Pháo thủ và những ký ức hào hùng

08:53 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 11878 In bài viết
ĐBP - Chiều cuối tháng tư, tới bản Ten B, đội 4, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên), chúng tôi được ông Phạm Ðức Cư kể cho nghe về thời binh lửa rất đỗi oanh liệt và hào hùng của mình.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi hỏi về thời chinh chiến của mình, ông Cư dường như trẻ lại. Nhâm nhi chén trà, ông Cư bồi hồi lật giở từng trang ký ức những ngày làm tham mưu tác chiến ở Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, Binh chủng Pháo binh trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ông Cư nhớ lại: Tháng 12/1953, hai tiểu đoàn pháo cao xạ nhận được lệnh kéo pháo lên Tây Bắc, phục vụ chiến dịch với 2 nhiệm vụ chính là tiếp cận, bảo vệ cho các sư đoàn bộ binh tấn công vào các cứ điểm của địch và nhiệm vụ thứ hai cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất đó là bắn hạ được nhiều máy bay của địch. Xuất phát từ Tuyên Quang và mất 17 ngày đêm, băng núi, ngủ rừng tiểu đoàn ông Cư mới lên đến xã Nà Nhạn. Tại đây, 2 tiểu đoàn pháo cao xạ tiếp nhận mỗi tiểu đoàn 12 khẩu pháo cao xạ 37 ly và 12 khẩu 12 ly 7 (mỗi khẩu 37 ly nặng 2,4 tấn và phải cần từ 80 - 100 người kéo ở địa hình dốc); nhận lệnh tháo rời xe pháo và kéo pháo bằng sức người vào lòng chảo Ðiện Biên. Ðể kéo pháo, mỗi người lính được cấp phát một đôi giày vải nhưng khi ấy Ðiện Biên đang vào mùa mưa, đường lầy lội, lại dùng giày ghì dây kéo pháo, nên chỉ đi được vài ngày là hỏng, những người lính chân trần kéo pháo suốt chiến dịch. Kéo pháo ban đêm, vướng cây cối, đá nhọn, chân tay người lính nào cũng rách, trầy xước thịt da, máu in hằn trên đường kéo pháo.

 

Ông Tường Duy Súy (bên trái) trò chuyện với đồng đội.

Ðường kéo pháo chỉ là những con dốc cheo leo, dựng đứng hiểm trở (có chỗ dốc đến 70 độ) chỉ một chút bất cẩn, trượt chân là có thể khiến người và pháo rơi xuống vực thẳm. Ðể đảm bảo yếu tố bí mật, anh em phải kéo vào ban đêm, xuyên rừng, băng suối, đặc biệt là không được phép soi đèn. Do vậy, để nhìn thấy đường kéo pháo bấy giờ những người lính đã nảy ra sáng kiến, đó là cử 2 đồng chí khoác 2 mảnh vải trắng đi trước để làm “hoa tiêu”, cả đội cứ theo hai cái bóng sáng mờ mờ ấy mà kéo và đẩy pháo theo sau. Cứ như thế, người cùng pháo băng rừng, vượt núi… vào trận địa. Sau 9 ngày đêm kéo pháo liên tục, chỉ bằng sức người, chúng tôi đã đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa (ngay sát đồi Ðộc Lập); mọi người đều phấn khởi, chuẩn bị tinh thần giết giặc thì lại nhận được lệnh… kéo pháo ra. Cả tiểu đội đều bất ngờ và bàng hoàng. Bấy giờ đồng chí chính trị viên đại đội phải giải thích và làm công tác tư tưởng để anh em hiểu rằng, tinh thần chiến dịch không thay đổi, chỉ có phương châm tác chiến thay đổi nhằm đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi, ít thương vong. Khi hiểu vấn đề, chúng tôi cùng nhau kéo pháo ra. Nhưng kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra còn khó gấp bội phần, thậm chí có cả những hy sinh mất mát.

Sau khoảng gần 1 tháng tập kết, các tiểu đoàn lại nhận được lệnh của Sở Chỉ huy kéo pháo vào lần 2 để tổng lực đánh chiếm Ðiện Biên Phủ. Chiều tối ngày 13/3/1954, các tiểu đoàn pháo cao xạ đồng loạt khai hỏa vào cứ điểm Him Lam, đồi Ðộc Lập. Với tinh thần chiến đấu anh dũng “gan không núng, chí không mòn” ngày 16/3/1954, quân ta đã chiếm được phân khu 1 ở phía Bắc của địch, gồm: Him Lam, đồi Ðộc Lập và bản Kéo... Thế trận pháo cao xạ hình thành từ Bắc xuống Nam trở thành thế gọng kìm ôm lấy lòng chảo Ðiện Biên. Ðến ngày 7/5/1954, quân đội ta đã giải phóng Ðiện Biên, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Còn với chiến sĩ Ðiện Biên Tường Duy Súy, thôn C4, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) ký ức về 56 ngày đêm “máu trộn bùn non” vẫn còn vang mãi. Ông luôn tự hào là chiến sĩ thuộc Ðại đội 319, Tiểu đoàn 88, Trung đoàn 176, Ðại đoàn 316 anh hùng - đơn vị ông có nhiệm vụ là hỏa lực trợ chiến bộ binh (hỏa lực mặt đất); hỗ trợ bộ binh tiến công. Ông nhập ngũ năm 1952, đơn vị ông đóng quân tại Bình Phú - Hưng Yên. Năm 1953, đơn vị ông được lệnh hành quân lên Ðiện Biên tham gia chiến dịch. Ðợt 1 Chiến dịch, đơn vị ông được lệnh tổ chức thành cụm pháo chiến dịch, bố trí từ Hồng Cúm đến Bản Kéo, tạo thành một vòng cung; có nhiệm vụ tập trung hỏa lực bắn phá sân bay, sở chỉ huy, trận địa pháo trong trung tâm Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Tại đây, những trận pháo kích diễn ra ác liệt, để giải vòng vây, bất kể ngày hay đêm quân địch tấn công ra liên tục bằng xe tăng, bộ binh… với những trận chiến giáp lá cà; đặc biệt quân ta phải hứng chịu những đợt pháo từ cầu Mường Thanh khiến trung đội ông thương vong rất nhiều. Bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch, đơn vị ông được lệnh bổ trợ bộ binh đánh đồi A1, án ngữ các ngã ba từ cầu Mường Thanh, chặn đứt chi viện quân và đạn dược của địch từ hầm Ðờ-cát lên đồi A1. Bấy giờ, trận địa pháo cối 82 của đơn vị ông được đặt tại đồi C2 (mâm xôi); hàng ngày đơn vị túc trực 24/24 khi phát hiện thấy địch chi viện, quân ta tấn công bằng hỏa lực kết hợp pháo 105 và pháo cối 82. Ðây là đợt tấn công dai dẳng, quyết liệt, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào; thậm chí có ngày địch tấn công 7 đợt lên đồi A1; nhưng với ý chí “quyết tiến, quyết thắng” pháo ta đã chặn đứng tất cả các trận đánh của địch. Sau khi giải phóng Ðiện Biên, đơn vị ông được lệnh thu dọn chiến trường, chiến lợi phẩm rồi rút về Thanh Hóa chỉnh huấn.

Những câu chuyện ký ức về một thời oanh liệt của những người lính Ðiện Biên sẽ mãi là những bài học vô cùng quý giá đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top