SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Tự phê bình và phê bình hiệu quả

08:45 - Thứ Hai, 13/05/2019 Lượt xem: 11113 In bài viết

ĐBP - Trong buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ của Ðảng bộ xã A. (huyện Mường Nhé), Bí thư chi bộ phát biểu thẳng thắn: Ai cũng biết tự phê bình và phê bình là đụng chạm đến tập thể, cá nhân, nên nhiều đảng viên “kiệm” lời khi phát biểu. Tôi thấy phê và tự phê của chi bộ ta chưa có nhiều đổi mới; đặc biệt nhiều đảng viên “có việc thì mới phê, nhận khuyết điểm mới góp ý”; hơn nữa người được phê cũng thấy chưa hài lòng, việc được phê chưa hết ý. Do vậy, tôi đề nghị các đồng chí đảng viên, góp ý cho chi bộ việc đổi mới nội dung tự phê bình và phê bình sao cho hiệu quả.

Thực tế hiện nay, tự phê bình và phê bình không chỉ ở các chi bộ vùng cao mà còn ở nhiều chi bộ việc thực hiện nguyên tắc này còn hạn chế. Cụ thể như, nội dung tự phê bình và phê bình chưa thật sự trúng, sát với những vấn đề cấp thiết của cuộc sống đặt ra; nhiều góp ý còn lan man, chệch hướng với hoạt động của từng chi bộ, chi ủy, đảng viên.

Tự phê bình và phê bình là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên; uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức; ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khắc phục tình trạng ngại khó, ngại khổ, chủ quan… Tự phê bình và phê bình cũng có nhiều cách khác nhau, trong đó có cả thông qua các cuộc họp, các buổi sinh hoạt nội bộ (sinh hoạt đảng và sinh hoạt của các đoàn thể; cơ quan, đơn vị). Do vậy, cần thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác tự phê bình và phê bình. Ðặc biệt, cần căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình; vận dụng đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực công tác của mỗi đảng viên; thực hiện giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt chị bộ, sửa đổi lề lối làm việc, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc của mỗi cán bộ, đảng viên; giúp họ luôn ý thức trách nhiệm với bản thân và tạo nên sự đồng thuận, tin tưởng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao, thì tự phê bình và phê bình phải từ sự việc cụ thể; xuất phát từ động cơ trong sáng, mang tính xây dựng; góp ý phê bình phải thẳng thắn, khách quan, công tâm, tránh tình trạng “yêu nên tốt, ghét nên xấu” để người được góp ý tiếp thu, hoàn thiện; tránh nhẹ trên, nặng dưới.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top