Ðiện Biên Phủ - Chiến công rực rỡ trong lịch sử dân tộc

08:20 - Thứ Ba, 07/05/2019 Lượt xem: 11683 In bài viết

Ðại tá, PGS, TS Lê Ðình Sỹ

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

ĐBP - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hầu như thời kỳ nào, thời đại nào dân tộc ta cũng phải đứng lên chống ngoại xâm để bảo vệ non sông đất nước và đã lập nên biết bao chiến công hiển hách, rất đáng tự hào. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một chiến công rực rỡ trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Ðằng, một Chi Lăng hay một Ðống Ða trong thế kỷ XX”.

Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là chiến công lớn nhất của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954).

 

Ðại biểu tham quan gian trưng bày tư liệu lịch sử tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Ðiện Biên Phủ - giá trị lịch sử và hiện thực”. Ảnh: Hà Linh

Trải qua gần 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, quân và dân Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi, nhưng vẫn chưa chiến công nào có ý nghĩa quyết định đánh vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, để buộc kẻ thù chấp nhận thất bại, kết thúc chiến tranh cho đến thời điểm diễn ra Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, cả Pháp và Việt Minh đều tập trung những nỗ lực cao nhất. Cả hai bên đều muốn giành thắng lợi quyết định.

Bấy giờ, kế hoạch Nava nói chung, tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ nói riêng, là cố gắng lớn nhất, cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong chiến tranh ở Ðông Dương. Tại Ðiện Biên Phủ, quân Pháp triển khai chiếm lĩnh tất cả các điểm cao của một vùng thung lũng rộng lớn và xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm liên hoàn, gồm 49 cứ điểm nằm trong 8 cụm cứ điểm thuộc 3 phân khu: Bắc, Nam và Trung tâm. Mỗi cụm cứ điểm đều có khả năng phòng ngự độc lập, có hệ thống công sự trận địa vững chắc và hỏa lực rất mạnh. Nava - viên tướng Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp cùng các tướng lĩnh cao cấp của Pháp và Mỹ đều đánh giá tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, không một sức mạnh nào có thể công phá được.

Ðối với ta, Chiến dịch Ðiện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược 1953 - 1954. Chiến dịch này được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, coi đây là chiến dịch quyết chiến chiến lược. Xét trên mọi phương diện, đây là chiến dịch lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Quyết định mở màn Chiến dịch được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng phê chuẩn; Kế hoạch tác chiến do Tổng Quân ủy soạn thảo. Chỉ huy chiến dịch là Ðại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh. Lực lượng tham gia chiến dịch cũng đông nhất và mạnh nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Như vậy, Ðiện Biên Phủ là sự tập trung, cố gắng cao nhất của cả hai bên tham chiến, là cuộc đọ sức lớn nhất, quyết liệt nhất, toàn diện nhất giữa ta và địch. Khi bước vào chiến dịch này, nhân dân ta đứng trước muôn vàn khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Thế mà, chỉ sau 56 ngày đêm liên tục chiến đấu, ngày 7/5/1954, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm. Chính vì thế, Ðiện Biên Phủ là thất bại thảm hại nhất của thực dân Pháp, là chiến công chói lọi, là thắng lợi vĩ đại nhất của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa đối với bạo tàn, thắng lợi của ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn dân tộc Việt Nam. Sau thất bại này, mặc dù lực lượng quân Pháp ở Ðông Dương còn đông, nhưng ý chí xâm lược của thực dân Pháp đã hoàn toàn bị sụp đổ, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Ðông Dương.

Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là kết tinh sức mạnh của trí tuệ Việt Nam, thể hiện đỉnh cao nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh và vận dụng nghệ thuật quân sự tài giỏi.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tiến hành kháng chiến lâu dài, dựa vào dân, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Ðường lối kháng chiến đúng đắn đã tập hợp, khơi dậy và phát huy được tiềm lực của toàn dân tộc, tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, trong đó có cả nhân dân Pháp, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đối phó và đánh thắng kẻ địch mạnh hơn ta nhiều lần.

Từ giữa năm 1953, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện kế hoạch Nava, ra sức xây dựng khối quân chủ lực cơ động chiến lược mạnh nhằm thoát khỏi tình trạng phòng ngự bị động, tiến tới giành quyền chủ động trên chiến trường Ðông Dương, với mục đích là để đến năm 1954 thực hành cuộc tiến công ở phía Bắc Việt Nam, tạo ra ưu thế cho phép đưa ra một giải pháp chính trị có lợi nhằm giải quyết chiến tranh.

 

Các đại biểu nghe nhân chứng lịch sử trao đổi bên lề Hội thảo. Ảnh: Hải Yến

Trong khi đó, tại Tỉn Keo (Ðịnh Hóa, Thái Nguyên), Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Ðảng ta đã xác định chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược 1953 - 1954, với mục đích tập trung mọi nỗ lực giữ vững và phát triển quyền chủ động tiến công chiến lược và phân tán khối quân cơ động chiến lược của thực dân Pháp. Khác với trước đây, ta thường chỉ mở chiến dịch tiến công trên 1 hoặc 2 hướng chiến lược, thì mùa khô này Bộ Chính trị chủ trương tiến công dịch trên nhiều hướng: Tây Bắc, Bắc Tây Nguyên và phối hợp với bạn Lào, mở chiến dịch ở cả Thượng, Trung và Hạ Lào, đúng như tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Tỉn Keo là “biến quả đấm chủ lực của Pháp thành bàn tay xòe, để bẻ gãy từng ngón một”. Chính nhờ đó, sau đợt 1 của cuộc tiến công chiến lược ấy, ta đã khiến địch phải điều đến 51% lực lượng cơ động từ đồng bằng lên Tây Bắc và Lào, rồi bị giam chân tại các tập đoàn cứ điểm ở miền rừng núi; số còn lại bị căng mỏng ra và bị kìm hãm bởi thế trận chiến tranh nhân dân địa phương ở nhiều nơi.

Cùng với việc mở các trận tiến công quy mô làm phân tán lực lượng cơ động của địch, ta lại cô lập một bộ phận lớn quân Pháp ở Ðiện Biên Phủ, khiến cho tướng Pháp không phán đoán được trận đánh lớn nhất sẽ diễn ra ở đâu. Và khi ta vây đánh ở Ðiện Biên Phủ thì Ðiện Biên Phủ đã rơi vào thế bị cô lập, địch không có lực lượng lớn để ứng cứu.

Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của cơ quan chỉ huy tối cao kháng chiến của ta lúc bấy giờ là tạo được thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp và đã xây dựng được sự đoàn kết, liên minh chiến đấu ba nước Ðông Dương; giam chân chủ lực Pháp ở những chiến trường mà chúng không phát huy được thế mạnh.

Ðể thực hành một chiến dịch tiến công có quy mô lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ta đã hình thành thế trận bao vây, xây dựng trận địa tiến công và ngày càng siết chặt từng cụm cứ điểm tới tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế trận liên hoàn của địch. Trong khi chuẩn bị chiến dịch, ta đã kịp thời chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Ðây là một sáng tạo, một quyết tâm thay đổi cách đánh chiến dịch xưa nay chưa từng có.

Trong chiến đấu, ta đã tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực, phát huy sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận binh lực địch, từng bước uy hiếp, tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu nhất của quân Pháp, để giành thắng lợi quyết định. Bằng việc tập trung lực lượng, tác chiến hiệp đồng chặt chẽ, quân ta đã đột phá lần lượt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, từng phân khu, đồng thời xây dựng hệ thống phòng ngự trận địa và giao thông hào, tạo nên ưu thế sức mạnh to lớn trong quá trình tiến công.

Ta đã chọn cách đánh hiểm, phát huy ưu thế mọi thứ vũ khí của ta; kết hợp đánh chính diện với các mũi thọc sâu, luồn sâu; kết hợp các đợt đánh lớn với hoạt động tác chiến thường xuyên bằng vây lấn, bắn tỉa; hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch. Lần đầu tiên, bộ đội ta thực hiện những trận đánh công kiên quy mô lớn, đánh hiệp đồng binh chủng, tiến công cụm cứ điểm nằm trong hệ thống phòng ngự liên hoàn của quân Pháp, như các trận: Him Lam, Ðộc Lập...; ta cũng thực hành những trận chiến đấu phòng ngự trận địa ở đồi C1, A1... Trong đó, ta đã triệt để tận dụng địa hình, tích cực cải tạo trận địa cũ của địch thành trận địa của ta, tổ chức lực lượng theo nguyên tắc binh lực ít, hỏa lực nhiều, lực lượng tung thâm ít, lực lượng dự bị cơ động ở ngoài nhiều...

Tại Ðiện Biên Phủ, trong điều kiện không có phương tiện vũ khí để đánh lớn, tiêu diệt địch ngay, thì ta đã dùng chiến thuật vây lấn bằng hệ thống chiến hào, giống như những dây thòng lọng ngày một siết chặt vào cổ quân địch. Bộ đội ta đã sáng tạo ra nhiều cách đánh mới đem lại hiệu suất chiến đấu cao, cuối cùng giành thắng lợi.

Chiến thắng Ðiện Biên Phủ mang ý nghĩa thời đại sâu sắc, mở ra một trang sử mới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Lịch sử thế giới đã từng diễn ra nhiều trận đánh rất nổi tiếng, quy mô sử dụng lực lượng lớn hơn rất nhiều so với trận Ðiện Biên Phủ, song về tầm vóc và ý nghĩa trận Ðiện Biên Phủ thực sự đã vượt qua tầm khu vực, mang tầm quốc tế, nổi tiếng thế giới, làm thay đổi một thời đại trong lịch sử nhân loại. Trước Ðiện Biên Phủ, trong suốt 500 năm chưa từng có một nước thuộc địa nào đánh thắng được cuộc chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn; chưa một nước thuộc địa nào dùng phương pháp quân sự kết hợp với chính trị, ngoại giao để buộc một nước đế quốc lớn ký hiệp định, trao trả độc lập thực sự cho dân tộc bị áp bức. Thắng lợi Ðiện Biên Phủ là thắng lợi đầu tiên của các dân tộc thuộc địa trước đội quân xâm lược nhà nghề của một đế quốc lớn mạnh.

Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Chiến công lớn ở Ðiện Biên Phủ đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân cũ của Pháp trên lãnh thổ Việt Nam và trên toàn bán đảo Ðông Dương. Chiến thắng này không chỉ góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Ðông Dương mà còn mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng 3 nước Ðông Dương, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Nó góp phần tích cực làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, thu hẹp dinh lũy của chúng, góp phần giáng một đòn chí mạng vào chiến lược toàn cầu của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu.

Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ðiện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. Ðó không chỉ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà còn là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Chính vì vậy, Ðiện Biên Phủ có ý nghĩa và tác động mang tính thời đại sâu sắc. Từ đây, cái tên Việt Nam - Hồ Chí Minh - Ðiện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng sáng ngời của một dân tộc quật cường và bất khuất, thông minh và sáng tạo. Trở thành niềm tin, là sự cổ vũ động viên mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh giành tự do độc lập. Ðiện Biên Phủ là minh chứng rực rỡ của tinh thần tự lực tự cường, độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Tinh thần Ðiện Biên Phủ trở thành biểu tượng về ý chí quyết chiến quyết thắng, về quyền được sống trong độc lập tự do và là nguồn động viên tinh thần to lớn để nhân dân Việt Nam được sự giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời gian đã trôi qua 65 năm nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử to lớn của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ vẫn ngày càng tỏa sáng và giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Bình luận
Back To Top