Kỳ vọng gặt hái nhiều thành công trong năm 2019

10:39 - Thứ Tư, 23/01/2019 Lượt xem: 10007 In bài viết

ĐBP - Năm Mậu Tuất đã qua đi với nhiều dấu ấn đậm nét về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh ta. Ðó là thành quả của sự nhất trí, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Chào đón năm mới Kỷ Hợi 2019 cũng là năm nước rút thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII và phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2016 - 2020 bằng niềm vui, động lực mới. Báo Ðiện Biên Phủ đã ghi nhận niềm tin và những kỳ vọng của người dân về một năm thành công hơn, với quyết tâm: sự nỗ lực của mỗi cá nhân, tập thể sẽ làm nên thắng lợi của toàn tỉnh.

Ông Tòng Văn Quân, tổ dân phố 7, thị trấn Ðiện Biên Ðông (huyện Ðiện Biên Ðông)

Phát huy vai trò của người có uy tín tại cơ sở

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, an ninh trật tự được giữ vững và ổn định. Có được kết quả này, bên cạnh những chính sách đầu tư của Nhà nước, có sự đóng góp không nhỏ của người có uy tín tại cộng đồng dân cư.

 

Ông Tòng Văn Quân (thứ 2 từ phải sang) tuyên truyền, vận động tại khu dân cư.

Với trách nhiệm của mình, những người có uy tín đã tích cực hướng dẫn, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa. Thời gian gần đây, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đảng viên, người có uy tín đã có sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở cơ sở tham gia thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án được đầu tư trên địa bàn. Ðồng thời, thực hiện tốt quy ước, hương ước với các nội dung: Không thách cưới, không lấy vợ lẽ, không tảo hôn, ăn ở hợp vệ sinh, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan… Khi còn đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện hay khi đã nghỉ hưu, tôi vẫn quan tâm theo dõi tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện. Thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương biết phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín thì họ sẽ góp phần tích cực vào công tác vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương ở từng thôn, bản.

Ðối với huyện Ðiện Biên Ðông, tình hình di dịch cư tự do, sử dụng ma túy, tự tử bằng lá ngón có thời điểm diễn biến rất phức tạp. Phát huy những kiến thức, kinh nghiệm được học tập và thực tiễn công tác, tôi thường xuyên gặp gỡ, nắm tâm tư nguyện vọng chính đáng của bà con để kiến nghị, phản ánh với chính quyền địa phương từ đó có giải pháp giải quyết kịp thời và thấu đáo những vụ việc phát sinh từ cơ sở.

Trong năm mới Kỷ Hợi, tôi mong rằng, toàn tỉnh nói chung, huyện Ðiện Biên Ðông nói riêng sẽ phát huy những thành tựu đạt được trong năm 2018 để tiếp tục gặt hái thành công mới. Tôi cũng kỳ vọng cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy hơn nữa vai trò của đảng viên, cán bộ hưu trí, người có uy tín trong cộng đồng dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.

Mai Phương (ghi)

Anh Chu Quốc Khánh, thanh niên tiêu biểu xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo)

Thanh niên phải chủ động học hỏi, nỗ lực phấn đấu

Tôi tham gia công tác Ðoàn và tự thân lập nghiệp đến nay hơn 7 năm. Ngày đầu mới “khởi nghiệp” thuận lợi có mà khó khăn cũng nhiều, bởi bản thân vừa trẻ tuổi đời vừa non về kinh nghiệm nên gặp thất bại là điều không tránh khỏi. Mô hình kinh tế trang trại của tôi ban đầu có quy mô nhỏ, qua quá trình nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm tôi từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển tăng đàn vật nuôi. Ðến nay, tôi đã xây dựng thành công trang trại với diện tích 5,3ha gồm: 500m2 chuồng trại nuôi 50 con lợn, 1.500m2 ao nuôi cá giống và diện tích vườn cây. Trung bình mỗi năm tôi xuất bán 10 - 12 tấn lợn thịt, 300 - 400 con lợn giống; 2,5 - 3 tấn cá giống, 0,8 - 1 tấn gà thịt cho thu nhập từ 180 - 200 triệu đồng. Mô hình đã tạo thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 

Anh Chu Quốc Khánh trưng bày sản phẩm của trang trại tại gian hàng sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của thanh niên niên nông thôn.

Là 1 trong 30 thanh niên làm kinh tế giỏi nhiều năm và vinh dự được tuyên dương tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018, tôi thấy rằng: Năm 2018, tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, phong trào xây dựng nông thôn mới rất mạnh mẽ. Ðặc biệt là chính quyền các cấp đã tạo điều kiện cho nông dân, nhất là những thanh niên lập thân lập nghiệp từ chính mảnh đất quê hương. Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà tôi và nhiều bạn trẻ khác được vay vốn để bắt đầu con đường lập nghiệp.

Tuy nhiên thời gian qua, thanh niên dù được quan tâm, hỗ trợ tiếp cận với các chương trình dự án, song năng lực còn yếu. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của thanh niên nông thôn còn hạn chế. Vì thế, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, tôi mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của thanh niên nông thôn. Ðồng thời, tôi cũng mong các bạn thanh niên nông thôn nỗ lực phấn đấu hơn nữa, chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức, đổi mới cả suy nghĩ và hành động thì mới tạo bước đột phá trong cuộc sống.

Dương Phương (ghi)

Ông Phạm Bá Thiêm, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ)

Sớm triển khai dự án nâng cấp cảng hàng không

Tôi và nhiều người dân khác đều biết Ðiện Biên là tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước… Một trong những nguyên nhân là do giao thông cách trở. Xét về đường bộ thì Ðiện Biên cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 500km, chủ yếu đường đèo dốc; còn đường hàng không thì giá cả, chi phí cao nên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận. Là người đã gắn bó gần trọn cuộc đời với mảnh đất Ðiện Biên Phủ, tôi mong muốn Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên sớm được triển khai thi công.

 

Ông Phạm Bá Thiêm tìm hiểu thông tin qua báo chí.

Sân bay Ðiện Biên là cầu nối vận tải quan trọng giữa Ðiện Biên với thủ đô Hà Nội, các tỉnh, thành lớn trong cả nước và bạn bè quốc tế. Trong điều kiện địa hình chia cắt, giao thông đường bộ còn nhiều khó khăn, sân bay Ðiện Biên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc triển khai, xử lý các tình huống khẩn cấp, phục vụ an ninh - quốc phòng của quốc gia khi cần thiết. Mặt khác, Ðiện Biên là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển các loại hình du lịch, trong đó nổi bật nhất là quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ; các di tích lịch sử gắn với quá trình giữ đất, giữ nước có giá trị như: thành Bản Phủ và đền Hoàng Công Chất, thành Sam Mứn; hệ sinh thái rừng, sông, suối, hang động... Tôi tin rằng sẽ có sự tăng trưởng nhanh về lượng khách du lịch, đặc biệt du khách quốc tế khi cảng hàng không được nâng cấp, mở rộng. Hy vọng rằng sau khi hoàn thành nâng cấp, đưa vào khai thác, có thể mở thêm nhiều đường bay để người dân cả nước, khách quốc tế đến Ðiện Biên thuận tiện hơn, không phải qua nhiều chặng, tuyến. Ðồng thời, khi có nhiều đơn vị vào khai thác thì giá vé sẽ giảm để người dân có thể tiếp cận được với dịch vụ bay thuận lợi hơn.

Thành Ðạt (ghi)

Ông Nguyễn Tiến Nhật, Ðội trưởng đội 6, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên)

Dồn điền đổi thửa, sản xuất hàng hóa tập trung

Năm 2018, để xây dựng cánh đồng lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, đội 6 là 1 trong 3 đội của xã Thanh Hưng được lựa chọn và đã tiến hành dồn điền đổi thửa được 150.000m2. Ðội có 90/128 hộ có diện tích ruộng đều tham gia dồn điền đổi thửa và đang chuẩn bị sản xuất vụ chiêm xuân 2019. Kết quả này là sự quyết tâm, cố gắng của chính quyền từ huyện, xã đến nhân dân các thôn, đội với cách làm cụ thể như: Lập quy hoạch, công bố quy hoạch và tổ chức cắm biển quy hoạch ngoài thực địa; thành lập ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa cấp xã và các tiểu ban ở từng đội...

 

Ông Nguyễn Tiến Nhật nghiên cứu chính sách phát triển kinh tế.

Ban đầu khi mới nghe phổ biến công tác này, người dân trong đội có phần lo lắng bởi ruộng của đội 6 nằm xen kẽ với ruộng của nhiều đội khác. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên cơ bản người dân đã đồng thuận, ủng hộ bởi họ nhận thức việc dồn điền đổi thửa mang lại lợi ích và lợi nhuận cao. Nếu như trước đây, mỗi hộ có 4, 5 thửa ruộng cách xa nhau, đến giờ diện tích tập trung, thuận lợi cho sản xuất như: giảm chi phí phân bón, giống, công sức nhưng tăng năng suất, giải phóng sức lao động để người dân có điều kiện làm thêm nghề phụ, nâng cao thu nhập. Từ nhiều ô, thửa ở nhiều vị trí phân tán sau khi dồn điền đổi thửa sẽ giúp địa phương quy hoạch thuận tiện về: đồng ruộng, điểm dân cư, thủy lợi, giao thông nội đồng… đảm bảo cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Việc dồn điền đổi thửa trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, song trong năm 2019 và những năm tiếp theo, nông dân chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đầu tư kiên cố hóa đường nội đồng, hệ thống kênh mương nội đồng, hỗ trợ sản xuất theo hướng liên kết giữa các nhóm hộ, không hỗ trợ cá nhân; chuyển giao ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Về phía UBND xã Thanh Hưng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch dự toán kinh phí xây dựng giao thông, mương nội đồng, bàn giao đất cho bà con sản xuất.

Lan Phương (ghi)

Ông Lê Hữu Hùng, thôn C4, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên)

Phát huy giá trị lịch sử để giáo dục thế hệ trẻ

Tôi nhập ngũ năm 1952, khi vừa tròn 18 tuổi. Năm 1954 đơn vị của tôi (Ðại đội 34, Sư đoàn 316) được lệnh lên Ðiện Biên tham gia chiến đấu. Khi chiến dịch vào giai đoạn căng thẳng, trải qua những trận đánh ác liệt giữa ta và địch, giành giật từng tấc đất, từng đoạn chiến hào: Ðồi A1, sân bay Mường Thanh… Là lính công binh, tôi và đồng đội đã bất chấp hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ.

 

Cuộc sống bình dị của cựu binh Lê Hữu Hùng.

Sau khi giải phóng, đơn vị chúng tôi tiếp tục ở lại Ðiện Biên xây dựng kinh tế mới. Hạnh phúc vì chiến thắng, nhưng nhìn chiến trường ngổn ngang xác đạn pháo, bom mìn cũng không khỏi xót xa. Ðau lòng nhất là khi an táng đồng đội! Nhiều đồng chí hi sinh khi thân thể không còn vẹn nguyên... Hơn 6 thập kỷ trôi qua, nhưng ký ức về một thời khói lửa lại quay về mỗi dịp lễ, tết, nhất là dịp giải phóng Ðiện Biên, ngày thương binh liệt sĩ. Những dịp ấy, tôi cùng con cháu đi thăm các điểm di tích Ðiện Biên Phủ; thắp nén nhang tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống... Tôi muốn con cháu mình không bao giờ được phép quên lịch sử, quên các thế hệ đi trước đã chiến đấu, hi sinh như thế nào để có được hòa bình, no ấm như hôm nay.

Với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, của tỉnh, nhiều hiện vật, công trình, khu di tích, như: Ðồi A1, hầm Ðờ - cát, tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ… đã được trùng tu, tôn tạo. Việc làm ý nghĩa đó góp phần quan trọng vào việc đưa di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ trở thành một địa danh du lịch lịch sử. Ðặc biệt, đó cũng là những bài học quý báu để thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về sự hy sinh mất mát của thế hệ cha ông trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; từ đó không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, góp phần đưa hình ảnh thân thiện, giàu truyền thống cách mạng của mảnh đất và con người Ðiện Biên đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Phương Linh (ghi)

Ông Lò Văn Kẹo, bản Na Sang, xã Na Sang (huyện Mường Chà)

Mong “năm bản lề” có chuyển biến hơn nữa

ĐBP - Qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri cuối năm 2018, nhân dân bản Na Sang đã được lãnh đạo HÐND, UBND huyện Mường Chà và UBND xã Na Sang thông báo nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

 

Ông Lò Văn Kẹo, bản Na Sang, xã Na Sang phát triển kinh tế từ chăn nuôi thỏ.

Tiếp nối thành công, năm 2019 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết XIII Ðảng bộ tỉnh, tôi kỳ vọng huyện Mường Chà tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện thành công kế hoạch, nhiệm vụ, đạt được những kết quả tích cực hơn năm 2018. Ðặc biệt, người dân Mường Chà nói chung và người dân bản Na Sang nói riêng rất mong muốn các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện có những hành động cụ thể hơn đảm bảo đầu ra cho sản phẩm dứa Mường Chà. Qua đó, giúp nhân dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, bản Na Sang có 63ha dứa, lớn nhất của huyện Mường Chà. Nhờ cây dứa, mỗi năm bản Na Sang xóa được 8 - 10 hộ nghèo. Thời điểm này, thị trường dứa đã bão hòa, tiêu thụ khó hơn. Năm 2017, xã Na Sang đã thành lập Hợp tác xã Dứa Na Sang. Bước đầu, Hợp tác xã đã ký liên kết với một số tư thương ở Sơn La, Vĩnh Phúc, Hải Dương để tiêu thụ dứa. Tuy nhiên, liên kết này chưa ổn định, bền vững; người dân phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái, thụ động trong tiêu thụ sản phẩm. Năm 2018, thời điểm dứa đang thu hoạch rộ, nhưng khoảng 1 tuần liền không có thương lái đến mua, bà con phải bán đổ, bán tháo với giá rẻ.

Ðối với bản Na Sang, tôi mong muốn năm mới bản sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn, nhất là ý thức tham gia góp ý, xây dựng hoạt động phong trào. Trong các cuộc họp bản, họp chi bộ, các thành viên thuộc các tổ chức, đoàn thể, các chủ hộ phải đi họp đầy đủ để nắm được nội dung cuộc họp, về triển khai với gia đình. Từ đó, tạo sự thống nhất từ công tác chỉ đạo đến thực hiện, có như vậy mới thành công được.

Phạm Trung (ghi)

Bình luận
Back To Top