Tính dự báo trong chương trình xây dựng pháp luật không cao

09:50 - Thứ Năm, 11/04/2019 Lượt xem: 10161 In bài viết

Ngay sau khai mạc phiên họp thứ 33, sáng 10-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, về điều chỉnh chương trình năm 2019, ngoài 3 dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào chương trình năm 2019 theo Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14 ngày 13-12-2018 Điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chính phủ tiếp tục đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2019 đối với 10 dự án, dự thảo, bao gồm: Rút ra khỏi chương trình 2 dự án luật; lùi thời hạn trình 2 dự án; bổ sung vào chương trình 6 dự án, dự thảo. Sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 sẽ là 26 dự án.


Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, công tác xây dựng pháp luật được tiếp tục đổi mới. Sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan chặt chẽ hơn. Các vấn đề lớn của từng dự án luật được tranh luận thấu đáo, tính phản biện ngày càng cao, dẫn đến kết quả các dự án luật được thông qua với tỷ lệ cao.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tính dự báo trong chương trình xây dựng pháp luật không cao nên việc rút, lùi, bổ sung xảy ra liên tục ở các kỳ họp. Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng còn nể nang. Một số trường hợp còn thiếu kiên quyết, xuôi chiều với cơ quan soạn thảo. Khi tham gia thảo luận thì ngoài những đại biểu phát biểu sâu vẫn còn đại biểu phát biểu chung chung.

Thống nhất với việc có điều chỉnh năm 2019, nhưng Chủ tịch Quốc hội không đồng tình việc thay đổi xáo trộn những chương trình Quốc hội đã được quyết định. “Chỉ đưa ra khỏi chương trình những dự án luật nào chưa bảo đảm chất lượng, chưa đủ điều kiện để trình ra Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành việc đưa khỏi chương trình năm 2019 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; lùi thời gian sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám đối với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; bổ sung vào chương trình năm 2019 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Cùng với đó, việc điều chỉnh Luật Khám bệnh, chữa bệnh lùi hai kỳ họp, từ trình xin ý kiến vào kỳ họp thứ bảy sang xin ý kiến vào kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV. Luật Thi đua - Khen thưởng không bổ sung vào chương trình năm 2019 mà đưa vào cuối năm 2020. Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, các đại biểu đồng ý với đề nghị đầu năm 2020 trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp hoàn thiện lại dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và hoàn chỉnh dự kiến danh mục cụ thể để báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV.

Cũng trong buổi sáng 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc thành lập, điều chỉnh, giải thể đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Long Thành và thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành việc điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã và giải thể 1 xã thuộc huyện Long Thành; thành lập 5 phường thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top