Niềm vui chiến thắng

08:31 - Thứ Tư, 08/05/2019 Lượt xem: 12254 In bài viết
ĐBP - Ðược làm anh “Bộ đội Cụ Hồ” tôi cùng đơn vị Ðại đội 240, Trung đoàn 88, Ðại đoàn 308 được tham gia nhiều chiến dịch như chiến dịch biên giới (10/1950), chiến dịch Hoàng Hoa Thám và chiến dịch Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Ðịnh, Ninh Bình) năm 1951 rồi chiến dịch Tây Bắc (1952), chiến dịch Thượng Lào đầu năm 1953. Tất cả các chiến dịch đều giành thắng lợi tiêu diệt sinh lực địch. Song quân ta rút về hậu phương củng cố, học tập. Tất cả các chiến dịch thời gian không dài. Ðến chiến dịch Ðiện Biên Phủ là chiến dịch có thời gian dài nhất. Từ khi nổ súng đến khi kết thúc chiến dịch (56 ngày đêm). Ðây là chiến dịch tập trung nhiều lực lượng của các quân binh chủng (trừ không quân). Là chiến dịch xa hậu phương nhưng nhờ sức dân nên các lực lượng tham gia chiến đấu vẫn đảm bảo no đủ, sức khỏe tốt trong suốt chiều dài thời gian chiến đấu.

 

Ðại biểu tham quan gian trưng bày tư liệu lịch sử tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Ðiện Biên Phủ - giá trị lịch sử và hiện thực”. Ảnh: Hà Linh

Là chiến dịch như nhà thơ Tố Hữu đã viết “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt//Máu trộn bùn non//Gan không núng chí không mòn”. Với những người lính được tham gia đánh và giải phóng Ðiện Biên Phủ có biết bao niềm vui, những niềm vui ấy mãi mãi không phai mờ.

Ðược lệnh tổng công kích (diễn ra từ 1/5/1954 đến 7/5/1954). Ðây là đợt tấn công quyết định số phận của Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Ðợt tấn công này gặp nhiều gay go, ác liệt, phải di chuyển dưới chiến hào lầy lội vì những cơn mưa đầu mùa hạ bất ngờ ập đến, do chiến đấu dài ngày nên sức khỏe của anh em cũng giảm mà kẻ thù thì quyết chống phá. Nhưng nhờ được quán triệt tư tưởng phải quyết tâm đánh thắng, và được sự hỗ trợ không kể ngày đêm của hậu phương, đặc biệt là sự chỉ huy tài tình của Bộ Chỉ huy chiến dịch nên chiến sĩ không hề nao núng sẵn sàng đánh địch mọi lúc, mọi nơi. Riêng bọn địch ngày càng mất tinh thần vì vòng vây các chiến hào của ta xiết chặt các cứ điểm. Tập đoàn Ðiện Biên Phủ ví như củ tỏi đã bóc dần các nhánh, khi ta tấn công địch khó lòng chống đỡ, thương binh của địch ngày càng nhiều, việc tiếp tế bằng máy bay ngày càng tuyệt vọng vì lưới lửa phòng không của Trung đoàn cao xạ 367 đã vào sát sân bay.

Tôi còn nhớ ngày 2/5/1954 đơn vị được lệnh chiến đấu tiêu diệt cứ điểm 311B, sau đó cùng các đơn vị bạn bao vây khu trung tâm cách Sở Chỉ huy của Ðờ - cát khoảng 300m, bọn địch còn lại trong các cứ điểm vô cùng hoảng loạn, chúng liên tục nổ súng để động viên lẫn nhau. Sau đó bọn địch tổ chức phản kích hòng chiếm lại 311B nhưng đã bị quân ta đánh cho thất bại để ngăn không cho địch nống ra. Từ đêm 2 - 6/5/1954, đơn vị tôi đã cùng các đơn vị bạn tiếp tục bao vây các cứ điểm ở trung tâm Mường Thanh như 311A, 310, Al, Cl, C2 theo lệnh của Mặt trận không cho chúng chạy thoát và lắng nghe hiệu lệnh tổng công kích. Anh em nghĩ hiệu lệnh chắc là tiếng kèn hay là cờ trên đỉnh cao phất đi phất lại nhưng không phải mà là tiếng của 1.000kg bộc phá trên đồi A1. Khi nghe tiếng “ục” rất nặng trên đồi A1 lập tức các cứ điểm đồng loạt tiến công. Khi tiến quân chiến đấu và bao vây chia cắt địch, anh em đã nhìn thấy những lá cờ trắng của địch giơ cao biểu hiện sự tan rã của địch, càng vào sâu trung tâm, cờ trắng xuất hiện càng nhiều.

Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 7/5, anh em nghe tin đã bắt sống được Ðờ-cát và toàn bộ “Ban tham mưu của Ðờ-cát” chúng tôi vui mừng không sao tả nổi, nhìn các cứ điểm địch cờ trắng ngày càng nhiều. Như vậy là quân địch ở Ðiên Biên Phủ đã đầu hàng.    ’

Qua 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của Bác và Bộ Chính trị, sự chỉ đạo tài tình của Bộ Chỉ huy Mặt trận chuyển từ “Ðánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Ðánh chắc, tiến chắc” ta đã kết thúc thắng lợi chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Là những chiến sĩ, qua 56 ngày đêm ngủ hầm cơm vắt, nghe tin địch đầu hàng, tất cả đều nhảy lên khỏi các chiến hào ngập ngụa nước, người người ôm nhau vui mừng, ai cũng tung mũ áo phất đi phất lại với tiếng hô “Quân địch hàng rồi”, “Quân ta đại thắng rồi” tưởng như vỡ lồng ngực, ai cũng cười và hát thật to. Ngồi trên cánh đồng Mường Thanh dưới ánh trăng non đầu tháng, nhìn những cứ điểm của địch tan hoang mọi người rất đỗi tự hào. Tuy vậy trong tâm tư anh em cũng có nỗi buồn xen lẫn niềm vui bởi suốt chiều dài chiến dịch đã có những đồng đội ra đi mãi không về.

Có thể nói cả đêm 7/5/1954 chúng tôi thức trắng với núi rừng, đồng ruộng Ðiện Biên, thức để tận hưởng niềm vui, thức để chứng kiến những phút giây kỳ diệu của không khí đêm nay, một không khí, một nguồn vui rạo rực mà 9 năm kháng chiến mới có.

Ðến nay đã 65 năm. Những người lính Ðiện Biên năm xưa đã ở tuổi xế chiều, bước đi chậm chạp, những kỷ niệm xa xưa, đặc biệt với chiến thắng Ðiện Biên Phủ thì mãi mãi mang theo, bởi đó là chiến dịch mang tầm vóc lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh mà chúng tôi đã góp phần nhỏ bé cùng bao anh hùng, liệt sĩ và đồng đội đã tạo nên.

Lê Trung Kiên

(Nguyên chiến sĩ C240, E88, Ðại đoàn 308)

Bình luận
Back To Top