Nhân dân Thanh Hóa “dốc bồ, đổ thúng” cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ

15:19 - Thứ Hai, 06/05/2019 Lượt xem: 12849 In bài viết
ĐBP - “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Ðiện Biên Phủ đến đó. Tiếng Ðiện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Ðó là lời biểu dương, khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho toàn thể quân và dân Thanh Hóa vì đã có công lớn góp phần làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, khi Người về thăm Thanh Hóa ngày 13/6/1957.

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp về Thanh Hóa - địa phương đóng góp lớn nhất về sức người, sức của trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Thời điểm này, đúng vào dịp Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đang phát động, hưởng ứng các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, các phong trào thi đua chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 990 năm ngày Xưng danh Thanh Hóa (năm 1029). Ðặc biệt, lễ kỷ niệm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (từ ngày 1 - 7/5/2019). Trong đó, có nhiều hoạt động liên quan đến chiến thắng Ðiện Biên Phủ, mà người Thanh Hóa mãi tự hào đã góp sức người, sức của làm nên chiến thắng thần kỳ cách đây 65 năm.

 

Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa dùng bè mảng chở lương thực và hàng hóa vượt sông Mã tiếp vận cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Ðảng thông qua quyết định mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, thành lập Bộ tư lệnh chiến dịch và Hội đồng Cung cấp để huy động lực lượng, vật chất cho chiến dịch. Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã bổ sung nhiều đơn vị ra chiến trường, như: Tiểu đoàn 275 bộ đội địa phương cho Trung đoàn 53; đại đội 150, 160 cho Tiểu đoàn 541 phòng không... Cùng với đó, Thanh Hóa đã điều động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của đại đội 128 bộ đội huyện Bá Thước; đại đội 112 bộ đội huyện Tĩnh Gia và một số đơn vị của huyện Hoằng Hóa, Hà Trung, Quảng Xương cho các đơn vị tham gia chiến đấu tại Ðiện Biên Phủ. Ðặc biệt, từ cuối tháng 3 đến tháng 5/1954, tại huyện Nga Sơn, các đơn vị bộ đội địa phương huyện phối hợp cùng dân quân du kích tiêu diệt nhiều sinh lực địch, không cho chúng di chuyển quân bổ sung cho chiến trường Ðiện Biên Phủ.

Không chỉ tiếp viện quân chiến đấu, Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Mặc dù là địa bàn xa trận địa Ðiện Biên Phủ, giao thông vô cùng khó khăn, nhưng để chuẩn bị tốt công tác hậu cần phục vụ cho Chiến dịch, trước đó toàn bộ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu từ khắp nơi trong tỉnh được tập trung về kho Cẩm Thủy và kho Lược (huyện Thọ Xuân) để chuyển ra mặt trận. Sau khi hàng thiết yếu được tập kết, Thanh Hóa thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận, đề ra kế hoạch cụ thể xây dựng hệ thống kho, trạm, sửa chữa đường nhằm nhanh chóng huy động nhân lực, vật lực cho chiến dịch. Với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, Thanh Hóa đã huy động tối đa sức người, sức của phục vụ Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Lực lượng thanh niên nô nức lên đường, tham gia mở đường, sửa đường; hàng nghìn dân công được huy động lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

 

Những người con của mảnh đất xứ Thanh ôn lại kỷ niệm hào hùng một thời của quân và dân Thanh Hóa đóng góp trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Nói về những đóng góp của quân, dân Thanh Hóa trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ông Ðinh Tiên Phong, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa cho biết: Mở đầu Chiến dịch, Trung ương giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.352 tấn gạo, 100 tấn thực phẩm. Ðợt 2 chiến dịch, từ đầu tháng 3/1954 tiếp tục huy động và vận chuyển 1.000 tấn gạo, 165 tấn thực phẩm. Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp, tập trung huy động, hoàn thành chỉ tiêu trước thời hạn 3 ngày. Khi chiến dịch chuyển sang giai đoạn gần kết thúc, do yêu cầu cấp bách của chiến dịch, với quyết tâm “tất cả cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đại thắng”, Trung ương giao Thanh Hóa trong vòng 20 ngày huy động và vận chuyển thêm 2.000 tấn gạo, 282 tấn thực phẩm cho Chiến dịch. Lúc này mặc dù thóc dự trữ của tỉnh không còn, lúa cũng chưa đến ngày thu hoạch, nhân dân đã “dốc bồ, đổ thúng” cung cấp cho tiền tuyến đến hạt thóc cuối cùng. Song với tinh thần tất cả cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ thắng lợi, Ðảng bộ tỉnh huy động nhân dân nhường cơm sẻ áo, ra đồng cắt tỉa từng nhánh lúa đã chín để cung cấp kịp thời cho mặt trận. 

Cùng với thu gom lương thực, thực phẩm, tỉnh Thanh Hóa huy động hàng vạn dân công và mọi phương tiện như: xe đạp, thuyền nan, thuyền ván, ngựa thồ... vận chuyển vật chất cung cấp cho chiến dịch. Quá trình vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp viện cho chiến trường, nhiều người đã chế tác các phương tiện, vật dụng hữu ích nhất, như: Chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, dân công thị xã Thanh Hóa (bây giờ là TP. Thanh Hóa) chở được 345,5kg, ghi kỷ lục chở nặng nhất bằng xe đạp thồ trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ; xe cút kít của ông Trịnh Ðình Bầm (xã Ðịnh Liên, huyện Yên Ðịnh, Thanh Hóa) đạt thành tích 280kg/chuyến tiếp vận... Theo thống kê, trong suốt 56 ngày đêm diễn ra Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến (dài hạn và ngắn hạn) với tổng số 178.924 lượt người và 27 triệu ngày công; cùng với 10.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền nan, thuyền ván; 47 xe ngựa thồ, 31 xe ô tô, 180 xe bò vận chuyển 10.000 tấn gạo và hàng chục tấn vũ khí. Trong đó, riêng Thanh Hóa đã cung cấp cho Chiến dịch 4.361 tấn gạo (chiếm 30% số gạo cả nước phục vụ cho Chiến dịch), vượt mức Trung ương giao 9 tấn; 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu các loại, 450 tấn cá khô, 20.000 lọ mắm kem cùng với hàng trăm tấn rau các loại...

Chiến dịch Ðiện Biên Phủ kết thúc, 65 năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn phát huy tinh thần “Quyết chiến quyết thắng” của chiến thắng Ðiện Biên Phủ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm gần đây liên tục phát triển. Nếu như thời kỳ năm 1996 tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 7,3%/năm thì đến năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 15,6%. Hiện nay, Thanh Hóa đang nỗ lực phấn đấu đạt những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh khá vào năm 2020, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.

Tâm An
Bình luận
Back To Top