Bế mạc Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

16:08 - Thứ Sáu, 22/02/2019 Lượt xem: 9152 In bài viết

Chiều 21-2, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới dự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ QH hoàn thành chương trình làm việc, xem xét, thảo luận nhiều nội dung các dự án Luật và bế mạc.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ QH nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Tham dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành.

Trình bày báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, để triển khai lấy ý kiến nhân dân, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GDĐT đăng toàn văn dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT; mở chuyên mục góp ý về dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT, Báo Giáo dục và Thời đại.

Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật, nhưng có định hướng tập trung vào 11 nhóm vấn đề trọng tâm. Về đối tượng lấy ý kiến, Chính phủ đã tổ chức chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và cá nhân ở Trung ương và địa phương

Kết quả lấy ý kiến nhân dân cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo Luật, với hơn một triệu lượt ý kiến góp ý. Đa số ý kiến cho rằng dự thảo Luật được xây dựng công phu, về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm, đường lối của Đảng và cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật đã kế thừa các quy định còn phù hợp và khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Báo cáo một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH về báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của Chính phủ về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Chủ nhiệm Phan Thanh Bình trình bày cho biết, Thường trực Ủy ban nhận thấy, các ý kiến góp ý của nhân dân được tổng hợp trong báo cáo về cơ bản đã đề cập tới hầu hết các nội dung cần sửa đổi trong Luật Giáo dục. Đối với các nội dung sửa đổi lớn, các chính sách mới, liên quan đến quyền của đa số các đối tượng chịu sự tác động (đội ngũ nhà giáo, gia đình người học), kết quả tổng hợp, tiếp thu cho thấy sự đồng thuận cao giữa ý kiến nhân dân với quan điểm trình của Chính phủ.

Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành các nội dung, quan điểm của Chính phủ về việc tập hợp, giải trình ý kiến của nhân dân theo 11 nhóm vấn đề trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến và xác định chín nhóm vấn đề tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như đã nêu trong Báo cáo. Thường trực Ủy ban cho rằng, các nhóm vấn đề được đặt ra và giải quyết đã cơ bản hướng đến việc thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục...

Nhìn chung qua báo cáo tổng hợp, đa số ý kiến của nhân dân đồng ý với các chính sách, quy định được đề xuất trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tiếp thu cần được dựa trên cơ sở khoa học giáo dục, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm phù hợp thực tiễn Việt Nam để phục vụ việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này.

Bảo đảm chất lượng “đầu ra” sau đào tạo

Về chính sách cử tuyển, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với quan điểm của nhân dân và sự tiếp thu của Chính phủ về việc bổ sung đối tượng cử tuyển đối với học sinh các dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; điều chỉnh từ phân công sang ưu tiên tuyển dụng để phù hợp quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức. Theo đó nhấn mạnh việc bảo đảm chất lượng đầu ra sau đào tạo, để chính sách được thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của từng địa bàn, địa phương.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có những quy định chặt chẽ, phân công phân cấp rõ trách nhiệm để chính sách cử tuyển được triển khai thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả. Cho ý kiến nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến chỉ ra thực tế hiện nay, sinh viên cử tuyển mới 40% bố trí được việc làm, còn lại chưa tìm được việc làm. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề này, thu hẹp phạm vi, đối tượng cụ thể. Đã là cử tuyển thì địa phương phải có cơ chế tuyển dụng, Chính phủ phải quy định cụ thể và gắn việc đào tạo cử tuyển ra với việc bố trí việc làm.

Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị, ngành giáo dục nên nghiên cứu quy hoạch về giáo viên và tuyển dụng giáo viên. Ngành giáo viên là ngành đặc thù và ưu tiên, có thể ngang với lực lượng vũ trang. Do đó, tuyển dụng của ngành này cũng có thể tuyển dụng như theo cách của quân đội là tốt nhất. “Cần bao nhiêu thì tuyển bấy nhiêu, ra trường thì xét tuyển và không phải thi tuyển. Tránh tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại giỏi nhưng lại đi làm việc không đúng chuyên môn. Phải đào tạo theo chỉ tiêu, ra trường thì phải có việc ngay...”.

Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị, cần nâng cao chất lượng “đầu vào” của giáo viên, bởi giáo viên nào sản phẩm đó, nếu “đầu vào” không bảo đảm thì không đáp ứng yêu cầu về chất lượng đào tạo.

Sửa đổi Luật Đầu tư công đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về các vấn đề còn có những ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Theo Phó Chủ tịch QH, về phạm vi sửa đổi và tên gọi của luật, Ủy ban Thường vụ QH nhất trí việc sửa đổi phạm vi và tên gọi của dự án Luật trên cơ sở tùy thuộc vào quá trình rà soát nội dung dự án Luật với tinh thần bảo đảm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển và hạn chế tối đa sửa những điều chưa cần thiết hoặc sửa sẽ làm phá vỡ hệ thống pháp luật…

Về phạm vi sửa đổi và tên gọi của luật, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các vấn đề vướng mắc, sửa đổi Luật Đầu tư công toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thống nhất tên gọi của luật là Luật Đầu tư công (sửa đổi). Một số ý kiến đề nghị nên tập trung sửa đổi một số điều cần thiết và lấy tên là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công”.

Chung quanh một số nội dung cụ thể, về nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, có ý kiến đề nghị không quy định “nguồn vốn để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách”, vì một số nguồn để lại cho đầu tư đã được điều chỉnh ở nhiều văn bản quy định khác nhau. Một số ý kiến đề nghị cần quy định nội dung này để quản lý nguồn lực đầu tư của Nhà nước, bên cạnh đó cần tạo điều kiện để các đơn vị phát huy quyền tự chủ, tránh những quy định mang tính hình thức và gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7-10), theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH và một số ý kiến đại biểu QH, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10 nghìn tỷ đồng lên 35 nghìn tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Một số ý kiến khác cho rằng, có thể điều chỉnh tổng mức đầu tư phân loại dự án trên cơ sở đánh giá thực tế.

Về quy định quản lý nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng cần lấy Luật Quản lý nợ công làm căn cứ, tránh tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan đầu mối trong quản lý. Về nội dung trình QH xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm và thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ QH, Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định danh mục dự án cụ thể, để thể hiện đúng theo tinh thần Hiến pháp, QH quyết định về tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và QH có thể ủy quyền.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, nhiều ý kiến đề nghị không quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND trong việc xem xét các dự án trong thời gian không diễn ra kỳ họp.

Tại phiên họp hôm nay, Ủy ban Thường vụ QH cũng xem xét, cho ý kiến đối với một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án luật Luật Quản lý thuế (sửa đổi); việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Phát biểu kết thúc phiên họp cuối chiều nay, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thường trực các Ủy ban liên quan của QH, các bộ, ngành hữu quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các dự án Luật quan trọng được xem xét tại phiên họp lần này. Đồng thời, Ủy ban Tài chính và Ngân sách hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc để sớm ký ban hành. Phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH vào tháng 3, tháng 4 tới xem xét rất nhiều nội dung, do đó, Chủ tịch QH yêu cầu các cơ quan của Chính phủ, các ủy ban của QH khẩn trương hoàn thiện nội dung sớm trình Ủy ban Thường vụ QH, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo đúng yêu cầu.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top