Tư duy vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh

15:46 - Thứ Hai, 04/03/2019 Lượt xem: 10935 In bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam là kiến trúc sư của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Triển khai thực hiện hệ thống tư tưởng của Người về quan hệ quốc tế, Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế và trở thành một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế suốt hơn 2/3 thế kỷ qua. 

Đến nay, nhiều luận điểm của Người về quan hệ quốc tế vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Điều này thể hiện tầm tư duy vượt thời đại của một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Biệt lập tất sẽ suy yếu

Từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy một thực tế: “Nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông đó là sự biệt lập. Không giống như các dân tộc phương Tây, các dân tộc phương Đông không có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau”. Chính thực tế này dẫn tới “thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau”. Biệt lập tất sẽ suy yếu. Đây là chân lý cho mọi thời đại. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh. Chân lý đó vẫn luôn khẳng định giá trị trong thời đại ngày nay.

Vận dụng quan điểm này, Việt Nam tăng cường mối quan hệ bền chặt và tin cậy với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng chính là cách để tăng cường sức mạnh quốc gia, dân tộc. Trước hết là quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia, quan hệ Việt Nam - ASEAN, Việt Nam với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và với các khu vực khác trên thế giới.

 

Quang cảnh buổi hội đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-2-2019.

Việt Nam là một trong cộng đồng hàng trăm quốc gia dân tộc đang tồn tại trên thế giới. Khi nhìn Việt Nam, Người luôn đặt Việt Nam trong một tổng thể, nhìn cái bộ phận trong quan hệ với cái toàn thể, nhìn cây trong rừng. Từ việc quan sát tổng thể, Người nhìn thấy tương quan giữa các lực lượng trên thế giới, nhìn thấy xu hướng, trào lưu phát triển chung để đưa Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của thời đại, dùng sức mạnh thời đại để tạo cú hích thúc đẩy Việt Nam phát triển.

Nội lực - yếu tố quyết định hội nhập quốc tế thành công

Người nhìn thấy Việt Nam trong quan hệ với cách mạng thế giới: “Các cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc bất kỳ gần hay xa, to hay nhỏ đều có quan hệ với nhau”. Và như một lẽ tất yếu: “Mọi người đều phải theo trào lưu của cách mạng thế giới… Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được”.

Nhận thức này giúp Việt Nam tìm kiếm được nhiều đồng minh và có điểm tựa vững vàng là trào lưu cách mạng thế giới để tự tin tiến bước. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình mà còn vì tự do độc lập chung của các dân tộc và hòa bình trên thế giới”. Nhận thức này cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân ta và cho ta sức mạnh. Tư duy định vị cá thể trong tổng thể sẽ cho ta nhận thức rõ mình là ai, vị trí của mình trong bức tranh chung và dựa vào những lợi thế, sức mạnh của tổng thể để làm nên chiến thắng. Do đó, luôn biết gắn mình vào các tổ chức khu vực và quốc tế, gắn mình với xu thế phát triển chung của khu vực và toàn cầu là sự lựa chọn tất yếu của Việt Nam hiện nay trong quan hệ quốc tế.

Đến nay, Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới. Mối quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức này luôn được quan tâm xây dựng, phát triển nhằm tạo cơ hội cho Việt Nam nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Trong mọi trường hợp, phần thưởng của nội lực mạnh mẽ là sự chủ động. Người khẳng định: “Lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình; dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động”. Người luôn nhìn thấy sức mạnh và giá trị mà các quan hệ quốc tế đưa lại. Người khẳng định Việt Nam không thể tồn tại mà không quan hệ với bên ngoài.

Song mặt khác chúng ta phải luôn tự nỗ lực vươn lên khẳng định mình, không trông chờ, ỷ lại. Mình có khẳng định được chính mình thì người ta mới biết đến mình và giúp mình. Mình khẳng định được chính mình thì trong mọi trường hợp mới có thể chủ động. Khi quốc tế chưa giúp được mình, mình cũng không thể bị diệt vong.

Yếu tố quyết định thắng lợi của ngoại giao không phải sự khéo léo trên bàn đàm phán mà ở thực lực các bên. Thực lực mạnh thì lời nói mới có giá trị: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Luận điểm này mãi vẫn khẳng định giá trị và tính chân lý.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top