Chuyện đoạt dù của địch ở chiến trường Ðiện Biên Phủ

08:37 - Thứ Năm, 11/04/2019 Lượt xem: 9965 In bài viết

ĐBP - Sau khi Pháp cho quân nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ (ngày 20/11/1953) hàng ngày từ Hà Nội máy bay chuyên chở các thứ như: vật liệu chiến tranh, thuốc men, lương thực, thực phẩm cho quân lính thường hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh bay rất tự do vì lực lượng cao xạ của ta còn giữ kín. Chúng hung hăng thả bom, đánh phá các cánh rừng quanh lòng chảo Ðiện Biên. Có thể nói giai đoạn đầu làm công tác chuẩn bị cho chiến dịch chúng ta có khó khăn do pháo địch luôn nghi ngờ và oanh tạc, nhất là các khu rừng và dọc đường 41. Nhưng nhờ công tác bảo mật, ngụy trang (nhất là việc hạn chế khói lửa) nên thiệt hại do địch gây ra không đáng kể.

Sau khi được cấp trên quán triệt phương châm “Ðánh chắc, tiến chắc” ngày 13/3/1954 chiến dịch mở màn, ta đã mở tung cánh cửa ở phía Bắc và Ðông Bắc của địch bằng chiến công tiêu diệt 3 vị trí của địch là Him Lam trong ngày 13/3, đồn Ðộc Lập vào đêm 14 rạng sáng 15/3 và đồn Bản Kéo ra hàng ngày 17/3/1954, quân địch rất hoang mang lo sợ. Tuy vậy, lực lượng của địch vẫn còn rất mạnh với trên 10.000 quân đóng trên 30 vị trí đều nằm tập trung giữa cánh đồng bằng phẳng nên việc tiếp tế từ Hà Nội lên với chúng là vô cùng cần thiết.

Khi máy bay địch bay lên thả dù, lúc đầu chúng bay rất thấp thả dù xuống, quân địch trong các căn cứ ra thu dù rất dễ dàng vì vòng vây của ta còn xa. Nhưng khi vòng vây của ta ngày càng gần các cứ điểm cộng với lực lượng cao xạ của Trung đoàn 367 vào gần sân bay thì bọn địch ra lấy và chúng phải nổ súng yểm trợ. Ðịch thường dùng loại máy bay 2 thân và Ða cô ta. Trước khi chúng thả dù thường có các máy bay B26 (ta gọi là B Vanh-xít) và loại Hen cát đi bắn phá xung quanh lòng chảo Ðiện Biên để yểm trợ trước, hòng uy hiếp lực lượng phòng không của ta.

Cuối giai đoạn của chiến dịch (từ ngày 24 đến 30/4/1954) là thời gian các cứ điểm của địch gặp nhiều khó khăn nhất: thương vong ngày càng nhiều, đạn dược, thuốc men đều thiếu. Do vòng vây của ta ngày càng siết chặt, vì vậy máy bay của địch không thể bay thấp tung dù xuống mà phải bay cao để thả dù, mà đã bay cao ném dù thì dù rơi không theo ý muốn, nhất là gặp ngày trời gió to. Vì vậy mới có chuyện đi đoạt dù của địch.

Nhiệm vụ đi đoạt dù của địch, mỗi đơn vị chỉ cử 5 đến 6 đồng chí nhanh nhẹn, tháo vát mang theo súng, dao, hoặc mài lưỡi lê thật sắc. Còn những đồng chí khác vẫn sẵn sàng trong tư thế đánh địch. Những đồng chí làm nhiệm vụ đoạt dù của địch tai phải lắng nghe tiếng động cơ nặng từ hướng đông bay lên. Khi đã phát hiện đúng máy bay lên thả dù, lập tức quan sát các vị trí dù rơi lạc sang phía ta, từng tổ 3 người men theo giao thông hào kéo dù xuống các đường giao thông hào. Nếu thấy địch bắn mạnh thì tìm mọi cách đánh dấu để chờ trời tối ra lấy. Ðặc biệt khi trời gió to từ hướng Ðông thì lượng dù bay sang hướng Tây mà các đơn vị của ta chiếm giữ, có lúc số lượng dù rơi đếm không kịp.

Giai đoạn này chủ yếu là dù chứa đạn, thuốc men, đồ hộp và các thứ khác hòng cứu vãn các căn cứ nhất là khi ta làm chủ sân bay Mường Thanh. Nếu chiếc dù nào rơi vướng dây thép gai thì bằng mọi cách cắt dây lôi xuống giao thông hào. Tuy vậy cũng rất gian khổ, ác liệt vì sự tranh chấp dù giữa ta và địch, có khi phải nổ súng yểm trợ các đồng chí lôi dù xuống chiến hào. Tổ tôi có đồng chí mắc phải mìn của địch cài bị thương khi dù mắc vào dây thép gai.

Tôi còn nhớ ngày 27/4/1954, địch cho 4 máy bay (2 chiếc hai thân và 2 chiếc Ða cô ta) từ Hà Nội lên, chúng bay rất cao thả dù. Biết trước tình hình anh em bố trí sẵn lực lượng để đánh địch ra lấy dù. Khi những chiếc dù rơi ở ngoài đồn bọn địch cho quân ra lấy, nhưng do hỏa lực của ta bắn mạnh nên chúng không lấy được 6 chiếc dù rơi ngoài hàng rào. Bọn địch trong đồn cũng dùng các loại súng bắn mạnh để bảo đảm cho những tên ra thu dù nhưng hỏa lực của ta mạnh hơn làm địch không lấy được, rút về đồn kéo theo những tên bị thương. Khi chúng kéo nhau về đồn, anh em vẫn nổ súng uy hiếp và nhanh chóng cử 6 đồng chí mang theo dao, súng có lưỡi lê bò sát mặt đất nhanh chóng kéo 6 chiếc dù xuống giao thông hào, trong hầm hàm ếch.

Khi kiểm tra số dù thu được có đủ các thứ như đạn pháo 105 mà ta đang cần, đồ hộp, thuốc lá zốp, bát tô, mích. Ðến chiều tối đem nộp lên trên và xin cho mỗi đồng chí một bao thuốc lá và cả tổ xin 1 chiếc dù hoa để chia nhau làm ngụy trang.

Việc đi đoạt dù của địch với chúng tôi có biết bao kỷ niệm. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Ðiện Biên, tôi viết mẩu chuyện này muốn gửi đến các đồng đội là chiến sĩ Ðiện Biên dù đã ở tuổi xưa nay hiếm để ôn lại những năm tháng hào hùng tại chiến trường Ðiện Biên Phủ.

Lê Trung Kiên

(Nguyên chiến sĩ Trung đoàn 88, Ðại đoàn 308)

Bình luận
Back To Top