

09:39 - Thứ Hai, 17/12/2018 Lượt xem: 12002 In bài viết

ĐBP - Có thể nói, cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí chưa lúc nào mạnh mẽ, ráo riết, quyết liệt như lúc này. Với nhiều đại án lớn chưa từng có, liên quan đến các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu tưởng chừng như “không ai dám động đến” đã và đang bị đưa ra kỷ luật, xét xử. Mặc dù những bị can này vi phạm các quy định khác nhau của Ðảng, của pháp luật nhưng tựu trung vẫn là nhóm đối tượng vì lợi ích, quyền lợi cá nhân mà vi phạm. Ðó là những động thái từ Trung ương, theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), tuy nhiên, hiện nay có những luồng thông tin phản ánh trong dư luận xã hội cho rằng: Mặc dù tính răn đe qua việc xét xử các đại án tham nhũng là rất lớn, có ảnh hưởng sâu rộng, mang lại niềm tin trong nhân dân cả nước nhưng còn mang tính “trên nóng, dưới lạnh”. Nghĩa là chủ yếu ở cấp Trung ương, doanh nghiệp Nhà nước cỡ tập đoàn bị đưa ra ánh sáng công lý, còn ở các địa phương, nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng lãng phí vẫn ngang nhiên tồn tại. Chính vì vậy, việc xem xét, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, từ cấp thấp nhất trong bộ máy là một giải pháp cho vấn đề này.

Ðối với địa bàn miền núi như Ðiện Biên, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, số vụ, số đối tượng bị phát hiện tham nhũng, tài sản của Nhà nước và nhân dân bị thất thoát là không lớn. Trong năm 2018, Công an tỉnh đã thụ lý điều tra và đề nghị truy tố 1 vụ, 2 bị can tội tham ô tài sản; Viện Kiểm sát Nhân dân đã kiểm sát việc khởi tố 4 vụ, 9 bị can về tội tham ô tài sản; tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý và xét xử 3 vụ, 7 bị cáo phạm tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ… Công tác phòng, chống tham nhũng đã được Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Nội chính và ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm. Tập trung phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 “tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Chỉ thị số 50-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”... Trong đó, việc phát huy, gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một mục tiêu nhằm kiểm soát ngay từ cơ sở.   

Việc kiểm soát, phát hiện, xử lý tham nhũng ngay từ cơ sở là rất cần thiết đối với khu vực vùng cao, biên giới như tỉnh ta. Nguyên nhân là dù giá trị, quy mô kinh tế không lớn, không sôi động như những trung tâm kinh tế ở miền xuôi nhưng phải nhìn nhận thực tế là vẫn có những dấu hiệu của “tham nhũng vặt”, “tham nhũng chính sách”. Ðặc biệt là “tham nhũng chính sách” (điển hình là việc kêu gọi thu hút đầu tư chính sách thiếu hiệu quả, sai quy mô) - dạng tham nhũng rất nguy hiểm cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững. Bởi khi nhìn nhận bên ngoài, người dân tưởng chừng như được hưởng lợi do được đầu tư nhưng thực chất thì công trình, dự án hạ tầng đó không mang lại hiệu quả, gây thất thoát nguồn lực Nhà nước. Trong khi, những nguồn lợi kinh tế, bằng nhiều cách được chuyển đến các cá nhân đại diện chủ đầu tư! “Tham nhũng vặt” cũng là mối nguy tiềm tàng, bởi cách thức ăn chặn, “xà xẻo” những phần nhỏ nhoi của người nghèo, đối tượng chính sách là cách “ăn” không gì xấu xa hơn. Ðương nhiên, khi bị phát hiện, đây là dạng tham nhũng gây phẫn nộ đối với đồng bào vùng cao vốn còn mang đậm tính cộng đồng, làng bản. Và còn gì nguy hiểm hơn khi người dân vùng biên - những “cột mốc sống” trong giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia mất niềm tin vào cán bộ, cấp ủy, chính quyền cơ sở!

Ðể tham nhũng phải có quyền lực, dù quyền lực đó chỉ trong phạm vi nhỏ. Do đó trách nhiệm của người đứng đầu, từ cấp cơ sở trước hết là phải kiểm soát được bản thân, gương mẫu; tăng cường sự giám sát với cấp dưới, lãnh đạo mang tính nhân văn, đúng chủ trương, đường lối. Từ đó, tham nhũng, lãng phí sẽ được khống chế.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top