Xanh đất chiến trường

09:40 - Thứ Ba, 22/01/2019 Lượt xem: 10280 In bài viết

ĐBP - Mùa xuân năm 1958 - xuân mở đầu Kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế - văn hóa của miền Bắc xã hội chủ nghĩa (giai đoạn 1958 - 1960), Trung đoàn 176 cùng Sư đoàn 316 hành quân trở lại Ðiện Biên. Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, ngày 10/3/1958, Bác Hồ và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Trung ương Ðảng, Chính phủ và Quân ủy Trung ương đến thăm, động viên đơn vị. Bác căn dặn: “... Ðơn vị các chú có một trong những nhiệm vụ chính là tham gia sản xuất, nói rõ là sản xuất nông nghiệp, đánh giặc trong nông nghiệp phức tạp hơn đánh giặc thực dân, phải chuẩn bị đánh cho thắng...”. Lời căn dặn là động lực để Trung đoàn vượt khó băng rừng để sau 20 ngày - ngày 5/4 đơn vị có mặt tại Ðiện Biên Phủ.

Ngày 8/5/1958, Nông trường Quân đội Ðiện Biên được thành lập trực thuộc Cục Nông - Binh, Bộ Quốc phòng gồm 1.954 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 176. Tổ chức Nông trường khi đó gồm: Nông trường bộ, các phòng ban trực thuộc và 23 đơn vị sản xuất, mỗi đơn vị sản xuất là 1 đại đội (gọi tắt là C) thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, làm giao thông, thủy lợi, cơ khí, máy kéo vận tải, sản xuất vật liệu kiến thiết cơ bản... Các C được bố trí xen kẽ với các xã toàn vùng lòng chảo Ðiện Biên và khu vực Mường Ảng, Tuần Giáo. Cuối năm 1959, Nông trường được bổ sung lực lượng thanh niên xung phong đầu tiên gồm 162 nữ thanh niên Thủ đô Hà Nội và 50 nữ thanh niên tỉnh Thái Bình. Thực hiện cuộc vận động “Lấy Nông trường làm gia đình, lấy Tây Bắc làm quê hương”, cán bộ chiến sĩ và thanh niên xung phong Nông trường vận động người thân đi xây dựng kinh tế Tây Bắc. Lực lượng ấy tập trung khai hoang, cải tạo đồng ruộng để phát triển sản xuất; đồng thời hướng dẫn đồng bào các dân tộc phương thức canh tác, ổn định đời sống và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Ðiện Biên.

 

Ông Bùi Ðam, nguyên Phó Giám đốc; bà Hồ Thị Hương, nguyên Chủ tịch Công đoàn Nông trường Ðiện Biên ôn lại kỷ niệm những ngày vỡ đất phủ xanh đất chiến trường xưa. Ảnh tư liệu

Sau 3 năm vừa khai hoang, cải tạo bãi chiến trường ngổn ngang bom đạn thành đồng ruộng; vừa tổ chức sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Ðiện Biên, Nông trường đã khai hoang được 1.108ha đất, trồng được 38ha cà phê, 830ha cây lương thực và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Nông trường. Thời điểm đó, Công đoàn và Ðoàn Thanh niên Nông trường gắn thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Nông trường khi đó là tiếp tục khai hoang, sản xuất lương thực, thực phẩm và phát triển cây cà phê theo phương châm: Sản xuất trước, quy hoạch sau; trồng trọt trước, xây dựng sau; lấy cây ngắn nuôi cây dài, trồng cây lâu năm và phát triển các ngành nghề khác; đồng thời hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.

Sang giai đoạn 1965 - 1969, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Tại Ðiện Biên Phủ, các đội sản xuất của Nông trường bị không quân Mỹ đánh phá liên tục làm 13 cán bộ, công nhân hy sinh, nhiều tài sản bị phá hủy gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong giai đoạn ác liệt đó, Công đoàn Nông trường đã phát động và tích cực tổ chức thực hiện các phong trào thi đua với khẩu hiệu “Giặc đến ta đánh giặc, giặc đi ta sản xuất; làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”; “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”… Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở các đội cũng phát triển mạnh. Tiếng hát, lời ca, các hoạt động thể dục thể thao đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao tạo sức mạnh để cán bộ, công nhân Nông trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn tưởng có lúc không thể vượt qua. Nhiều cán bộ, công nhân Nông trường đốt đuốc tổ chức sản xuất vào ban đêm cho kịp thời vụ. Nông trường đã lai tạo thành công giống lúa Ðiện Biên 1, Ðiện Biên 2 - là những giống lúa có năng suất, chất lượng cao đảm bảo giống tại chỗ cho Nông trường, hỗ trợ đồng bào địa phương sản xuất và gửi tặng đất nước Cu Ba anh em. Thời kỳ này, các đội sản xuất như: C8, C12, C6 là những đội tiêu biểu trong phong trào thâm canh cà phê giỏi; các đội: C5, C10 có phong trào thâm canh lúa, ngô giỏi được nhân rộng trong Nông trường. Sau chiến tranh phá hoại, được chuyển giao về tỉnh Lai Châu quản lý, Nông trường vừa xây dựng lại quy hoạch phát triển, vừa tổ chức sản xuất, xây dựng lại cơ sở vật chất, vừa phát triển mạng lưới giao thông thủy lợi, cải tạo đồng ruộng rồi thực hiện sản xuất kinh doanh theo quy hoạch mới của tỉnh. Dù ở giai đoạn nào, cán bộ, công nhân Nông trường đã đóng góp một phần công sức vào việc phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn cùng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Ðiện Biên phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, chung sức xây dựng mảnh đất lịch sử Ðiện Biên Phủ anh hùng.

 

Sau khi phiên hiệu Nông trường Quốc doanh không còn, thể theo nguyện vọng của đại đa số cựu chiến binh Trung đoàn 176, Cựu thanh niên xung phong Nông trường và những người nguyên là cán bộ, công nhân Nông trường, Ban Liên lạc Nông trường Ðiện Biên được thành lập vào ngày 8/5/1998. Ðến năm 2001, Ban Liên lạc Nông trường sáp nhập thêm lực lượng cựu thanh niên xung phong Nông trường Ðiện Biên, lấy tên là Ban Liên lạc E176 Nông trường Ðiện Biên. Hàng năm, Ban Liên lạc tổ chức gặp mặt nhân ngày truyền thống để cùng nhau nhớ về những ngày chung sức cải tạo và xây dựng Ðiện Biên gian khổ mà hào hùng. Nhớ về Nông trường còn là niềm tự hào, như ông Bùi Ðam, nguyên Phó Giám đốc Nông trường giai đoạn 1988 - 1994 nay là Phó Ban liên lạc E176 Nông trường Ðiện Biên: Từ lau lách, hoang vu và ngổn ngang vết tích chiến tranh ác liệt, cánh đồng Mường Thanh mênh mông với bờ vùng, bờ thửa thuận lợi cho canh tác lúa nước hôm nay là quá trình đi từ không đến có và phải đánh đổi bằng bao công sức, sự hi sinh của nhiều thế hệ cán bộ, công nhân Nông trường và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

*(Ghi theo lời kể của ông Bùi Ðam, nguyên Phó Giám đốc Nông trường Ðiện Biên).

Chí Nghĩa
Bình luận
Back To Top