Biên cương ngày ấy… (Kỳ cuối)

11:17 - Thứ Hai, 11/02/2019 Lượt xem: 10076 In bài viết

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc diễn ra tháng 2-1979 tới nay tròn 40 năm. Cuộc chiến đấu đó đã trở thành một dấu son trong lịch sử giữ nước của dân tộc, và trong ký ức của những cựu chiến binh đã có mặt trên biên giới ngày ấy vẫn vẹn nguyên cảm xúc, hình ảnh về những tháng ngày hào hùng, gian khổ, nỗi niềm tri ân với đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc. Và đó cũng chính là những dòng ký ức của nhà báo Nguyễn Hòa, xin giới thiệu cùng bạn đọc…

Sau ngày chiến trận

Ngày 5-3-1979, bên kia tuyên bố rút quân. Dù biết tin song các đơn vị vẫn rất cảnh giác. Anh em thay nhau trực chiến, người không trực thì sửa sang hầm hào, tranh thủ tắm giặt… Đây cũng là lúc quân y tẩy uế chiến trường và các đội làm công tác chính sách rất vất vả, nhất là khi quy tập liệt sĩ, chuyển về phía sau chôn cất. Với liệt sĩ đã tạm chôn cất sau khi hy sinh thì đỡ hơn, còn lại đội công tác phải kết hợp với anh em ở đơn vị chiến đấu sở tại lùng sục, lần tìm, phát hiện,… cố gắng không để liệt sĩ nào nằm lại. Một số anh em khác thì được phân công vào các làng bản giúp dân dọn dẹp nhà cửa, sửa sang đường xá, tìm trâu, bò, lợn, gà còn sống sót để chăm sóc, chờ bà con dân bản trở về thì bàn giao…

 

Anh hùng LLVT Lý Trung Phẩm - đồng đội của tác giả, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Bản Chắt (Đình Lập - Lạng Sơn). (Ảnh cắt từ clip của VTC1) 

Sau khi họ rút quân, mình đến con đường dẫn ra một cửa khẩu, thấy lính bên kia lấy chăn bông 5 kg trắng tinh trong kho của bách hóa huyện ném xuống lấp ổ voi, ổ trâu, ổ gà chống lầy cho ô-tô đi qua mà phẫn uất. Phẫn uất hơn khi nhìn ra hai bên đường, những ngôi nhà trình tường (tường đắp bằng đất rất kỳ công) dày 40 cm bị lính bên kia trong khi rút quân bắn B40, giật bộc phá đổ sập. Giáp biên giới nơi đơn vị mình trấn giữ, thỉnh thoảng lại có đạn pháo bắn sang. Thám báo vẫn lởn vởn, rình rập… Vì thế, ngoài bộ phận trực chiến, củng cố trận địa, đơn vị bắt đầu tổ chức sinh hoạt bình thường. Lại cắt cỏ tranh để đan tấm lợp, lại vào rừng đốn cây làm doanh trại, khai khẩn các mảnh đất ven suối hoặc xin đất của bà con trong bản để trồng rau… Mấy tháng sau chiến tranh, bộ phận chính sách hầu như đã cơ bản lo xong công việc. Cán bộ, chiến sĩ bị thương tiếp tục điều trị ở các bệnh viện tuyến sau, anh em bị thương nhẹ bắt đầu trở về. Đây cũng là lúc nhà khách các đơn vị đông nghẹt cha mẹ, vợ con, anh em liệt sĩ lên tìm phần mộ của con, chồng, cha, anh. Những vành khăn trắng, những tiếng khóc nức nở làm bọn mình thằng nào cũng nao lòng. Cũng lúc này mình mới có điều kiện hỏi thăm về những người bạn của mình đã hy sinh. Khâm phục, tự hào là các bạn ấy đã hy sinh với viên đạn trước ngực, vì bị pháo bắn khi đang chiến đấu trong chiến hào, không ai hy sinh vì đạn bắn vào lưng. Về sau đọc nhật ký chiến trường đã sờn mép, lấm lem bụi đất và máu của một anh bạn vong niên, đến đoạn kể trên đường vượt Trường Sơn, các anh ấy thề: “Nếu có phải hy sinh trên đường hành quân thì đầu vẫn hướng về phía nam của Tổ quốc”, mình nghĩ về các bạn của mình. Dù trên chiến trường miền nam hay biên giới phía bắc, những người lính vẫn luôn là con người quả cảm, mình có cuộc sống như bây giờ, một phần nhờ những con người quả cảm đó. Sau chiến tranh, mình mới biết thêm nhiều chuyện. Như anh L, mình quen từ trước chiến tranh. Chiến đấu trên “chốt”, anh bị hơn 10 viên đạn AK bắn vào “bao xe” (túi đựng ba băng đạn) đeo trước ngực, anh ngã vật về phía sau, nhưng không bị thương, vì đó là đạn cuối tầm nên không còn khả năng xuyên phá. Anh M thì kỳ lạ hơn. Đạn bắn tỉa bắn trúng vào ngôi sao trên mũ cối của anh và bị chệch hướng. Viên đạn khoan phá cái mũ cối một lỗ to bằng miệng chén ngay cạnh thái dương! Hai anh bảo sẽ giữ cái bao xe thủng lỗ chỗ và cái mũ cối bị khoan thủng làm kỷ niệm. Nhiều năm rồi không gặp, không biết các anh còn giữ hay không?

Mình cũng phải kể đến tấm lòng của bà con các dân tộc ở biên giới ngày đó. Lúc chiến tranh, ai đi sơ tán thì đi, người thì ở lại giúp bộ đội chiến đấu. Bà con thương bộ đội vô cùng, tốt vô cùng. Về sau mình đóng quân gần một bản người Tày, vào chơi mãi thành quen. Đến vụ gặt lúa, thu hoạch ngô, lạc, bí đỏ là anh em thay nhau vào giúp các gia đình neo người. Nhà có cỗ, có đám cưới là bà con cử con cháu ra mời. Mà bọn mình cũng tếu, có hôm được nghỉ, cả lũ kéo nhau vào bản. Ngồi bên bếp lửa giữa nhà sàn cùng réo bài hát “chế” từ bài Ngày mai anh lên đường bằng tiếng Tày thành: “Mừ phì húc ca khin thàng. Mừ phì húc ca pay chiến trận. Au mè nơi biên giới. Ná mừ về thành phố. Lung linh lẩu lèng thương sáng soi thàng ca lục khưởi” - nghĩa là: “Ngày mai anh lên đường. Ngày mai anh ra chiến trường. Lấy vợ nơi biên giới. Không cần về thành phố. Lung linh rượu mật ong sáng soi đường anh con rể”!…

Đầu năm 1982, mình về Hà Nội học đại học theo chế độ biệt phái của quân đội. Nhớ anh em, vài tháng mình lại về đơn vị cũ. Vài năm sau cũng thôi, vì anh em cùng lứa với mình tản mát dần, đơn vị toàn anh em mới. Chính từ những lần về chơi này mình phát hiện ra một điều là thách thức tinh thần của đồng đội. Đó là lúc cuộc sống hầu như trở lại bình thường, những người lính trực chiến gian khổ trên “chốt” chỉ nhìn lại phía sau vài cây số là thấy một cuộc sống khác. Nếu không vì nhiệm vụ, nếu không có bản lĩnh thì rất dễ so bì, lung lạc tinh thần, khó vượt qua. Điều này rõ ràng hơn khi mình ra Trường Sa. Sau hai ngày vượt biển, mình đi từ nơi có cuộc sống ồn ào, xe cộ như mắc cửu, tụ tập ăn nhậu, tiếng “zô zô” ầm ào,... để đến nơi đầu sóng ngọn gió, đến với những người lính đang trằn mình giữa biển khơi để bảo vệ đất nước. Gặp những người lính trẻ bằng tuổi con mình, trò chuyện với họ, mình như được trở lại với thời trai trẻ và liên tưởng đến những ngày trên biên giới phía bắc. Sau chiến tranh, mình đã đến mọi miền đất nước, từ Tây Bắc, Việt Bắc đến đồng bằng Bắc Bộ, miền trung, miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Một dải biên giới từ phía bắc, đến miền trung và Tây Nam mình cũng đã qua.

Trong bao nhiêu chuyến đi, như một thói quen, mình thường tìm gặp bộ đội. Vì mình biết chắc chắn rằng, dù thời nào thì lính vẫn là những người vất vả, chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nơi nào có thiên tai, bão tố là người lính có mặt, nếu một ngày đất nước bị xâm phạm, họ là những người đầu tiên đứng nơi “mũi tên, hòn đạn”. Và mình luôn chia sẻ, đồng cảm và gắn bó với họ.

P.V (theo Báo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top