Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ

08:59 - Thứ Sáu, 11/01/2019 Lượt xem: 11422 In bài viết

ĐBP - Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vì vậy từ nhiều năm qua, tỉnh đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) gắn với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Nhờ đó, trình độ đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh từng bước được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ.

 

Cán bộ bộ phận “Một cửa” UBND phường Mường Thanh hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Gia Kiệt

Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo từng giai đoạn và những năm tiếp theo; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tập trung vào cán bộ thuộc chức danh lãnh đạo, quản lý đã được bổ nhiệm nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định; CBCCVC được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý và nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng lực công tác đạt chuẩn và trên chuẩn cho CBCCVC các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ cán bộ công chức cấp cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện toàn diện cả về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học… theo từng chức danh, ngạch, bậc, đáp ứng yêu cầu của từng ngành, từng cấp, cơ quan, đơn vị và vị trí việc làm. Riêng trong năm 2018, hơn 30.000 lượt CBCCVC toàn tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng (hơn 2.700 lượt cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện, đại biểu HÐND cấp tỉnh, cấp huyện; đào tạo, bồi dưỡng viên chức trên 23.000 lượt người; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đại biểu HÐND cấp xã gần 3.500 lượt người).

Quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, trong năm 2018 các cơ quan, đơn vị huyện Tuần Giáo đã cử 3.856 lượt người đi đào tạo, bồi dưỡng về các lĩnh vực: chuyên môn nghiệp vụ, quản lý Nhà nước, lý luận chính trị, kiến thức kỹ năng chuyên ngành, kỹ năng lãnh đạo quản lý… Ông Vũ Văn Ðức, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, khẳng định: Sau đào tạo, bồi dưỡng từng CBCCVC có sự chuyển biến tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có khả năng vận dụng các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn để thực hiện và tổ chức điều hành đạt hiệu quả cao; vận dụng kiến thức đã học vào quá trình thực thi công vụ, vào chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, số lượng cán bộ công chức bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều; đội ngũ cán bộ cấp xã chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân chủ yếu là do chỉ tiêu phê duyệt đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng quản lý Nhà nước còn ít so với kế hoạch và nhu cầu thực tế.

Nâng cao chất lượng CBCCVC gắn liền với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, của cơ quan, đơn vị, địa phương; tỉnh quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích CBCCVC nữ, người dân tộc thiểu số; CBCCVC công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kế cận. Tỉnh tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; tiêu chuẩn về hạng chức danh nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định, theo vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ cho CBCCVC. Chú trọng bồi dưỡng văn hóa công sở, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế… Mục tiêu của tỉnh đặt ra đến năm 2020, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý từ trưởng, phó phòng trở lên có trình độ từ đại học trở lên và được đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng về quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh. 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, 65% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm. Ðảm bảo hàng năm ít nhất có 80% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ; ít nhất 60% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ. Bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc cơ quan, đơn vị, nhất là cán bộ trong quy hoạch, cán bộ đang giữ chức vụ nhưng còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn về quản lý Nhà nước, lý luận chính trị, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý… đến hết năm 2021, 100% CBCCVC được bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top