Cùng suy ngẫm

Cốt nhất ở thực chất, hiệu quả!

09:38 - Thứ Hai, 25/02/2019 Lượt xem: 10759 In bài viết

ĐBP - Không ai có thể phủ nhận được giá trị tích cực của thi đua. Bởi khi thực hiện tốt thi đua như liều thuốc kích thích để sáng tạo, góp phần tăng năng suất lao động, tạo không khí làm việc sôi động, hiệu quả và thời gian qua rất nhiều cơ quan, đơn vị, sở, ngành trong tỉnh đã làm tốt điều này. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng việc thi đua ở một số cơ quan, đơn vị còn nặng về hình thức, có “phát mà không động” hoặc thi đua mang tính chất chiếu lệ, làm cho có và không ít tình trạng cán bộ, công chức “xin” để được có tên trong danh sách công nhận danh hiệu thi đua vì nhiều lẽ!

Không ít các phong trào thi đua ở một số cơ quan, đơn vị còn nặng về hình thức. Biểu hiện rõ nhất đó là tổ chức phát động hoành tráng, “trống giong cờ mở”, ký kết nhưng nội dung hoạt động thực tế lại không thực chất và có không ít ngành, đơn vị các phong trào thi đua “chồng” lên thi đua, rồi nội dung thi đua chỉ nằm… trên giấy. Ðến khi tổng kết, bình xét thì chỉ nghĩ cách làm sao để cá nhân mình, đơn vị mình đạt thành tích như đã đăng ký hoặc cam kết. Vì thế nên thường né tránh khuyết điểm, “tô hồng” thành tích. Chưa kể đến tâm lý xét thi đua hiện nay thường là “cào bằng” hay luân phiên hoặc tập trung ưu tiên cho một số cá nhân lãnh đạo, quản lý như kiểu “chia phần” danh hiệu thi đua. Thậm chí có trường hợp có cá nhân xin được chiếu cố để đề nghị khen thưởng cấp tỉnh vì sắp đến kỳ... nâng lương trước thời hạn như đã từng xảy ra ở đơn vị X. vừa qua! Với cách tổ chức phong trào thi đua rồi bình xét khen thưởng kiểu đó thì đương nhiên là không đem lại hiệu quả và càng không thể tạo ra động lực cổ vũ, khích lệ trong công tác, lao động, sản xuất.

Thi đua phải là hành động tự giác của mỗi người. Danh hiệu và khen thưởng là cần thiết nhưng nếu chỉ vì danh hiệu, vì động cơ không trong sáng thì sẽ làm “méo mó” thi đua. Chính vì vậy việc tổ chức các phong trào thi đua cần thiết thực, cụ thể tránh hình thức, làm chiếu lệ và việc bình bầu cần công tâm, khách quan tránh tư tưởng luân phiên hay cả nể... mà “cào bằng”, phân bổ. Khen thưởng đúng người, đúng việc, khi đó thi đua mới thực sự trở thành động lực, góp phần khuyến khích, cổ vũ và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào thi đua yêu nước.

Gia Kiên
Bình luận
Back To Top