Nậm Pồ xây dựng “biên giới lòng dân” vững chắc

10:56 - Thứ Sáu, 28/12/2018 Lượt xem: 9122 In bài viết

ĐBP - Là huyện biên giới còn nhiều khó khăn về hạ tầng kinh tế, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Ðể giữ vững ổn định địa phương, tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với nước bạn Lào, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang huyện Nậm Pồ tập trung xây dựng, củng cố thế trận “biên giới lòng dân” ngày một vững chắc.

 

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) phối hợp với lực lượng biên phòng Nậm Khăn (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phoong Sa Ly, nước CHDCND Lào) cùng đại diện nhân dân 2 bên tổ chức tuần tra song phương đường biên cột mốc.

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Nậm Pồ có đường biên giới quốc gia dài 119,7km giáp với 3 huyện: Mường Mày, Săm Phằn, Phoong Sa Ly (tỉnh Phoong Sa Ly, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào). Toàn huyện có 8/15 xã với 49 bản giáp với các cụm bản của nước bạn. Trên địa bàn huyện có 1 cửa khẩu phụ (Si Pa Phìn - Huổi Lả);  2 lối mở (Nà Bủng - Nậm Khăn, Nậm Ðích - Huổi Lả). Hiện nay có 5 đồn biên phòng: Si Pa Phìn, Nà Hỳ, Nà Bủng, Nậm Nhừ, Na Cô Sa đứng chân trên địa bàn, quản lý, bảo vệ 42 cột mốc biên giới. Những năm qua, công tác biên phòng toàn dân và đối ngoại biên giới luôn được huyện đặc biệt chú trọng. Trong đó, thế trận “biên giới lòng dân” - một trong những nội dung cốt lõi của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; khơi dậy, phát huy nhân tố chính trị, tinh thần của nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp... thường xuyên được củng cố.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP), Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh, lực lượng biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các phong trào cho đoàn viên thanh niên, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị phát huy tình quân dân như: Giúp dân khai hoang ruộng, chăm sóc, thu hoạch mùa vụ, làm nhà tình nghĩa; đóng góp ngày công giúp người dân ổn định cuộc sống, xây dựng trường học; kêu gọi xã hội hóa, tặng quần áo, khăn ấm, giày dép… cho học sinh. Ðiển hình là Ðồn Biên phòng Nà Bủng với chương trình “Nâng bước em tới trường” đã phối hợp, đóng góp hơn 200 ngày công xây dựng 3 điểm trường trên địa bàn xã Vàng Ðán; huy động lực lượng cùng chính quyền và người dân san mặt bằng, làm nhà tái định cư cho người dân bản Ngải Thầu 2, xã Nà Bủng.

Thực hiện Ðề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2017 - 2021”, đoàn thanh niên các đồn biên phòng đã phối hợp với đảng ủy các xã tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với chủ đề “Biên giới, pháp luật với dân bản” với sự tham gia của hơn 2.100 người dân trên địa bàn. Hình thức tuyên truyền được đổi mới với việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, thuyết minh, phụ đề song ngữ để đồng bào tiếp cận một cách trực quan, dễ hiểu nhất. Qua các đợt cao điểm tuyên truyền đã giúp đoàn viên thanh niên và người dân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng thù địch và các loại tội phạm; thúc đẩy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng biên phòng với người dân và chính quyền địa phương trong bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh trật tự địa bàn, xây dựng đời sống văn hóa dân cư. Ðồng thời, góp phần củng cố vững chắc thế trận “biên giới lòng dân”.

Cùng với công tác dân vận nội biên, phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa 2 nước Việt Nam - Lào, công tác đối ngoại nhân dân với 3 huyện của tỉnh Phoong Sa Ly luôn được Ðảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Nậm Pồ duy trì, phát triển. Sau ngày chia tách, thành lập (tháng 6/2013), huyện Nậm Pồ đã mời lãnh đạo 3 huyện Mường Mày, Săm Phằn, Phoong Sa Ly sang thăm và hội đàm chính thức thiết lập quan hệ thường niên. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền các xã, cụm bản biên giới của 2 bên tổ chức hội đàm luân phiên để trao đổi thông tin. Từ đó, đề ra biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời những vi phạm về hiệp định, quy chế biên giới mà 2 nước đã ký kết nhằm giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới. Ðồng thời, tổ chức cho nhân dân 2 bên giao lưu, thăm thân, hỗ trợ, giúp nhau về sản xuất, đời sống, phát triển trao đổi hàng hóa. Ðến nay, đã có 2 cặp kết nghĩa bản - bản, gồm: Bản Tân Phong 1 (xã Si Pa Phìn) kết nghĩa với bản Huổi Lả (Cụm bản Nà Lầm, huyện Mường Mày), bản Nậm Ðích (xã Chà Nưa) kết nghĩa với bản Huổi Hịa (huyện Mường Mày) thống nhất hàng năm tổ chức gặp mặt, trao đổi thông tin theo hình thức luân phiên. Qua các lần hội đàm, gặp mặt, cấp ủy, chính quyền và nhân dân 2 bên biên giới có dịp trao đổi thông tin trên các lĩnh vực để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thống nhất chương trình hành động giữ vững an ninh địa bàn, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top