Trong trái tim người đã qua “bão lửa”

13:01 - Thứ Hai, 28/01/2019 Lượt xem: 10316 In bài viết

ĐBP - Năm 2019 này, tròn 65 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7/5/1954 - 7/5/2019) đang đến gần. Cùng với niềm vui xuân mới là niềm hạnh phúc vì Ðiện Biên đã và đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Ðặc biệt, với những chiến sĩ Ðiện Biên, thanh niên xung phong... những người đã cùng với Ðiện Biên trải qua tháng ngày “bão lửa”, dành cả tính mạng, thậm chí cả cuộc đời cho mảnh đất này, thì niềm hạnh phúc, mừng vui về những đổi thay của Ðiện Biên càng thêm đong đầy.

CCB Nguyễn Tiêu, thôn 4B, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên)

Nhận thức xã hội ngày càng nâng cao

Tôi có nhiều duyên nợ với Ðiện Biên, năm 1952, tham gia Chiến dịch Tây Bắc đợt 1, đây là lần đầu tiên tôi lên mảnh đất này. Năm 1953, một lần nữa tôi hành quân chiến đấu theo Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Sau khi Chiến dịch thắng lợi, tôi được lệnh quay lại Ðiện Biên xây dựng vùng kinh tế mới. Khi ấy nhận thức của người dân còn rất hạn chế, rất ít người biết chữ và còn duy trì nhiều tập tục lạc hậu. Ðến nay thì đã phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được cơ bản, nhận thức người dân các dân tộc cũng ngày một nâng cao, xã hội ngày càng phát triển. Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi trong thời gian ấy là một tối muộn vào bản Noong Chứn (hiện thuộc phường Nam Thanh, TP. Ðiên Biên Phủ), tôi gặp trường hợp 1 phụ nữ đang chuyển dạ sinh nở, khó sinh suốt nhiều giờ mà gia đình cách li cho nằm trong chiếc lều ngoài vườn. Tôi phải vào nông trường xin điều cán bộ y tế đến giúp và giảng giải, thuyết phục gia đình đưa thai phụ vào nhà để đảm bảo sức khỏe. Thai ngược nhưng sau nhiều giờ được cán bộ y tế hỗ trợ, cháu bé sinh ra khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông. Giờ thì khác, hầu hết phụ nữ khi sinh nở đều đến cơ sở y tế và được gia đình chăm sóc chu đáo, khoa học.

 

Chiến sĩ Ðiện Biên Nguyễn Tiêu thư thái tuổi già bên vườn rau gia đình.

Ðiều tôi nhận thấy thay đổi vượt bậc ở Ðiện Biên nữa là sản lượng lương thực. Trước đây bà con thường xuyên thiếu đói, lúa chỉ trồng 1 vụ. Từ 1.000m2 chỉ thu hoạch được 2 - 3 tạ thóc, bây giờ đạt đến 7 - 8 tạ, gạo không chỉ đủ ăn mà còn thành nông sản nổi tiếng, xuất đi khắp nơi. Từ đó, đời sống nhân dân no ấm, đủ đầy hơn. Còn nhớ những năm đầu xây dựng nông trường, cả khu vực này chỉ có 1 ngôi nhà ngói, còn lại đều là nhà gianh vách đất, ngày nay thì nhà xây cao tầng kiên cố, tiện nghi, mọc lên san sát nhau.

Nguyễn Hiền (ghi)

CCB Bùi Hoàng Ninh, tổ dân phố 10, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ)

Điện Biên đang thay đổi từng ngày

 
Từng là chiến sĩ tham gia những trận đánh cam go, ác liệt trên đồi A1 trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm xưa, sau ngày Ðiện Biên giải phóng, tôi đã ở lại tham gia phát triển kinh tế, xây dựng quê hương mới Ðiện Biên. Ðến nay, sau hơn 60 năm sinh sống và làm việc ở nơi đây, tôi thấy mảnh đất Ðiện Biên có sự thay đổi từng ngày. Khi tôi mới bắt đầu xây dựng cuộc sống nơi đây, Ðiện Biên chỉ là mảnh đất chiến trường với nhiều xác pháo, bom đạn, dân cư thưa thớt. Cuộc sống của người dân hết sức khó khăn “ăn không đủ no, mặc không đủ ấm”, nhà ở đều là nhà tranh vách đất, đường sá đi lại lầy lội, trẻ em không được học hành đầy đủ… Ðến nay, nhờ sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước cùng với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tôi thấy mảnh đất Ðiện Biên đã hoàn toàn “thay da đổi thịt” mang dáng dấp của đô thị khang trang, hiện đại. Ðường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa giúp việc đi lại của người dân ngày càng thuận tiện, dễ dàng; đa số người  dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch. Ðặc biệt, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao, song đời sống người dân không ngừng được cải thiện; từ chỗ thường xuyên thiếu đói, đến nay đã có cuộc sống ấm no, đủ đầy; nhiều hộ đã xây dựng được cơ ngơi khang trang với những ngôi nhà cao tầng, mô hình sản xuất cho thu nhập từ vài trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Ðiều kiện kinh tế - xã hội phát triển đã giúp người dân được quan tâm chăm sóc sức khỏe, được khám, chữa bệnh thường xuyên khi đau ốm; trẻ em được đến trường học hành đầy đủ, hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước; người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội được quan tâm, tạo điều kiện giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Những đổi thay của Ðiện Biên hôm nay chính là nguồn động lực to lớn để tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm sớm đưa Ðiện Biên trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Ðức Linh (ghi)

CCB Phạm Bá Miều, tổ dân phố 16, phường Tân Thanh (TP. Ðiện  Biên Phủ)

Tin vào thế hệ trẻ hôm nay

Quê ở xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình); cuối năm 1949, vừa tròn 19 tuổi, nghe tiếng gọi của Ðảng và Bác Hồ tôi lên đường nhập ngũ, được phân công vào Ðại đội 13, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 65, Sư đoàn 312 ở chiến trường Cao - Bắc - Lạng. Năm 1950, tôi chuyển sang Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 để chuẩn bị cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Là người tham gia ngay từ những ngày đầu Chiến dịch Ðiện Biên Phủ nên tôi nhớ như in từng trận đánh ác liệt năm 1954. Thời điểm ấy, Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ đánh chiếm Ðồi A1. Nhiệm vụ của đơn vị tôi là vừa chiến đấu vừa kiến thiết công sự, đào giao thông hào từ Tà Lèng xuống đồi A1. Sau đó, phối hợp với đại đội công binh tiếp tục đào đường hầm ngầm từ chân lên đỉnh đồi để đặt khối bộc phá. Trời mưa tầm tã, nhưng với tinh thần bất khuất, hàng trăm chiến sĩ vẫn thay nhau đào hầm. Ðất ở đồi A1 cứng, trong khi dụng cụ chỉ có cuốc chim và xẻng gấp thô sơ nên phải mất 13 ngày, chúng tôi mới hoàn thành đường hầm ngầm đặt khối bộc phá nặng 960kg; đã có những đồng chí hy sinh vì bị ngạt. Ðêm 6/5/1954, chúng tôi được lệnh kích nổ khối bộc phá, tiêu diệt gần một đại đội của địch. Trung đoàn 174 đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 chỉ trong vài giờ...

Sau khi giải phóng Ðiện Biên, tôi cùng một số đồng chí, đồng đội ở lại Ðiện Biên để phát triển kinh tế. Về hưu, tôi tiếp tục tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương, đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tân Thanh. Hàng năm, vào các dịp lễ tết, đặc biệt là kỷ niệm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ tôi thường dẫn con cháu thăm các điểm di tích, thăm những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Di tích đã được bảo tồn, tôn tạo nhiều; nơi yên nghỉ của đồng đội cũng ngày một khang trang hơn… Ðiều đó cho tôi cảm nhận Ðảng, Nhà nước đã thực sự quan tâm đến lịch sử, những cống hiến của thế hệ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và tôi tin thế hệ trẻ hôm nay biết trân trọng, phát huy truyền thống anh dũng của cha ông đi trước để  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Quang Long (ghi)

Ông Vũ Ðức Vạn, tổ dân phố 10, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ)

Nông thôn Điện Biên đang dần khởi sắc

 
Sinh ra và lớn lên ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1954, sau khi trực tiếp cầm súng chiến đấu tại chiến trường Ðiện Biên Phủ, tôi được điều động sang chiến đấu bên nước bạn Lào. Kháng chiến thành công, tôi trở lại Ðiện Biên tham gia phát triển kinh tế. Ðây thật sự là thách thức bởi mảnh đất Ðiện Biên khi đó đã bị tàn phá nặng nề vì bom đạn, người dân thiếu đói, phải ăn ngô, sắn, củ mài thay cơm; đường đến các thôn, bản chủ yếu là đường mòn, mỗi chuyến công tác ra tỉnh họp tôi phải đi bộ mất 5 - 6 ngày đường, vào mùa mưa có khi phải đến 10 - 12 ngày…

Giờ đây, mọi khó khăn đã lùi vào quá khứ, mảnh đất Ðiện Biên hôm nay đang khoác lên mình màu áo mới với những đổi thay rõ ràng. Bộ mặt đô thị được đầu tư xây dựng khang trang, ngày càng văn minh, sạch đẹp. Nhưng có lẽ với tôi, ấn tượng nhất phải kể đến sự thay đổi ở vùng nông thôn Ðiện Biên. Không còn nghèo đói, lạc hậu năm xưa thay vào đó là những cánh đồng lúa, nương ngô xanh mơn mởn. Dân cư sống tập trung đông đúc, lao động sản xuất đã theo phương thức mới với nhiều máy móc hiện đại, như: Máy cày, máy gặt, máy bơm nước, máy phun thuốc, máy gieo sạ… Không chỉ tập trung sản xuất nông nghiệp, giờ đây vùng nông thôn còn có thêm nghề cơ khí, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, kinh doanh nhỏ lẻ. Ðáng chú ý, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm đã được quan tâm đầu tư xây dựng phục vụ nhân dân. Ðến nay, tất cả các xã đều có đường ô tô đến trung tâm, thậm chí đến cả một số thôn, bản. Y tế, giáo dục được đầu tư nâng cao chất lượng. Ðời sống người dân không ngừng được cải thiện. Nhờ sự quan tâm đầu tư đó, Ðiện Biên đã có nhiều xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới như: Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Xương (huyện Ðiện Biên), Thanh Minh, Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ), Lay Nưa (thị xã Mường Lay)… Từ đó, tạo cho vùng nông thôn Ðiện Biên hôm nay thêm khởi sắc.

Ðức Thái (ghi)

CCB Nguyễn Kim Sao, tổ dân phố 17, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ)

Truyền thống quý báu còn mãi cho muôn đời sau

Ðã 65 năm kể từ khi Chiến dịch Ðiện Biên Phủ kết thúc với chiến thắng vang dội của quân và dân ta; song những ký ức một thời bão lửa chưa một lần phai nhòa trong tâm trí tôi. Năm 1951, tôi xung phong lên đường nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn 148 - đơn vị hoạt động độc lập thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 1953, chấp hành lệnh cấp trên, tôi và đơn vị vượt qua bao dốc cao, vực thẳm hành quân lên Tây Bắc, cùng các lực lượng tham gia chiến đấu ở chiến trường Ðiện Biên Phủ, trực tiếp chiến đấu với lính nhảy dù của quân đội Pháp. Sau 3 tháng chiến đấu ác liệt, quân ta đã làm suy yếu trong việc tiếp tế lương thực, đạn dược bằng đường hàng không của quân địch, khiến quân Pháp tổn thất lớn trên chiến trường. Cũng trong thời điểm ấy, thi hành mệnh lệnh của cấp trên, Trung đoàn 148 nhận lệnh bí mật sang Lào, chặn đường quân địch từ Lào sang và ngược lại. Khi hoàn thành sứ mệnh, đơn vị quay về giải phóng huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) làm nhiệm vụ tiễu phỉ nổi dậy ở một số nơi trên địa bàn. Những ngày tháng trực tiếp tham gia đánh đuổi quân xâm lược, dù khó khăn, gian nguy, cận kề giữa sự sống và cái chết nhưng chúng tôi không bao giờ chùn bước; đây là quãng thời gian vô cùng đáng nhớ đối với tôi cùng đồng đội.

 

Ông Nguyễn Kim Sao chia sẻ về những nét nổi bật của tỉnh nhà trong những năm gần đây.

Sau Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, tôi chuyển sang Công an vũ trang, từng giữ chức Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Mường Mươn; Ðội trưởng Ðội phân giới cắm mốc Việt Nam - Lào và một số vị trí lãnh đạo trong lực lượng vũ trang nhân dân. Trên cương vị nào tôi cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng với đồng đội giữ vững chủ quyền biên giới của đất nước. Tôi thấy thật vinh dự, tự hào vì thế hệ tiếp nối chúng tôi, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đã luôn phát huy truyền thống, không ngừng nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Hy vọng truyền thống quý báu này sẽ mãi mãi được gìn giữ, phát huy cho muôn đời sau...

Văn Quyết (ghi)

CCB Nguyễn Khắc Kế, đội 20, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên)

Tô thắm thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng

ĐBP - Sau giải phóng, đơn vị C5 - D10 - E176 - F316 được lệnh lên Ðiện Biên làm nhiệm vụ giữ gìn biên giới, xây dựng và phát triển quê hương Ðiện Biên. Khi đó là sau tết nguyên đán, đơn vị chúng tôi hành quân từ Sơn Tây lên. Ðến năm 1961, tôi và đồng đội của mình được long trọng làm lễ hạ sao rồi sang xây dựng nông trường quân đội Ðiện Biên Phủ (sau đổi tên thành Nông trường quốc doanh Ðiện Biên Phủ). Hồi ấy, Ðiện Biên ngút ngàn rừng cây, cỏ dại, chúng tôi trần lưng ra chặt cây dựng nhà, cuốc đất làm nương khai hoang, phục hóa. Nhiệm vụ đầu tiên và nguy hiểm là rà phá bom mìn còn sót sau chiến tranh. Do thực hiện bằng phương pháp thủ công nên trong quá trình rà phá, đã có nhiều đồng chí hy sinh. Nhưng sau những hy sinh mất mát, mảnh đất Ðiện Biên Phủ ác liệt ngày nào đã không phụ công chúng tôi. Cánh đồng Mường Thanh đã có nước sản xuất, rồi đào ao, thả cá… Người lính chúng tôi trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Tất cả những thành quả có được không chỉ đổi bằng mồ hôi, công sức mà còn cả máu của đồng chí, đồng đội.

 

Ông Nguyễn khắc Kế (bên phải) trò chuyện với đồng đội.

Ðiện Biên Phủ hôm nay đã là thành phố mới, trẻ trung, năng động, cánh đồng Mường Thanh đã trở thành vựa lúa lớn của Tây Bắc. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự góp sức của những người lính trên mặt trận phát triển kinh tế; đặc biệt là sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội, đời sống của 19 dân tộc anh em đã có nhiều khởi sắc, no ấm, đủ đầy hơn. Ðiện, đường, trường, trạm đã được phủ hầu hết đến các bản, mường xa xôi, hẻo lánh, tạo tiền đề vững chắc để người dân phát triển sản xuất. Ðiển hình như địa bàn tôi cư trú từ chỗ nghèo đói, lạc hậu, nhiều hộ trong đội đã vươn lên khá giả, nhà cửa khang trang… Ðiều đó càng tô thắm thêm niềm tin sắt son của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, với những chính sách mang đến sự ấm no, hạnh phúc trên quê hương Ðiện Biên.

Sầm Phúc (ghi)

CCB Trần Quang Hữu, thôn C17B, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên)

Nhiều thay đổi xứng đáng với những hi sinh, công hiến năm xưa

Sau gần 65 giải phóng, Ðiện Biên đã đổi thay trên mọi mặt, mọi lĩnh vực. Còn nhớ, những ngày sau giải phóng, chúng tôi quay lại mảnh đất này làm nông trường, xây dựng vùng kinh tế mới gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Tôi được phân công về đội lái xe, vào mùa mưa, đi từ nông trường bộ (khu đô thị Bom La, xã Thanh Xương bây giờ) lên đến Him Lam mất nửa ngày vì đường lầy lội, vũng bùn sâu, các lái xe phải giúp nhau đẩy lần lượt từng xe qua, ra đến huyện Tuần Giáo thì mất đến 3 ngày với nhiều dốc cao, vực sâu, cua tay áo nguy hiểm và đường thì nhỏ. Còn về đến Hà Nội thì là cả quãng đường dài. Anh em lái xe chúng tôi lúc nào cũng mong trời nắng ráo. Xe ngày xưa không hiện đại, chắn mưa gió kín như bây giờ, ngồi trong xe mà như ngồi ngoài trời, có lần tôi lái xe từ Hà Nội, mặc chiếc quần vừa mới mua, lên đến Ðiện Biên quần bạc màu, rách hết. Bây giờ thì khác rồi, nhiều tuyến đường được mở mới, rải nhựa, bê tông vào tận các thôn, bản. Quốc lộ 279 được cắt cua, mở rộng, đi lại êm thuận, nhanh chóng, an toàn hơn trước rất nhiều. Giao thông từ thành phố đến trung tâm các huyện, thị cơ bản đều thuận lợi, muốn đi các tỉnh xa như Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh miền xuôi cũng chỉ cần lên xe ngủ 1 đêm, tỉnh dậy là đến nơi.

 

Ông Trần Quang Hữu hồi tưởng lại tuổi trẻ với nhiều gian khó xây dựng mảnh đất Ðiện Biên.

Một lĩnh vực mà tôi thấy đổi thay rất nhiều nữa là nông nghiệp. Khi chúng tôi mới lên đây, trên này không chỉ thiếu lương thực mà rau xanh cũng rất hiếm. Chúng tôi phải về Mộc Châu (tỉnh Sơn La) và các tỉnh miền xuôi xin hạt rau, cây giống lên trồng. Ngày nay, người dân đã chủ động được lương thực, thực phẩm. Không chỉ có các giống cây phổ biến mà còn không ít nông sản đặc trưng vùng miền cũng được bà con mua giống, lai ghép trồng thử nghiệm và cho thu hoạch tốt, như: bưởi da xanh, bưởi diễn, nhãn chín muộn, thanh long… Với những thay đổi tích cực đó của tỉnh nhà, tôi cũng cảm thấy vui thay, xứng đáng với những hi sinh của đồng đội và cống hiến của những chiến sĩ - cán bộ nông trường chúng tôi.

Bảo Anh (ghi)

CCB Vũ Khắc Man, tổ dân phố 10, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ)

Tiếp nối truyền thống năm xưa

Tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tôi là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, tôi cùng đồng đội một lần nữa lên với Ðiện Biên nhưng với tâm thế hoàn toàn khác. Tôi vẫn nhớ như in ngày Bác Hồ cùng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp giao 3 nhiệm vụ mới cho Sư đoàn 316, gồm: Bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở trên miền Tây Bắc. Nhiệm vụ này không nhẹ hơn so với đánh giặc Pháp năm xưa. Bởi giao thông, đường sá lúc bấy giờ đi lại khó khăn, mọi thứ cơ bản phục vụ cho sinh hoạt thường ngày vô cùng thiếu thốn.

 

Ông Vũ Khắc Man ôn lại kỷ niệm chiến đấu năm xưa.

Thế nhưng với tinh thần của người lính Cụ Hồ, chúng tôi nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, vất vả, ra sức khôi phục, xây dựng Ðiện Biên thời hậu chiến. Xuất ngũ về nông trường Ðiện Biên, tôi cùng đồng đội tháo dỡ thép gai, khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, phát triển nông nghiệp. Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, tôi thấy cuộc sống ngày nay thay đổi tới hàng trăm lần so với ngày xưa. Ðiện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, sạch, đẹp; kinh tế cũng có bước phát triển vượt bậc giúp cho mức sống người dân ngày càng cao. Không chỉ vậy, những năm trở lại đây, các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có nhiều hoạt động quan tâm, động viên thăm hỏi các chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa. Nổi bật nhất 3 năm trở lại đây, vào dịp kỷ niệm 7/5, TP. Ðiện Biên Phủ tổ chức cho chúng tôi được gặp mặt nhau, cùng ôn lại lịch sử chiến đấu hào hùng, những kỷ niệm trong quá trình bảo vệ và xây dựng Ðiện Biên. Ðây là hoạt động có ý nghĩa, động viên những chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa trong cuộc sống thường ngày. Và chúng tôi - những người đã từng chiến đấu với giặc ngoại xâm và sau này là giặc đói, giặc dốt trên mảnh đất này đều cảm thấy tự hào vì mồ hôi, nước mắt và xương máu của mình hi sinh cho mảnh đất này đã đơm thành trái ngọt. Thế hệ chúng tôi nay đều ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhiều người đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về đất mẹ cùng những người đồng đội năm xưa. Ðiều chúng tôi mong là thế hệ trẻ ngày nay sẽ tiếp nối được truyền thống hào hùng của những người đi trước, cùng góp sức xây dựng Ðiện Biên ngày càng giàu đẹp.

Hải Phong (ghi)

Bình luận
Back To Top